Thời gian qua, huyện Tam Bình tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp (NN) theo hướng phát triển NN bền vững, từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị nông sản, góp phần tích cực phát triển kinh tế ở địa phương.
Tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân tham gia các mô hình sản xuất nông nghiệp tập thể. |
Thời gian qua, huyện Tam Bình tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp (NN) theo hướng phát triển NN bền vững, từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị nông sản, góp phần tích cực phát triển kinh tế ở địa phương.
Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đúng hướng
Để cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020-2025 về thực hiện cơ cấu lại ngành NN đạt hiệu quả, huyện Tam Bình đã xây dựng Đề án phát triển NN sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học sản xuất an toàn, hợp tác liên kết trong sản xuất giai đoạn 2021-2025; ban hành Kế hoạch thực hiện cơ cấu lại ngành NN giai đoạn 2021-2025; triển khai Nghị quyết số 10 về phát triển NN ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2030. Đây là 1 trong 3 khâu đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020-2025.
Theo đó, huyện tập trung chỉ đạo cơ cấu lại sản xuất phù hợp, giảm diện tích trồng lúa ở những nơi kém hiệu quả, tăng diện tích trồng màu và cây ăn trái có giá trị kinh tế. Kết quả, vận động nông dân chuyển đổi sang trồng cây ăn trái từ năm 2020 đến nay trên 2.300ha chủ yếu là trồng cam sành chiếm trên 68%, nâng tổng diện tích vườn cây ăn trái toàn huyện gần 10.000ha, đạt 118,8% nghị quyết, bình quân mỗi năm tăng khoảng 6,3%.
Theo ông Phan Văn Đàng- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tam Bình, thời gian qua, chuyển dịch cơ cấu NN của huyện đã đúng hướng, góp phần tăng giá trị sản xuất NN- thủy sản, tăng bình quân trên 3 %/năm, tăng 0,52% so nghị quyết (nghị quyết tăng 2,5 %/năm).
Giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích đến cuối năm 2023 ước đạt 214 triệu đồng (tăng 39 triệu đồng/ha/năm so với năm 2020); góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 58,2 triệu đồng/người/năm (tăng 11,2 triệu đồng so đầu nhiệm kỳ).
Trong đó, có nhiều mô hình sản xuất NN nổi bật, đạt hiệu quả. Cụ thể, trên cây lúa, huyện đăng ký diện tích tham gia Đề án “Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”, với tổng diện tích 1.023ha ở các xã.
Huyện xây dựng được 6 vùng trồng được cấp mã số xuất khẩu, tập trung ở cây lúa, mít ruột đỏ, bưởi, cam sành, chanh không hạt,... được các doanh nghiệp thu mua chủ yếu xuất khẩu ở thị trường EU, Trung Quốc, Philippines, Anh; xây dựng được 16 mô hình đạt chứng nhận VietGAP tập trung chủ yếu trên cây ăn trái. Đồng thời, có 26 sản phẩm đặc trưng đạt chứng nhận OCOP, bước đầu phát huy tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương hướng đến thị trường trong và ngoài nước.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền- Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tam Bình, cho biết: Các mô hình sản xuất có hiệu quả tiếp tục được duy trì và nhân rộng. Năm 2023, các địa phương trong huyện đăng ký thực hiện, nhân rộng 41 mô hình sản xuất NN.
Phòng NN-PTNT tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch phát triển NN ứng dụng công nghệ cao năm 2023. Trong đó, tập trung thực hiện các mô hình sản xuất đạt các tiêu chuẩn hữu cơ cho các sản phẩm chủ lực và tiềm năng, có thị trường tiêu thụ như: lúa, rau màu, cây có múi, cây ăn trái.
Khuyến khích liên kết sản xuất, tiêu thụ
Tuy nhiên, theo bà Hiền, thời gian qua, việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu NN, cây trồng trên đất lúa một số địa phương còn chuyển biến chậm chưa hướng dẫn nông dân đăng ký chuyển đổi, thực hiện theo đúng quy định.
Một số địa phương chưa quan tâm xây dựng sản phẩm đặc trưng (OCOP), chậm nhân rộng mô hình sản xuất NN có hiệu quả. Trong khi đó, giá cả nông sản biến động, giá cam sành có thời điểm ở mức thấp, giá vật tư NN tăng nên ảnh hưởng đến sức đầu tư và hiệu quả kinh tế của nông dân.
Trong khi đó, chưa có doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm ứng dụng công nghệ; giá cả nông sản sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP có giá bán như giá nông sản thông thường nên việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia còn khó khăn.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành NN trong thời gian tới, ông Phan Văn Đàng cho biết, huyện đã đề ra một số giải pháp cụ thể, trong đó cần tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch cụ thể, chi tiết cho các vùng, tiểu vùng cấp huyện và cấp xã phù hợp sát thực tế.
Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật số vào sản xuất, quản lý NN. Trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện mô hình sản xuất hữu cơ, đạt chứng nhận GAP theo hướng an toàn thực phẩm; trước hết ưu tiên cho các sản phẩm chủ lực của địa phương và sản phẩm có tiềm năng, lợi thế thị trường tiêu thụ, xuất khẩu.
Bên cạnh, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân thấy được hiệu quả, tự nguyện tham gia vào mô hình sản xuất NN từ cá thể theo làm ăn tập thể, đúng theo quy hoạch vùng trồng. Đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao trong NN, từng bước hình thành các mô hình và vùng NN ứng dụng công nghệ cao.
Song song đó, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, đặc biệt thu hút đầu tư lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi số trong NN; khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện việc liên kết cung ứng vật tư và tiêu thụ nông sản cho nông dân thông qua hợp đồng nhằm đảm bảo tiêu thụ nông sản ổn định, bền vững.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, tổ hợp tác NN; triển khai thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại hiệu quả; trưng bày quảng bá các sản phẩm NN đặc trưng của địa phương…
Từ nay đến cuối nhiệm kỳ 2020-2025, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy- Bùi Văn Nghiêm chỉ đạo các ngành, các cấp, các địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XI đề ra. Trong đó, tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành NN, chuyển dịch cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững, sạch, an toàn, gắn với xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, thị trường tiêu thụ; nghiên cứu tổng kết các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả để nhân rộng. Xúc tiến kêu gọi đầu tư sản xuất, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi; nâng cao chất lượng hoạt động HTX, làng nghề, chú trọng xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. |
Bài, ảnh: YẾN- LY