Theo ngành chức năng, việc phát triển vùng nguyên liệu dừa hữu cơ (HC) không chỉ góp phần thay đổi phương thức sản xuất của người dân, mang lại thu nhập ổn định mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
|
Dừa đang là cây trồng có nhiều tiềm năng phát triển tại Vũng Liêm. |
Theo ngành chức năng, việc phát triển vùng nguyên liệu dừa hữu cơ (HC) không chỉ góp phần thay đổi phương thức sản xuất của người dân, mang lại thu nhập ổn định mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Theo đó, thời gian qua, ngành chức năng, địa phương huyện Vũng Liêm đã và đang tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích dừa HC để nâng cao chất lượng trái dừa, đáp ứng nhu cầu thị trường và vừa bảo vệ môi trường.
Nâng hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường
Theo Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Vũng Liêm, toàn huyện hiện có khoảng 4.000ha trồng dừa, ở các xã Trung An, Trung Hiếu, Trung Ngãi, Hiếu Nhơn… Trong đó, dừa công nghiệp (dừa lấy dầu) chiếm khoảng 70% diện tích trồng dừa, số còn lại là nhóm dừa để khai thác lấy nước.
Phần lớn tuổi thọ dừa từ 10-20 năm, có khoảng 10% dừa trồng mới. Khoảng 2-3 năm nay giá dừa khô xuống thấp và kéo dài, từ 25.000-30.000 đ/chục. Từ nguyên nhân đó các hộ trồng dừa cũng ít quan tâm chăm sóc vườn dừa, dẫn đến năng suất không cao, chất lượng không đảm bảo. Tuy nhiên, giữa năm 2023 tín hiệu từ thị trường, giá dừa nhích lên theo nhu cầu xuất khẩu nên nông dân cũng bắt đầu quan tâm đến cây dừa.
Bên cạnh đó, theo cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp của huyện, giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 thì cây dừa là loại cây trồng tiềm năng của huyện, do đó, huyện định hướng giữ vững diện tích 4.000-4.500ha dừa, trong đó dừa công nghiệp chiếm 70%. Theo đó, huyện cũng đã định hướng phát triển dừa HC; kết hợp với doanh nghiệp, cụ thể là Công ty CP Công nghiệp thực phẩm Thabico Tiền Giang (tỉnh Tiền Giang) xây dựng 38,5ha diện tích trồng dừa HC tại xã Trung An (Vũng Liêm).
Ông Hà Văn Thái- Chủ tịch UBND xã Trung An, cho biết: Toàn xã hiện có khoảng 450ha, trong đó, đã xây dựng 38,5ha dừa đạt chuẩn HC. Khi người dân tham gia trồng dừa theo hướng HC lợi nhuận cao hơn 10% so với thị trường, lợi nhuận cao hơn so với dừa truyền thống. Qua tuyên truyền vận động, người dân cũng nhận thức được giá trị của dừa HC, diện tích dừa HC đang tăng.
Có 3 công trồng dừa HC, chị Nguyễn Thị Hạnh (xã Trung An, huyện Vũng Liêm), cho hay: “Trước đây vườn dừa của tôi ít được chăm sóc nên năng suất, chất lượng không cao. Khi áp dụng sản xuất theo HC từ năm 2021, cây dừa phát triển rất tốt, trái sai và đều, lá xanh mướt, ít sâu bệnh, ít tốn chi phí mà năng suất tăng hơn so với trước. Bên cạnh hiệu quả kinh tế, trồng dừa HC còn giúp bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người trồng và người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh, sạch, an toàn của thị trường”.
Ông Dương Ái Đạo- Phó Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Vũng Liêm, cho biết: Thời gian qua, diện tích trồng dừa theo kiểu truyền thống ít được chăm sóc nên hiệu quả kinh tế, năng suất không cao.
Trong khi đó, sản xuất theo tiêu chuẩn HC là xu hướng sản xuất trong tương lai, không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn đảm bảo hiệu quả sản xuất về lâu dài cho nông dân trồng dừa trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Bởi vì sản xuất theo tiêu chuẩn HC được quản lý chặt chẽ, có liên kết bền vững, lâu dài thì giá dừa sẽ ổn định, từ đó, giúp người dân an tâm đầu tư chăm sóc theo quy trình kỹ thuật.
Huyện cũng đang tập trung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc liên kết sản xuất, sản xuất HC, vận động người dân chuyển đổi sang sản xuất dừa theo tiêu chuẩn HC, tham gia liên kết xây dựng mã số vùng trồng... Đồng thời, tăng cường tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác dừa HC cho người trồng dừa để vận dụng vào thực tiễn sản xuất.
Tiếp tục mở rộng diện tích dừa hữu cơ
Theo các doanh nghiệp, sản xuất dừa HC là xu hướng tất yếu để nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường, giúp nông dân có thu nhập ổn định; đồng thời, bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.
Bà Nhan Tuyết Trinh- đại diện Công ty CP Công nghiệp thực phẩm Thabico Tiền Giang, cho biết: Hiện công ty có công suất sản xuất 300.000 trái dừa/ngày đêm, do đó rất cần xây dựng vùng nguyên liệu, đặc biệt là vùng nguyên liệu dừa HC. Theo đó, tiêu chuẩn xây dựng vùng nguyên liệu dừa HC bao gồm: Không sử dụng phân hóa học, không sử dụng các loại thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học, không nuôi gia súc, gia cầm trên vườn dừa...
Thay vào đó, nguồn dinh dưỡng cho vườn dừa được sử dụng từ các loại phân HC, HC vi sinh. Tại huyện Vũng Liêm, phần lớn diện tích dừa từ 20 năm trở lên, dừa phát triển cao, ít sử dụng phân, thuốc hóa học nên có thể dễ áp dụng triển khai trồng theo hướng HC.
“So với các loại cây trồng khác thì cây dừa dễ chuyển từ trồng theo kiểu truyền thống sang trồng HC. Việc chuyển đổi không chỉ đem lại giá trị kinh tế lâu dài, còn bảo vệ môi trường sinh thái.
Theo đó, để đảm bảo lợi nhuận cho nông dân trồng dừa HC, công ty có đại lý, kết hợp thương lái thu mua dừa tận vườn của nông dân, đồng thời thu mua dừa HC cao hơn từ 5.000 đ/chục so với giá thị trường tại thời điểm thu mua.
Hiện công ty tiếp tục phối hợp với các xã lân cận như Trung Hiếu, Trung Ngãi… mở rộng diện tích trồng dừa HC. Dự kiến cuối năm 2023 sẽ có 108,5ha dừa đạt chứng nhận HC. Thời gian tới, công ty cũng tiếp tục phối hợp các địa phương mở rộng thêm diện tích trồng dừa HC để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của công ty”- bà Trinh cho biết thêm.
Ông Hà Văn Thái cho hay: Thời gian tới, xã tiếp tục vận động người dân tham gia trồng dừa theo hướng HC. Xã phấn đấu phát triển toàn bộ diện tích trồng dừa của xã theo hướng HC, tiếp tục kết nối với doanh nghiệp để ổn định đầu ra cho nông dân.
Định hướng phát triển ngành hàng dừa trong thời gian tới, ông Dương Ái Đạo cho hay: Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với địa phương, doanh nghiệp tập huấn hướng dẫn nông dân tham gia sản xuất theo hướng HC.
Đồng thời, lên danh sách các hộ tham gia sản xuất trồng dừa HC tại các xã, chuẩn bị đầy đủ theo tiêu chuẩn thẩm định để cấp chứng nhận vùng trồng HC, từ đó giúp hộ dân tham gia chương trình thu mua liên kết với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, huyện sẽ tiếp tục giữ và phát triển thêm diện tích trồng dừa, đặc biệt là phát triển diện tích trồng dừa HC, đến năm 2024 sẽ có từ 500-1.000ha dừa HC (chiếm khoảng 30% diện tích trồng dừa toàn huyện).
Những diện tích dừa còn lại sẽ khuyến cáo, hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng an toàn để đáp ứng yêu cầu thị trường, đồng thời tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu diện tích dừa HC, cũng như diện tích dừa đảm bảo an toàn.
Bài, ảnh: TRÀ MY