Xuống giống lúa Đông Xuân: Đề phòng triều cường, mưa lớn

11:10, 26/10/2023

Theo ghi nhận của ngành nông nghiệp, năm nào trên địa bàn tỉnh cũng có từ vài trăm đến vài ngàn hecta lúa Đông Xuân (ĐX) vừa mới xuống giống hoặc lúa non bị ngập úng, chết do mưa lớn, triều cường. Để đảm bảo an toàn cho vụ lúa này năm nay thì khâu thủy lợi và chọn đúng thời điểm xuống giống là rất quan trọng.

 

 

Ở những ruộng khó tiêu thoát, cần bố trí máy bơm lớn để bơm chống úng cho lúa Đông Xuân.
Ở những ruộng khó tiêu thoát, cần bố trí máy bơm lớn để bơm chống úng cho lúa Đông Xuân.

Theo ghi nhận của ngành nông nghiệp, năm nào trên địa bàn tỉnh cũng có từ vài trăm đến vài ngàn hecta lúa Đông Xuân (ĐX) vừa mới xuống giống hoặc lúa non bị ngập úng, chết do mưa lớn, triều cường. Để đảm bảo an toàn cho vụ lúa này năm nay thì khâu thủy lợi và chọn đúng thời điểm xuống giống là rất quan trọng.

Dự báo triều cường, mưa lớn còn nhiều

Theo kế hoạch xuống giống vụ lúa ĐX năm 2023-2024 của Sở Nông nghiệp-PTNT, toàn tỉnh sẽ gieo sạ 40.000ha, tập trung xuống giống trong 3 đợt chính: đợt 1 xuống giống 4.000ha, từ ngày 22/10-10/11, phân bố ở những vùng ven QL54 của huyện Trà Ôn, Vũng Liêm, TX Bình Minh và vùng đất gò ven sông Măng Thít thuộc huyện Tam Bình, ven sông Tiền thuộc huyện Mang Thít và Vũng Liêm.

Đợt 2 xuống giống 30.000ha, từ 20/11-9/12, đây là đợt xuống giống chính và phân bố tại hầu hết các địa phương trong tỉnh. Đợt 3 xuống giống 6.000ha, từ 19/12/2023-9/1/2024 phân bố ở vùng còn lại và nơi lúa Thu Đông muộn vừa thu hoạch, không xuống giống vùng có nguy cơ bị nhiễm mặn trong đợt này. Như vậy, các đợt xuống giống này có thể sẽ bị ảnh hưởng các đợt triều cường, mưa lớn và xoáy thuận nhiệt đới các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ tháng 10/2023 đến tháng 1/2024, các vùng ven Biển Đông thuộc Nam Bộ được dự báo sẽ xuất hiện các đợt triều cường vào các ngày: 27/10-1/11, 13-18/11, 25-30/11, 12-18/12 và 12-15/1/2024.

Trong đó, đợt triều cường từ ngày 27/10-1/11/2023 và đợt từ ngày 12-15/1/2024 lên rất cao, nếu kết hợp với gió mùa Đông Bắc có cường độ mạnh tràn xuống phía Nam thì các đợt triều cường này sẽ có nguy cơ gây ngập úng ở vùng trũng, thấp, khu vực ngoài đê bao cho khu vực Đông Nam Bộ.

Về mưa ở khu vực Nam Bộ, tổng lượng mưa tháng 10 được dự báo ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm; tháng 11-12/2023, tổng lượng mưa ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Từ nay đến hết năm 2023, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 3-5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 1-2 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Thiên tai này có thể làm tăng lượng mưa ở khu vực Nam Bộ trong các tháng cuối năm.

Vẫn còn nhiều diện tích kém an toàn với triều cường

Theo dự tính của Sở Nông nghiệp-PTNT, trường hợp lũ, triều cường vượt báo động III với mực nước tương đương đỉnh triều lịch sử năm 2022 (cấp độ rủi ro thiên tai lũ, ngập lụt là cấp độ 2) thì toàn tỉnh có 22.570ha đất trong vùng đê bao kém an toàn với mức nước dâng này.

Khi đó, mực nước tại trạm Mỹ Thuận (trên sông Tiền) đạt xấp xỉ hay vượt 2,17m và tại trạm Cần Thơ (phía sông Hậu) đạt xấp xỉ hay vượt 2,27m. Các trạm nội đồng (Ba Càng, Phú Đức, Nhà Đài, Tích Thiện, Tân Thành) đều vượt 2m.

Cụ thể, ở huyện Long Hồ có 20 vùng (11.000ha), Trà Ôn có 5 vùng (3.200ha), Tam Bình có 6 vùng (950ha), Vũng Liêm có 10 vùng (1.570ha), Mang Thít có 4 vùng (3.500ha), Bình Tân có 7 vùng (935ha), TX Bình Minh có 10 vùng (1.070ha) và TP Vĩnh Long có 4 vùng (180ha). Nguyên nhân chủ yếu do các công trình thủy lợi, tuyến đường giao thông nông thôn bị xuống cấp (phần lớn là đê bao) có cao trình đỉnh thấp (từ 1m đến dưới 2m).

Bên cạnh còn có 69 tuyến bờ bao, đê bao dài 194.044m, bảo vệ cho 11.430ha đất sản xuất nông nghiệp, dân sinh bị xuống cấp, có thể bị tràn (ứng với đỉnh triều cường tương đương năm 2022).

Cần chủ động chuẩn bị tốt khâu thủy lợi

Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, để đảm bảo an toàn cho vụ lúa ĐX năm nay thắng lợi, bên cạnh theo dõi chặt chẽ thông tin về diễn biến, dự báo và nhận định tác động của mưa, bão, triều cường để chủ động lịch xuống giống và kế hoạch chăm sóc lúa, thì cần chuẩn bị tốt khâu thủy lợi.

Đó là tổ chức vận hành tốt những công trình thủy lợi, cống giao thông hiện có; đóng các cống, bộng khi mực nước đến mức báo động III, ưu tiên cho vùng có lúa mới xuống giống; triển khai thực hiện nhanh các công trình, dự án thủy lợi, cống giao thông theo kế hoạch năm 2023 và tổ chức chống tràn tại các tuyến đê bao, đường giao thông nhằm hạn chế thấp nhất bị tràn, bị ngập, trong đó cũng cần khắc phục những điểm sạt lở đã được bố trí kinh phí thực hiện.

Những đợt mưa lớn trên diện rộng vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 và đợt triều cường vào rằm tháng 8 âl vừa qua và dự báo về nguồn nước, mưa bão trong thời gian tới có khả năng sẽ ít nhiều tác động vào sự quyết định xuống giống vụ lúa ĐX năm nay ở một số địa bàn trong tỉnh, bởi vẫn còn nhiều công trình thủy lợi, giao thông bộ bị xuống cấp, cần sớm được khắc phục lại để đảm bảo an toàn khi xuống giống lúa.

Do vậy, ở những vùng còn kém an toàn với triều cường cần được tổ chức gia cố lại bờ bao, cống đập cho vững và nạo vét kinh, mương cho thông thoáng trước khi xuống giống. Những trạm bơm tiêu điện cố định đã được xây dựng trước đây cần được tu sửa lại và dự phòng thêm máy bơm có công suất lớn, có thể cơ động được (loại máy bơm dầu có công suất bơm trên 500 m3/giờ) để phòng bơm tát chống ngập cứu lúa.

Đồng thời tổ chức lại các tổ bơm tát ở các ấp, HTX, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp để vận hành máy bơm tiêu chống ngập úng. Vì thực tế cho thấy, khi cánh đồng rộng lớn bị ngập nước do mưa lớn, triều cường, lúa ĐX mới xuống giống bị ngập lâu, chết là do trong thời gian này tiêu thoát bằng tự chảy thông qua kinh, mương nội đồng khó thực hiện vì chân triều cao, chênh lệch cột nước trong đồng và ngoài sông thấp; chỉ có máy bơm công suất lớn mới giải quyết tiêu thoát nhanh, bơm nhỏ trong dân không bơm kịp.

Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh