Hàng hóa Tết- đảm bảo nguồn cung, ít biến động về giá

07:11, 23/11/2023

Còn gần 2 tháng nữa đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn, hiện giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu ít có biến động về giá. Dự báo tình hình giá cả sẽ ổn định trong những tháng cuối năm, đồng thời cũng có nhiều giải pháp để bảo đảm bình ổn giá dịp Tết.

 

 

Hiện các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, siêu thị, cửa hàng tiện lợi,... đang đăng ký tham gia bình ổn giá thị trường Tết Nguyên đán 2024. Trong ảnh: Một điểm bán hàng bình ổn giá Tết Nguyên đán 2023.
Hiện các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, siêu thị, cửa hàng tiện lợi,... đang đăng ký tham gia bình ổn giá thị trường Tết Nguyên đán 2024. Trong ảnh: Một điểm bán hàng bình ổn giá Tết Nguyên đán 2023.

Còn gần 2 tháng nữa đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn, hiện giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu ít có biến động về giá. Dự báo tình hình giá cả sẽ ổn định trong những tháng cuối năm, đồng thời cũng có nhiều giải pháp để bảo đảm bình ổn giá dịp Tết.

Dự báo ít biến động

Theo UBND tỉnh, hiện tình hình giá cả thị trường một số nông sản như: giá lúa Thu Đông (lúa ướt OM5451, hạt dài) cao nhất là 8.200 đ/kg, giảm 100 đ/kg so với tháng trước; giá khoai lang tím Nhật cao nhất là 450.000 đ/tạ, giảm 150.000 đ/tạ so với tháng trước, giảm 50.000 đ/tạ so với cùng kỳ; giá heo hơi cao nhất là 56.000 đ/kg, giảm 2.000 đ/kg so với tháng trước và so với cùng kỳ; giá gà công nghiệp cao nhất là 30.000 đ/kg, giảm 5.000 đ/kg so với tháng trước và giảm 4.000 đ/kg so với cùng kỳ; giá các sản phẩm chăn nuôi khác ổn định hoặc chỉ biến động nhẹ.

Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 giảm 0,17% so với tháng trước. Sau 10 tháng (tức tháng 10/2023 so với tháng 12/2022) CPI tăng 1,39%, thấp hơn tốc độ tăng CPI cùng kỳ 1,71 điểm %. CPI bình quân trong 10 tháng của năm 2023 tăng 1,66% so với cùng kỳ, thấp hơn 1,06 điểm % so với số liệu tương ứng của năm 2022.

Để đảm bảo ổn định thị trường, đặc biệt là dịp cuối năm, UBND tỉnh yêu cầu Sở Công Thương tập trung hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối giao thương để liên kết, tiêu thụ hàng hóa trong và ngoài nước.

Tập trung thực hiện các giải pháp chuẩn bị cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, tăng cường phòng, chống hàng gian, hàng giả, gian lận thương mại.

Trong khi đó, theo Bộ Công Thương, những tháng đầu năm 2023, tình hình thị trường trong nước về cơ bản tương đối ổn định, nguồn cung các hàng hóa trong nước được bảo đảm. Sức mua trên thị trường đã có sự phục hồi tốt. Bên cạnh đó, năm nay, thời tiết ổn định, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nên nguồn cung lương thực, thực phẩm, rau, quả dồi dào, giá cả không có biến động lớn.

Cũng theo Bộ Công Thương, trong thời gian tới giá cả hàng hóa thiết yếu trong nước sẽ không có biến động bất thường.

Đồng thời, năm nay người dân, nhất là những hộ có thu nhập trung bình sẽ có xu hướng tiêu dùng những mặt hàng thiết yếu, các cửa hàng, chợ, siêu thị mở cửa xuyên các dịp lễ và mở cửa trở lại sớm sau Tết nên nhu cầu dự báo không tăng đột biến. Giá cả dịp cuối năm được dự báo tăng theo quy luật thị trường, song, giá không tăng cao và bất thường...

Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường vẫn luôn cam kết bán giá ổn định, hoặc thấp hơn thị trường 5-10%. Trong trường hợp tăng giá do chi phí vận chuyển, nguyên liệu,... tăng, doanh nghiệp sẽ có báo cáo đến bộ, sở tài chính.

Đảm bảo bình ổn giá phục vụ Tết

Hiện Sở Công Thương cũng đã có văn bản đề nghị phòng kinh tế, phòng kinh tế và hạ tầng các huyện, doanh nghiệp, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn phối hợp tham gia bình ổn thị trường.

Theo đó, sở đề nghị vận động các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh lương thực thực phẩm có quy mô lớn, các chợ hạng I, hạng II tham gia điểm bán hàng bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán.

Các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng tiện lợi tham gia bình ổn thị trường xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết và trong năm 2024. Các mặt hàng tham gia bình ổn gồm: lương thực (gạo tẻ thường, gạo thơm sản xuất trong nước), thực phẩm (thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thủy- hải sản, dầu ăn, đường, thực phẩm chế biến, rau củ quả,…); xăng dầu,…

Còn theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), nhằm bảo đảm đủ nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân vào dịp cuối năm, Bộ Công Thương sẽ có chỉ đạo tới UBND, sở công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.

Theo đó, tiếp tục yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng và các phương án cung ứng hàng hóa; triển khai chương trình bình ổn thị trường, chú trọng bảo đảm nguồn cung thực phẩm thiết yếu với giá cả ổn định; thực hiện chương trình kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm...

Giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu ít biến động.
Giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu ít biến động.

Bà Lê Việt Nga- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho biết hiện một số địa phương, doanh nghiệp đã có kế hoạch chuẩn bị hàng hóa, bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, trong đó có những địa phương đã xây dựng kế hoạch bình ổn thị trường trong cả năm như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…

 Một số tỉnh, thành phố khác đang xây dựng kế hoạch triển khai trong thời gian tới nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân với giá cả hợp lý.

Bài, ảnh: CÔNG NGÔN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh