Thời gian qua, Vĩnh Long đã không ngừng nâng cao chất lượng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Qua đó tạo động lực tiêu thụ các mặt hàng được sản xuất trong nước, kết nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp trong nước ngày càng chú trọng hơn đến chất lượng, mẫu mã hàng hóa để tăng sức cạnh tranh. Trong ảnh: Tại hệ thống Co.opmart, có đến hơn 90% là hàng Việt Nam. |
Thời gian qua, Vĩnh Long đã không ngừng nâng cao chất lượng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Qua đó tạo động lực tiêu thụ các mặt hàng được sản xuất trong nước, kết nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Hàng Việt ngày được ưa chuộng
Vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Bộ Công Thương đã ban hành chương trình hành động, nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, phổ biến sâu rộng để người tiêu dùng biết, nhận thức đúng khả năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa.
Từ đó tạo chuyển biến về ý thức trong Nhân dân, các đơn vị sản xuất kinh doanh, tổ chức kinh tế- xã hội, xây dựng văn hóa tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt Nam có chất lượng, hướng tới hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam và lòng tự hào sử dụng hàng Việt Nam…
Tại Vĩnh Long, theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thời gian qua vẫn được tiếp tục được các tổ chức thành viên quan tâm tuyên truyền, phổ biến. 9 tháng của năm 2023 đã tuyên truyền, phổ biến được 5.643 cuộc, có 144.931 lượt người dự; đưa được 629 chuyến hàng Việt về nông thôn.
Chị Trần Cẩm Tú (giáo viên trung học ở Phường 5, TP Vĩnh Long) cho rằng, hàng Việt ngày càng chú trọng đến mẫu mã, chất lượng và “chiều lòng” người tiêu dùng hơn. “Nhất là các sản phẩm tiêu dùng, bây giờ nhắc đến là bột giặt, nước xả vải, nước rửa chén,… đều dùng hàng Việt Nam. Thêm nữa, giá hàng Việt cũng mềm hơn, phù hợp với đại đa số người dùng”- chị Tú chia sẻ.
Theo ông Văn Quốc Hoàng- Giám đốc Siêu thị Co.opmart Vĩnh Long, hiện nay, tỷ lệ hàng Việt trong siêu thị chiếm hơn 90%, chủ yếu là hàng tiêu dùng, may mặc. Hiện nay, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu và giá thành sản phẩm. Trong khi các sản phẩm sạch, sản phẩm OCOP cũng dần tạo lòng tin cho khách hàng.
Thế nên, ngoài lựa chọn các nhà cung cấp uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì quyền lợi khách hàng luôn được đặt lên hàng đầu. “Siêu thị luôn có tổng đài trực để tiếp nhận thông tin khiếu nại, giải đáp thắc mắc của khách hàng, từ đó vừa tạo lòng tin cho siêu thị, vừa góp phần để nhà sản xuất càng nâng cao chất lượng sản phẩm hơn”- ông Văn Quốc Hoàng chia sẻ thêm.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Văn Liệt, đến nay, Vĩnh Long đã công nhận 98 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3-4 sao; có 118 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, 18 sản phẩm cấp khu vực và 5 sản phẩm cấp quốc gia đã được công nhận trong thời gian qua. Các sản phẩm này đã cho thấy chất lượng cũng như thương hiệu ngày càng đứng vững trên thị trường, qua đó góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm chủ lực của địa phương. |
Góp phần củng cố thị trường nội địa
Theo Bộ Công thương, tiêu dùng nội địa là một trong những thành tố quan trọng trong “cỗ xe tam mã” kéo kinh tế tăng trưởng (gồm tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và đầu tư). Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, góp phần ổn định giá cả hàng hóa lưu thông trên thị trường.
Theo UBND tỉnh, trong 9 tháng của năm 2023, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa, xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng.
Đồng thời tăng cường công tác quản lý thị trường, giá cả, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống, không xảy ra thiếu hàng, sốt giá. Các hoạt động bán buôn, bán lẻ tiếp tục phục hồi nhanh, các kênh phân phối hàng hóa đã được kết nối thông suốt, đa dạng và mở rộng…
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 43.084 tỷ đồng, tăng 11,74% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, bán lẻ hàng hóa tăng 11,68%, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 11,84%, du lịch lữ hành tăng 60,98% và dịch vụ khác tăng 11,64%.
Ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cho biết Vĩnh Long luôn được đánh giá là vùng đất tiềm năng, sở hữu nhiều lợi thế kinh tế để trở thành một trong những trung tâm động lực tăng trưởng của vùng ĐBSCL.
Hiện các tổ chức, doanh nghiệp, HTX... của vùng đã và đang tìm kiếm các nhà cung ứng, nguồn hàng tin cậy, chất lượng, qua đó góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại trong nước, góp phần thực hiện các mục tiêu về phát triển thị trường trong nước của ngành công thương.
Theo Bộ Công Thương, thị trường trong nước đang rất rộng mở với hàng hóa chất lượng cao, phục vụ đối tượng khách hàng có thu nhập khá và cao. Ngoài ra, bộ cũng đã triển khai 9 chương trình, đề án để kết nối hàng hóa vào kênh phân phối như: hàng hóa của đồng bào dân tộc, OCOP, biên giới hải đảo, chương trình đổi mới phương thức kinh doanh nông sản, an toàn thực phẩm,… |
Bài, ảnh: KHÁNH DUY