Trước tình trạng "tăng trưởng nóng" và điệp khúc "được mùa rớt giá", những chính sách phát triển bền vững cây cam sành là điều cấp thiết phát huy hiệu quả về kinh tế và là động lực để người dân an tâm canh tác cây cam trên mảnh đất quê hương.
|
Diện tích cam sành “tăng nóng” trong những năm gần đây làm cung vượt cầu. |
Trước tình trạng “tăng trưởng nóng” và điệp khúc “được mùa rớt giá”, những chính sách phát triển bền vững cây cam sành là điều cấp thiết phát huy hiệu quả về kinh tế và là động lực để người dân an tâm canh tác cây cam trên mảnh đất quê hương.
Tình trạng “tăng trưởng nóng”
Toàn tỉnh hiện có khoảng trên 70.000ha diện tích đất trồng cây lâu năm, trong đó cây có múi chiếm trên 38% với các chủng loại như cam, bưởi, quýt, chanh và tắc.
Riêng diện tích trồng cây cam sành có khoảng gần 18.000ha (hiện có hơn 5/6 diện tích đang cho trái), được trồng tập trung tại 3 huyện: Trà Ôn, Tam Bình và Vũng Liêm, số còn lại được trồng rải rác ở các huyện khác trong tỉnh.
Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, trong những năm gần đây, phong trào nông dân trồng cam sành trên đất làm phát triển rộng khắp ở nhiều nơi trong tỉnh.
Đây được xem là hiện tượng “tăng trưởng nóng” bởi vì lợi nhuận thu được cho nông dân trước mắt là rất cao, bình quân cho lợi nhuận từ 500-600 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, cũng có thời điểm cam sành rớt giá mạnh, chỉ còn khoảng 2.000-5.000 đ/kg, xảy ra vào đầu năm 2023.
Ông Nguyễn Văn Thảo- Giám đốc HTX Nông nghiệp Thuận Thới (Trà Ôn) chia sẻ: “Vài năm trở lại đây giá cam sành đã sụt giảm đáng kể ảnh hưởng đến đời sống người dân. Một số nguyên nhân như: cung vượt cầu, cam sành chưa được xuất khẩu, canh tác theo kiểu truyền thống, chưa đạt các loại chứng nhận, người tiêu dùng chưa tin tưởng vào chất lượng sản phẩm, trái cam không bảo quản được lâu...
Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, cho biết: Nguyên nhân diện tích cam sành tăng mạnh là do lợi nhuận mang lại từ loại cây trồng này quá hấp dẫn, giá cả của những năm 2015-2020 luôn ở mức cao, đặc biệt là trong mùa nghịch, giá cam có thể đạt mức 13.000-18.000 đ/kg, trong khi nông dân đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật canh tác nên năng suất cam sành không ngừng được cải thiện, gia tăng từ 36,6 tấn/ha (2019) tăng lên 44,1 tấn/ha (2023), có nhiều vườn cho năng suất gần 100 tấn/ha. Nhờ vậy mà sản lượng cam sành đã vượt 900.000 tấn/năm.
Với quy mô canh tác như hiện nay (18.000ha, năng suất bình quân 70 tấn/ha), nếu sản xuất rải quanh năm thì trung bình nông dân tỉnh Vĩnh Long sẽ bán ra thị trường trên 3.000 tấn cam/ngày, rất khó cho khâu tiêu thụ.
Ông Phan Nhựt Ái- Chủ tịch Hiệp hội Giống nông nghiệp tỉnh, cho biết: Cây cam được tỉnh chọn là một trong những cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh.
Tuy nhiên, thời gian qua, quá trình phát triển cây cam gặp nhiều khó khăn, sau khi khắc phục được dịch bệnh vàng lá greening, cam đạt năng suất cao từ phương pháp trồng thâm canh trên nền đất lúa thì chất lượng cam giảm, kết cấu đất bị thay đổi. Đặc biệt, nông dân lại ồ ạt trồng cam làm cung vượt cầu, nông dân tiếp tục bị thiệt hại.
Nâng cao giá trị cây cam theo hướng bền vững
Theo ngành chức năng, để phát triển bền vững cây cam, tạo an tâm cho nông dân sản xuất thì cần có nhiều giải pháp về lâu dài. Theo ông Nguyễn Văn Liêm, vấn đề đặt ra hiện nay trong sản xuất cam sành là thâm canh cao, trồng với mật độ dày, sử dụng nhiều loại hóa chất đã ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín, giá thành của trái cam sành Vĩnh Long.
Đứng trước thực trạng này, ngành nông nghiệp tỉnh đã quan tâm vào cuộc, củng cố sản xuất, nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật, xây dựng thương hiệu cho loại đặc sản nổi tiếng này, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh trên thị trường.
|
Diện tích trồng cam sành đã liên tục tăng theo tốc độ nhanh trong vòng 5 năm trở lại đây. |
Để nâng cao giá trị cam sành, ông Nguyễn Văn Thảo cho hay: HTX đã xây dựng mô hình nông nghiệp khép kín với mô hình vườn cây ăn trái kết hợp trang trại chăn nuôi bò để sản xuất phân bón hữu cơ cung cấp lại cho nhà vườn tại địa phương và vùng ĐBSCL.
HTX cũng xây dựng quy trình chăm sóc, nghiên cứu sản xuất bộ sản phẩm chăm sóc cây cam sành riêng cho thành viên và nông dân liên kết của HTX để định hướng sản xuất nước ép cam sành đóng lon đạt chất lượng cao.
“Hiện nay HTX đang vận động người dân và thành viên HTX sản xuất theo hướng sạch, an toàn, hữu cơ để kéo dài tuổi thọ cây cam. Qua đó, góp phần tăng năng suất, chất lượng, cải thiện giá thành, tạo niềm tin cho người tiêu dùng”- ông Nguyễn Văn Thảo cho biết thêm.
ThS Trương Huỳnh Anh- Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh phân hiệu Vĩnh Long, cho biết với cây cam sành Vĩnh Long, muốn phát triển bền vững cần theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, kinh tế xanh. Theo đó, cần hình thành vùng nguyên liệu cam sành organic hướng đến việc hợp tác bền vững với doanh nghiệp.
Nâng cao nhận thức kinh tế cho nông hộ và sự tham gia của các cơ quan, ban ngành trong việc bảo lãnh những cam kết trong hợp đồng là thực sự cần thiết.
Bên cạnh đó, cần nâng cấp sản phẩm đầu ra, mời gọi các doanh nghiệp sản xuất đồ uống, đầu tư sản xuất nước đóng chai từ cam sành nói riêng và các loại cây có múi đặc trưng của tỉnh nói chung như bưởi, quýt. Qua đó có thể tận dụng phế phẩm như vỏ cam để sản xuất tinh dầu, mứt.
|
Cần có giải pháp củng cố sản xuất, nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật, xây dựng thương hiệu cam sành. |
“Một điều quan trọng nữa là phải nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ làm việc trong HTX. Hiện nay việc thu hút cán bộ chuyên môn, đặc biệt là các bạn trẻ cho HTX còn hạn chế. Vấn đề không chỉ ở lương mà còn ở cách khai thác năng lực và giữ chân nhân tài.
Bên cạnh đó, việc liên kết giữa các HTX và các trường ĐH hiện nay là khá lỏng lẻo. Hệ quả là công tác đào tạo nhân lực ứng dụng các mô hình kinh tế, chuyển đổi số gặp không ít khó khăn. Vì thế, cần có nhiều chính sách cho việc hợp tác với các chuyên gia, các trường ĐH để nâng cao năng lực chuyên môn cho nhân sự HTX nông nghiệp”- ThS Trương Huỳnh Anh nhấn mạnh.
Theo quy hoạch nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2010-2020 và điều chỉnh quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thì đến cuối năm 2020, Vĩnh Long sẽ chỉ quy hoạch 9.000ha trồng cây cam sành. Tuy nhiên, từ năm 2015, thời điểm cây cam sành bắt đầu tăng nhanh diện tích, diện tích trồng cam sành mới đạt 7.903ha, đến 2016 đạt 8.541ha, đến năm 2019 diện tích trồng cam sành đã tăng lên 10.700ha. Đặc biệt, diện tích trồng cam sành đã liên tục tăng theo tốc độ nhanh trong vòng 5 năm trở lại đây, đến năm 2023 diện tích trồng cam sành lên đến 18.000ha (tăng gấp đôi so với quy hoạch đến 2020).
Theo Quyết định số 1607/QĐ-UBND, ngày 10/7/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh, diện tích trồng cam (nhất là cây cam sành) cần được định hướng theo xu thế giảm dần diện tích trồng mới đến khi ổn định hàng năm khoảng 15.000ha.
|
Bài, ảnh: PHƯƠNG THẢO