Thời gian qua, cùng với ngành nông nghiệp tỉnh, một số nông dân đã tích cực chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện trồng khảo nghiệm giống lúa mới, từ đó đánh giá lựa chọn những giống tốt có năng suất, chất lượng cao, thích nghi với điều kiện tự nhiên, tập quán canh tác của bà con nông dân trên địa bàn tỉnh.
Việc lai tạo giống góp phần làm đa dạng danh mục giống, tăng cơ hội lựa chọn cho nông dân. |
Thời gian qua, cùng với ngành nông nghiệp tỉnh, một số nông dân đã tích cực chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện trồng khảo nghiệm giống lúa mới, từ đó đánh giá lựa chọn những giống tốt có năng suất, chất lượng cao, thích nghi với điều kiện tự nhiên, tập quán canh tác của bà con nông dân trên địa bàn tỉnh.
Mới đây, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Trường ĐH Cần Thơ) cùng Trại Giống cây trồng (thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp Vĩnh Long) và một số nông dân tiến hành khảo nghiệm các giống lúa mới tại xã Long An (Long Hồ). Bước đầu qua một số giống có triển vọng tốt phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương.
Tại buổi khảo nghiệm, nhiều nông dân tham gia đánh giá giống lúa đã tập trung chú trọng vào các đặc tính giống như khả năng đẻ nhánh và số bông, số hạt trên bông, dạng hình cây lúa, khả năng chống đổ ngã. Kết quả đánh giá chọn giống, đa số nông dân đã chọn 3 giống lúa triển vọng về tiềm năng năng suất cao là giống Dòng 8, Dòng 9, LH15.
Ông Phạm Văn Long (xã Long An, huyện Long Hồ)- thuộc tổ giống xã Long An (Long Hồ)- người trực tiếp thực hiện, chăm sóc các loại giống thực hiện khảo nghiệm, chia sẻ thông tin về tăng trưởng phát triển của các giống lúa và những biểu hiện về khả năng chống chịu sâu, bệnh.
Trước đó, ông Long cũng đã lai tạo ra một số giống lúa có tính thích nghi rộng, trong đó, giống LH8 đang phát triển rất nhanh, nhờ ưu điểm ngắn ngày, năng suất tương đương hoặc trội hơn, ngon cơm.
“Tôi làm bằng sự đam mê của mình, lai tạo giống cảm nhận bằng trực giác, kinh nghiệm và đánh giá của nông dân trong tổ giống. Tôi mong muốn tạo ra loại giống tốt, thích ứng biến đổi khí hậu mà vẫn đảm bảo cho năng suất và phẩm chất hạt gạo thơm ngon, giúp bà con nâng cao thu nhập, hiệu quả kinh tế”- ông Long chia sẻ.
Ông Đào Công Trung- Chủ tịch Hội Nông dân xã Long An (Long Hồ), cho biết: Ông Long là hội viên hội nông dân, tự lai tạo giống lúa mới và mỗi loại có đặt tên riêng. Trong đó, nhiều loại giống lúa mới có khả năng thích ứng hạn mặn, chống rầy, bông dày, năng suất tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục quan sát quá trình lai tạo phát triển của các giống lúa mới, về điều kiện thích hợp thổ nhưỡng địa phương, từ đó, từng bước định hướng nhân rộng mô hình để phát triển kinh tế.
Tham gia đánh giá giống lúa tại buổi khảo nghiệm, ông Dương Ái Đạo- Phó Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Vũng Liêm, cho biết: Qua quan sát với giống làm đối chứng, bên cạnh một số dòng tiếp tục thuần thì có một số dòng có triển vọng, nổi trội có ưu thế. Cụ thể, nổi trội về thời gian sinh trưởng phù hợp với vùng sản xuất lúa 3 vụ, một số dòng có dạng hình đồng đều, ít sâu bệnh, chắc hạt.
Theo ông Dương Ái Đạo, thời gian qua, nông dân đã lai tạo được một số giống mới phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu. Nếu sử dụng được giống lai tạo tại địa phương sẽ phù hợp với thổ nhưỡng tốt hơn, mang lại hiệu quả kinh tế.
Đồng thời, Vĩnh Long cũng cần có một số giống mang thương hiệu của tỉnh. Do đó, ngành nông nghiệp cần có chính sách hỗ trợ cho tổ hợp tác lai tạo giống, kích thích nông dân sản xuất tham gia lai tạo giống, bổ sung các giống lúa mới này vào cơ cấu giống của ngành nông nghiệp.
PGS.TS Huỳnh Quang Tín- Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, cho biết: Công tác khảo nghiệm, thí nghiệm để tìm ra các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt với sâu bệnh, phù hợp với điều kiện sinh thái, canh tác của Vĩnh Long nói riêng và của ĐBSCL nói chung là việc cần thiết để mỗi giống lúa mới khi sản xuất đại trà có tính ổn định, đạt kết quả lâu dài trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày một phức tạp.
Theo đó, qua đánh giá, lựa chọn đã có những giống tốt có năng suất, chất lượng cao, thích nghi với điều kiện tự nhiên và tập quán canh tác của nông dân trên địa bàn, góp phần làm đa dạng danh mục giống, tăng cơ hội lựa chọn cho nông dân trong canh tác.
Bài, ảnh: TRÀ MY