Mùa khoai trăn trở...

05:11, 24/11/2023

Trên cánh đồng thuộc xã Tân Thành (Bình Tân), nhân công tất bật thu hoạch khoai tím Nhật... Chòi dỡ khoai được dựng lên cạnh ĐT 908, khoai được cân xong là nhân công vác lên xe tải để chở đi. Tuy nhiên, trái với cảnh thu hoạch nhộp nhịp, đồng khoai kém vui khi giá bán xuống thấp, chỉ 340.000 đ/tạ.
 

 

Trên đồng thu hoạch khoai thuộc xã Tân Thành (Bình Tân).
Trên đồng thu hoạch khoai thuộc xã Tân Thành (Bình Tân).
Trên cánh đồng thuộc xã Tân Thành (Bình Tân), nhân công tất bật thu hoạch khoai tím Nhật... Chòi dỡ khoai được dựng lên cạnh ĐT 908, khoai được cân xong là nhân công vác lên xe tải để chở đi. Tuy nhiên, trái với cảnh thu hoạch nhộp nhịp, đồng khoai kém vui khi giá bán xuống thấp, chỉ 340.000 đ/tạ.
 
Giá khoai xuống thấp
 
20 công khoai lang tím Nhật đã trồng 5,5 tháng của Công ty CP Nông nghiệp 620 đang được thu hoạch, năng suất khoảng 3,5 tấn/công, giá bán 340.000 đ/tạ. Ông Huỳnh Phú Lộc- Giám đốc công ty cho biết, là toàn bộ diện tích được trồng theo chuẩn VietGAP, có mã số vùng trồng.
 
Tuy nhiên, “vụ này lái mua không mạnh, định neo lại chờ giá lên nên thu hoạch trễ khoảng 10 ngày. Trừ chi phí đầu tư thì vụ này lợi nhuận 20 công chỉ tầm 60-70 triệu đồng. Hơn 2 tháng nữa công ty tiếp tục thu hoạch 40 công, hy vọng giá bán sẽ cao”- ông Lộc nói.
 
Là người vùng khoai, hiện đang phụ trách quản lý ruộng khoai của Công ty CP Nông nghiệp 620, anh Ngô Thành Luân ở ấp Tân Mỹ (xã Tân Thành) nói: “Năng suất tuy đạt, nhưng giá xuống thấp, chỉ 340.000 đ/tạ.
 
Hồi trước có nhiều thương lái thu mua khoai lang, giờ thì giảm hẳn nên họ ra giá bao nhiêu thì biết vậy thôi chứ không dọ giá được”. Theo anh Luân, thời gian qua, một số hộ trồng khoai trong vùng đã lên vườn trồng cây ăn trái, số khác đi làm ở các công ty, khu công nghiệp... Nhân công “chuyên làm khoai” cũng không có việc đều đặn mỗi ngày như trước. 
 
Đang trả tiền công cho đội sau một ngày làm việc, chị Trần Thị Khuyến- người “điều phối nhân sự” thu hoạch khoai cho biết, đội của chị có khoảng 40 người. “Hiện việc làm không liên tục, có khi làm 3-4 ngày thì nghỉ cả chục ngày. Trước đây thì mỗi đợt làm 30-40 công, giờ chỉ 7-10 công”.
 
“Thấy giá khoai thấp là rầu vì lo người dân giảm trồng thì càng ít việc hơn. Nhân công làm khoai mà ít việc như vậy hoài thì không đủ sống”- chị Khuyến than thở và cho biết thêm: “Ngoài lãnh lựa khoai, tôi còn lãnh làm màng phủ (trồng dưa) để “nuôi” đội. Nhưng nếu ít “kèo” quá chắc thời gian tới phải đi làm thuê thêm việc khác”. 
 
Tất bật lựa khoai, chị Hồng Kim Duyên ở xã Nguyễn Văn Thảnh (Bình Tân) bộc bạch: “Trước đây công việc có mỗi ngày, giờ ngày nghỉ còn nhiều hơn ngày làm, trong khi tiền công vẫn 140.000-150.000 đ/ngày nên thu nhập giảm sút”.
 
Gắn bó với việc lựa khoai 32 năm, chị Trần Thị Tố Hồng ở xã Thành Trung (Bình Tân) cho biết: “Lúc trước thì có việc làm suốt, giờ bữa làm bữa nghỉ nên tui đi làm cỏ kiếm thêm tiền trang trải cho gia đình 4 người”.
 
Trăn trở trên đồng khoai
 
Có hơn chục công đất trồng khoai lang, anh Ngô Đức Quận ở xã Tân Thành (Bình Tân) cho biết, từ thời ông bà và cha mẹ đã trồng khoai, bản thân anh “rất yêu khoai”. Tuy nhiên, do giá cả bấp bênh, có thời điểm chỉ có 40.000 đ/tạ, mỗi công chỉ thu được 2-3 triệu đồng, trong khi chi phí đầu tư gói ghém lắm cũng 19-20 triệu đồng/công...
 
Do đó, 2 năm nay anh đã chuyển đổi lên vườn trồng mít. Có kinh nghiệm và kỹ thuật trồng khoai, hiện anh Quận đang làm việc tại Công ty CP Nông nghiệp 620 với mức lương 6 triệu đồng/tháng. “Có công việc này cũng đỡ nhớ khoai”- anh Quận cười hiền. 
 
Sinh ra và lớn lên ở vùng khoai Mười Thới- vùng trồng khoai nức tiếng xưa nay, anh Nguyễn Hữu Thắng- ấp Tân Dương (xã Tân Thành) chia sẻ, nhà anh có 3 đời gắn bó với khoai lang, bản thân anh đã trồng khoai hơn 20 năm.
 
Trải qua bao thăng trầm với khoai, “có thời điểm giá cao, lời 40-50 triệu đồng/công, cứ bán một công khoai là sắm được cả cây vàng” nhưng “cũng có vụ dỡ khoai chỉ bán được 40.000 đ/tạ, kể như phủi tay”.
 
Anh Thắng thừa nhận “khoai lang là niềm đam mê và đã thấm sâu vào máu” nhưng do giá cả quá bấp bênh nên với 20 công đất nhà, anh đã lên vườn một nửa; nửa còn lại dự tính thu hoạch xong vụ lúa sẽ lên vườn tiếp 5 công, chỉ chừa lại 5 công trồng khoai. 
 
Với 15 công đất, anh Luân cũng phân vân: “Sắp tới, khi thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân, nếu thấy giá khoai có thể cao thì sẽ trồng khoai, còn không thì chắc sạ lúa tiếp”.

Ông Huỳnh Phú Lộc cho biết: “Công ty có phòng cấy mô, đang làm lại giống thuần của khoai lang tím. Hiện phòng cấy mô đang vận hành tốt, dự kiến qua Tết Nguyên đán sẽ có lô giống cấy mô đầu tiên.

Vùng trồng khoai của công ty nhằm để khảo nghiệm, đánh giá quy trình. Sắp tới, sẽ đưa giống cấy mô ra trồng theo quy trình này để đánh giá năng suất, khả năng chống chịu bệnh…”.

Giá khoai tím Nhật ở mức thấp, chỉ 340.000 đ/tạ.
Giá khoai tím Nhật ở mức thấp, chỉ 340.000 đ/tạ.
Hướng mắt về phía ruộng khoai đang thu hoạch, ông Lộc băn khoăn: “Hiện giá khoai thấp, đầu ra bấp bênh. Khoai được trồng theo chuẩn VietGAP, có mã số vùng trồng chi phí đội thêm khoảng 15-20% nhưng giá bán cũng bằng với khoai trồng không theo chuẩn là chưa hợp lý”.
 
Theo ông, cần giải pháp giúp đầu ra ổn định hơn, đồng thời tăng cường quản lý mã số vùng trồng; khâu thu mua, xuất khẩu đảm bảo uy tín, chất lượng khoai; có chính sách về giá bán hợp lý nhằm khuyến khích trồng theo chuẩn, có mã số vùng trồng.
Năm 2023, Huyện ủy Bình Tân chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tập trung sản xuất nông nghiệp theo hướng giảm diện tích trồng lúa, chuyển sang trồng màu và cây ăn trái có giá trị kinh tế cao.
Tổng diện tích gieo trồng cây màu toàn huyện đạt 17.545ha. Trong đó, khoai lang xuống giống 1.055ha (khoai lang tím 679ha). Đến nay, đã cấp 42 mã số vùng trồng xuất khẩu trên cây khoai lang. Diện tích khoai lang chậm phục hồi do giá cả, thị trường tiêu thụ nông sản không ổn định, người dân chưa yên tâm đầu tư sản xuất; chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- TUYẾT HIỀN
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh