Ý tưởng khởi nghiệp từ dầu thải

06:10, 12/10/2023

Xuất phát từ ý tưởng tiết kiệm và bảo vệ môi trường, thông qua sử dụng phế phẩm dầu ăn đã qua sử dụng; chuyên viên Ngô Hoài Nhiệm- Trường ĐH Cửu Long, đã hình thành ý tưởng "Chế tạo bếp đun tái chế từ dầu thải". Hiện tại, Hoài Nhiệm đang trong quá trình chuyển từ ý tưởng sang đề án và bán sản phẩm ra thị trường.

 

Xuất phát từ ý tưởng tiết kiệm và bảo vệ môi trường, thông qua sử dụng phế phẩm dầu ăn đã qua sử dụng; chuyên viên Ngô Hoài Nhiệm- Trường ĐH Cửu Long, đã hình thành ý tưởng “Chế tạo bếp đun tái chế từ dầu thải”. Hiện tại, Hoài Nhiệm đang trong quá trình chuyển từ ý tưởng sang đề án và bán sản phẩm ra thị trường.

Ngô Hoài Nhiệm trình bày ý tưởng của mình.
Ngô Hoài Nhiệm trình bày ý tưởng của mình.

Ý tưởng vì môi trường

Là thanh niên thế hệ 2k, Ngô Hoài Nhiệm- chuyên viên Phòng Quản lý Khoa học- Trường ĐH Cửu Long, quan tâm đến vấn đề môi trường vì nơi làm việc đối diện khu công nghiệp. Chia sẻ về lý do hình thành ý tưởng, Nhiệm nói: “Từ khi còn nhỏ ở nhà, đi chợ đến đi làm nghe mùi dầu, thấy mọi người sử dụng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần, tôi đã băn khoăn không biết dầu thải ra được xử lý thế nào, ảnh hưởng ra sao?...”.

Từ suy nghĩ đó, cộng với vốn kiến thức học được của ngành kỹ thuật cơ khí, học hỏi từ đồng nghiệp, thầy cô trong trường, Nhiệm đã xây dựng thành công ý tưởng “chế tạo bếp đun tái chế từ dầu thải”.

Hoài Nhiệm chia sẻ: “Cùng với sự phát triển của công nghiệp, sự gia tăng dân số, lượng dầu mỡ thải hoặc đã qua sử dụng từ các nhà máy chế biến thực phẩm, từ các nhà hàng khách sạn, quán ăn,… đến cả hộ gia đình cũng tăng lên. Lượng dầu ăn thải này được các cơ sở tư nhân thu gom, sau khi được tái sử dụng nhiều lần sẽ được thải ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người”.

Hình ảnh ý tưởng “Bếp đun tái chế từ dầu thải”.
Hình ảnh ý tưởng “Bếp đun tái chế từ dầu thải”.

Theo khảo sát sơ bộ của Nhiệm, chỉ riêng tại TP Hồ Chí Minh, lượng dầu thải từ các cơ sở chế biến là 4-5 tấn/ngày. Trong khi đó, nhu cầu khí đốt ngày càng tăng, từ năm 2022-2024, nhu cầu tăng trưởng dự kiến sẽ đạt trung bình 1,7% mỗi năm, có nghĩa là nhu cầu khí đốt sẽ quá cao để tuân theo lộ trình của IEA hướng tới đáp ứng mức phát thải ròng trên toàn cầu bằng không vào năm 2050.

“Giá thành khí đốt ngày càng tăng nên bếp đun tái chế từ dầu thải là một thiết bị phục vụ rất cần thiết hiện nay. Tiết kiệm giá thành, nâng cao đời sống xã hội và phát triển kinh tế”- Nhiệm chia sẻ thêm.

Điểm mới của “bếp đun tái chế” này là có thiết kế nhỏ gọn so với những bếp nhập về từ nước ngoài nhưng năng suất đảm bảo, tiết kiệm được diện tích lắp đặt và thuận tiện trong quá trình di chuyển.

Cụ thể: Cấu tạo của bếp không quá phức tạp, dễ sử dụng, quá trình bảo trì bảo dưỡng cũng thuận lợi. Chi phí gia công chế tạo thấp, tiết kiệm được chi phí. Bên cạnh, bếp hoạt động không gây nguy hiểm, nguồn nhiên liệu dồi dào và không ô nhiễm môi trường. Theo dự tính sơ bộ của Nhiệm, giá thành phẩm mỗi bếp là 600.000đ, sẽ tiết kiệm 50% chi phí nhiên liệu so với sử dụng gas như hiện nay.

