Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, thương mại điện tử (TMĐT) với các hình thức quảng bá, kinh doanh trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến.
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, thương mại điện tử (TMĐT) với các hình thức quảng bá, kinh doanh trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến. Xu hướng kinh doanh online không chỉ mang lại cơ hội mới cho doanh nghiệp (DN) mà còn góp phần làm thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng.
|
Doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử theo xu hướng bán hàng đa kênh. |
Tiềm năng của thương mại điện tử
Nếu trước đây người tiêu dùng quan tâm đến giá cả khi tham gia mua sắm trực tuyến, thì hiện vấn đề này không còn là trở ngại lớn nhất, thay vào đó người tiêu dùng trực tuyến ngày càng quan tâm đến chất lượng hàng hóa, trải nghiệm mua sắm, dịch vụ vận chuyển, hình thức thanh toán, bảo mật thông tin...
Báo cáo của Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) chỉ rõ, TMĐT Việt Nam trong những năm qua ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ. Doanh thu TMĐT bán lẻ (B2C) năm 2022 đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước.
Ước tính với doanh thu 20,5 tỷ USD trong năm 2023, tỷ trọng doanh thu TMĐT B2C chiếm khoảng 7,8-8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Các loại hàng hóa, dịch vụ được người tiêu dùng mua sắm trực tuyến nhiều là quần áo, giày dép và mỹ phẩm; thiết bị đồ dùng gia đình; đồ công nghệ và điện tử; sách, hoa, quà tặng; thực phẩm…
Thời gian qua, Sở Công Thương quan tâm tuyên truyền về TMĐT, lợi ích khi tham gia sàn giao dịch TMĐT của tỉnh, các chính sách hỗ trợ phát triển TMĐT...
Đến nay, sàn giao dịch TMĐT ngành công thương tỉnh (trade.vinhlong.gov.vn) đã đăng thông tin quảng bá 1.562 sản phẩm, dịch vụ của 332 cơ sở, DN, HTX, đồng thời kết hợp trang Chợ Vĩnh Long online, hỗ trợ tiểu thương kết nối tiêu thụ hàng hóa.
Sở đã xây dựng video hướng dẫn, tổ chức lớp tập huấn cho DN về kỹ năng nghiên cứu thị trường, xây dựng và quản trị website, marketing online, quảng bá thương hiệu…; xây dựng website cho 16 DN từ kinh phí của địa phương và Trung ương; hỗ trợ cho 20 DN ứng dụng chữ ký số và 1 HTX ứng dụng công nghệ QR code truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm; hỗ trợ kết nối các DN với các sàn TMĐT như Shopee, Lazada, Tiki, Postmart, Voso…
Đồng thời, mô hình “Chợ 4.0- thanh toán không dùng tiền mặt” sau khi đi vào hoạt động đã có hơn 240 tiểu thương trở thành điểm chấp nhận thanh toán Viettel Money, hỗ trợ khách hàng thực hiện các giao dịch trực tuyến nhanh chóng, dễ dàng tại chợ.
Theo ThS Hồ Thiện Quyền- Phó Giám đốc Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh phân hiệu Vĩnh Long, TMĐT là một lĩnh vực đầy hứa hẹn và có tốc độ phát triển cao trong thời đại số. Tuy nhiên, để thành công trong lĩnh vực này, các DN phải đối mặt với nhiều khó khăn và cạnh tranh gay gắt.
Theo đó, các DN cần nắm bắt cơ hội và xu hướng mới của TMĐT như sự gia tăng của thị trường trực tuyến, sự đa dạng hóa của các kênh bán hàng, sự phổ biến của các thiết bị thông minh và trí tuệ nhân tạo…
Lựa chọn giải pháp phù hợp
Chị Lê Thị Bảo Trang, đại diện hộ kinh doanh Rau câu Vinh Quang (Phường 8, TP Vĩnh Long), cho biết: “Trước đây chúng tôi kinh doanh theo kiểu truyền thống, nhưng không còn mang lại hiệu quả cao trong thời đại công nghệ số như hiện nay.
Ngày nay, người tiêu dùng thông minh có nhiều lựa chọn trong việc tìm kiếm sản phẩm, cũng như nhu cầu được trải nghiệm trong mua sắm, thay vì chỉ tập trung vào giá cả, ưu đãi. Cạnh đó, đặc thù của ngành thực phẩm là khách hàng có xu hướng “ăn” bằng mắt trước khi quyết định nếm thử miếng đầu tiên.
Chúng tôi không thể bắt khách hàng của mình đến tận tơi để tham khảo sản phẩm, thay vào đó cơ sở đã mở rộng việc quảng bá, kinh doanh sản phẩm trên sàn TMĐT của địa phương; ứng dụng quét QR code “dẫn” khách đến địa chỉ website của cơ sở để tìm hiểu thông tin về sản phẩm.
Đồng thời đẩy mạnh việc kinh doanh trên các trang mạng xã hội, nhờ vậy mà chúng tôi mở rộng thêm khách hàng, tiết kiệm thời gian trao đổi, tư vấn cho khách, hiệu quả kinh doanh cao hơn… các giải pháp TMĐT nói trên đang là phương thức kinh doanh rất hiệu quả”.
Hơn 3 năm hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, hỗ trợ nhiều DN địa phương tìm giải pháp TMĐT phù hợp, mang lại hiệu quả kinh doanh. Ông Hồ Chí Tâm- Công ty TNHH SBMEDIA (Phường 3, TP Vĩnh Long) chia sẻ, trong bối cảnh các kênh mua sắm trực tuyến ngày càng mở rộng, DN cần tận dụng sự phát triển của TMĐT để quảng bá sản phẩm, xây dựng hình ảnh DN uy tín thông qua kênh website, mạng xã hội, mobile app…
Tại Vĩnh Long, các DN đang dần thay đổi nhận thức và hiểu được tầm quan trọng của TMĐT, họ có xu hướng phát triển các kênh bán hàng, tiếp thị trực tuyến nhiều hơn để tối ưu hóa chi phí vận hành, giảm bớt những áp lực về mặt bằng kinh doanh, nhân sự, hình thức thanh toán đa dạng, quan tâm đến các vấn đề nhận diện thương hiệu…
Tuy nhiên, đa số DN vẫn gặp hạn chế trong việc xác định đâu là giải pháp công nghệ cần thiết, cùng với đó là áp lực về chi phí đầu tư, thiếu nhân sự có chuyên môn về TMĐT.
Do đó, việc ứng dụng TMĐT của mỗi DN cần được triển khai theo lộ trình phù hợp với điều kiện thực tế, nếu DN chưa có nhân sự chuyên môn về TMĐT thì có thể kết nối với cộng đồng DN, thuê đội ngũ chuyên môn bên ngoài… để được hỗ trợ tìm giải pháp phát triển các kênh kinh doanh online, quảng bá sản phẩm một cách có chọn lọc, hiệu quả.
|
Người tiêu dùng tra cứu thông tin sản phẩm thông qua QR code. |
Để xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, đặc sản địa phương thông qua TMĐT, Sở Công Thương tiếp tục triển khai, thực hiện các chính sách, chương trình hỗ trợ DN từng bước chuyển đổi số, ứng dụng TMĐT phù hợp với điều kiện thực tế.
Cạnh đó, triển khai thực hiện công tác hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin phục vụ phát triển TMĐT, thực hiện quy hoạch, chương trình, kế hoạch, đề án phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số, an ninh mạng…
69% người mua hàng online vì có khuyến mại
Theo báo cáo TMĐT Việt Nam 2023 của Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Việt Nam hiện có 73,2% người dân sử dụng internet, trong đó có 78% người tham gia mua sắm trực tuyến vì nhiều tiêu chí. Trong đó, cao nhất là người tiêu dùng quan tâm đến chương trình khuyến mại (69%); 67% người tiêu dùng lựa chọn vì có giá rẻ hơn so với mua tại cửa hàng…
|
Bài, ảnh: THẢO TIÊN