PGS.TS Lương Minh Cừ- Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long, cho biết: “Nhà trường luôn dành kinh phí để khuyến khích nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; nhờ đó, các công trình nghiên cứu, ý tưởng sáng tạo tăng lên đáng kể. Bên cạnh, nhà trường còn tập trung hoàn thiện, xây dựng giáo trình ở tất cả các ngành đào tạo. Chú trọng nghiên cứu, hướng dẫn đúng ngành đào tạo hướng đến khởi nghiệp. Qua đó, hàng năm nhà trường đều có những ý tưởng/dự án khởi nghiệp đạt giải”.

Kỳ vọng ý tưởng thành hiện thực

Có thể thấy, nhu cầu và giá thành khí đốt ngày càng tăng nên ý tưởng “Bếp đun tái chế từ dầu thải” là một thiết bị phục vụ rất cần thiết hiện nay, bởi vừa tiết kiệm lại bảo vệ môi trường. Vấn đề là triển khai từ ý tưởng thành sản phẩm và thương mại hóa sản phẩm đó là một chặng đường gian nan.

Mong muốn của Hoài Nhiệm là đem sản phẩm ra thị trường. Trong đó, sẽ bán các chi tiết của bếp lắp ráp tận nơi hoặc hướng dẫn khách tự lắp rắp tại nhà. Bên cạnh, sẽ có hình thức giao bếp tại nhà, lắp đặt, bảo trì và hướng dẫn khách cách sử dụng. Đồng thời, hỗ trợ bảo hành và tư vấn online cho khách hàng trong suốt quá trình sử dụng.

Xét về hiệu quả kinh tế của sản phẩm, Hoài Nhiệm cho rằng: “Bếp chế tạo đơn giản dễ sử dụng, tiết kiệm được chi phí khi mua sản phẩm, có thể sử dụng nguồn nhiên liệu có rất nhiều do đó giá thành rất rẻ nên tiết kiệm được chi phí nấu nướng hàng tháng. Do bếp có kích thước nhỏ dễ lắp ráp giá thành rẽ nên có thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng của tất cả mọi người”.

Nhiệm nói: “Để hình thành ý tưởng tôi được nhà trường và các đồng nghiệp hỗ trợ, động viên rất nhiều. Tôi sẽ cố gắng để biến ý tưởng thành hiện thực trong thời gian tới”.

Có thể nói, ý tưởng của Hoài Nhiệm đã thể hiện được lợi ích tiết kiệm và góp phần hạn chế sự ô nhiễm môi trường. Vấn đề hiện nay là con đường khó khăn khi đem một sản phẩm mới ra thị trường, thay thế thói quen sử dụng gas làm nhiên liệu hiện nay. Đó là còn chưa kể đến sản phẩm làm ra phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn theo quy định, nhiên liệu dầu thải người dân phải mua ở đâu khi sử dụng bếp? khâu bảo quản và các vấn đề an toàn phòng chống cháy nổ,…

 BTC trao giải cho các ý tưởng đạt giải (Ngô Hoài Nhiệm thứ 3 từ trái sang).
BTC trao giải cho các ý tưởng đạt giải (Ngô Hoài Nhiệm thứ 3 từ trái sang).

Thực tế khởi nghiệp hiện nay, có rất nhiều ý tưởng hay nhưng không nhiều ý tưởng thành đề án và càng ít những ý tưởng được ứng dụng thành sản phẩm kinh doanh. Điều này, đòi hỏi lòng kiên trì, quyết tâm của người khởi nghiệp; cùng với đó là sự hỗ trợ của cơ quan, đơn vị nơi người khởi nghiệp công tác. Xa hơn nữa, người khởi nghiệp cần cơ chế, chính sách thiết thực để hỗ trợ ý tưởng thành sản phẩm thiết thực.

Tại VCK Cuộc thi Ý tưởng và Dự án khởi nghiệp tỉnh Vĩnh Long lần IV/2023. BTC đã nhận 90 bài dự thi. Qua vòng sơ khảo, BTC đã chọn ra 8 ý tưởng, 6 dự án vào vòng chung kết. Ý tưởng “Chế tạo bếp đun tái chế từ dầu thải” của Ngô Hoài Nhiệm- Trường ĐH Cửu Long, đạt giải ba. Theo ban giám khảo, các ý tưởng, dự án dự thi đã thể hiện được ứng dụng công nghệ; đáp ứng tiêu chí phát triển cộng đồng.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh