Nông sản "lên sàn", rộng kênh tiêu thụ

06:10, 03/10/2023

Ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) trong nông nghiệp để hỗ trợ, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản đang là xu thế tất yếu. Không chỉ giúp nông dân, HTX, doanh nghiệp giảm chi phí đây còn là giải pháp góp phần quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường, hạn chế tình trạng ùn ứ nông sản trong mùa thu hoạch.

 

 

Thương mại điện tử giúp HTX, nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ.
Thương mại điện tử giúp HTX, nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) trong nông nghiệp để hỗ trợ, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản đang là xu thế tất yếu. Không chỉ giúp nông dân, HTX, doanh nghiệp giảm chi phí đây còn là giải pháp góp phần quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường, hạn chế tình trạng ùn ứ nông sản trong mùa thu hoạch.

Nhiều hiệu quả trong tiêu thụ

Theo ngành chức năng, kênh phân phối nông sản qua sàn TMĐT ngày càng có nhiều lợi thế cạnh tranh vì người mua, người bán đều trực tiếp giao dịch mà không phải qua quá nhiều khâu trung gian với các khoản chi phí cho nhân công, điểm tập kết hàng.

Bên cạnh đó, với kênh TMĐT, các HTX, hộ nông dân có thể tiếp cận khách hàng nhanh chóng và dễ dàng. Mặt khác, việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản trên kênh TMĐT đang dần tạo ra thói quen tiêu dùng mới.

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, thời gian qua, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh mặt hàng nông sản được thực hiện bằng TMĐT đã mang lại nhiều hiệu quả, có chi phí thấp hơn so với các chi phí thương mại khác. Theo đó, cùng với sự hỗ trợ của ngành chức năng, các HTX, hộ kinh doanh, nông dân cũng đã tích cực tham gia giới thiệu, tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm trên các sàn TMĐT.

Ông Nguyễn Ngọc Nhân- Giám đốc HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ), cho biết: Thời gian đầu, HTX chưa nắm bắt quy trình bán hàng, quảng bá nên gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của các ngành chức năng, HTX đã tích cực tham gia các hội chợ thương mại để tìm kiếm đối tác. Ngoài việc phân phối thông qua kênh truyền thống, HTX còn đẩy mạnh việc bán hàng qua mạng, đưa sản phẩm lên sàn TMĐT. Với việc buôn bán hàng qua hệ thống mạng đã giúp sản phẩm của HTX được nhiều người biết đến, kênh tiêu thụ mở rộng hơn.

Theo Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp (Sở Nông nghiệp-PTNT), thời gian qua, ngành đã triển khai ứng dụng TMĐT trong nông nghiệp với nhiều hoạt động như xây dựng và đưa sàn giao dịch nông sản điện tử Vĩnh Long (http://www.nsvl.com.vn) vào hoạt động, hiện có 538 sản phẩm được đăng tải với hơn 14 triệu lượt truy cập (thu hút hơn 140.000 lượt người/tháng); hỗ trợ xây dựng và thiết kế website, tập huấn về TMĐT…

Ông Phan Thanh Long- Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, cho biết: Giai đoạn 2022-2023 ngành đã hỗ trợ, giới thiệu sản phẩm của hơn 1.500 hộ sản xuất nông sản chủ lực của địa phương qua sàn giao dịch điện tử, nông dân được tiếp cận thông tin chuyển đổi số, thay đổi tập quán kinh doanh truyền thống sang hiện đại, đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản phù hợp với đặc điểm quy mô, cấp độ sản xuất, gắn ứng dụng TMĐT vào các sàn giao dịch điện tử.

Ngoài tập trung phát triển sàn TMĐT, ngành còn ứng dụng TMĐT qua các công cụ, tổ chức sàn… góp phần nâng cao hoạt động chuyển đổi số như tham gia hội chợ nông nghiệp quốc tế trực tuyến, ký kết hợp tác thúc đẩy tiêu thụ cho nông sản địa phương, ước tính hơn 1.800 tấn nông sản được hỗ trợ kết nối, tiếp cận thị trường.

Cần tận dụng cơ hội

Tuy nhiên, theo ngành nông nghiệp, việc ứng dụng TMĐT trong nông nghiệp vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn: Sản phẩm đưa lên sàn được khách hàng liên hệ mua nhưng sản lượng hoặc chất lượng sản phẩm lại chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.

Nông dân, doanh nghiệp, HTX còn thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn, được đào tạo bài bản về cách thức quảng bá trực tuyến, xây dựng thương hiệu, chăm sóc khách hàng… do đó mà dịch vụ sau bán hàng, cam kết, quản lý chất lượng sản phẩm còn gặp nhiều hạn chế…

“Sản phẩm nông sản được kinh doanh trên sàn TMĐT địa phương đa phần là trái cây tươi nên dễ vấp phải một số khó khăn trong việc bảo quản, cung ứng, vận chuyển. Ngoài ra, sàn giao dịch nông sản điện tử Vĩnh Long chỉ thực hiện nhiệm vụ giới thiệu sản phẩm, người bán và người mua phải tự thỏa thuận hình thức vận chuyển, thanh toán… hiện sàn chưa có cơ chế vận hành riêng”- ông Long cho biết thêm.

Chia sẻ về những thách thức mà HTX nông nghiệp đang phải đối mặt trong việc ứng dựng TMĐT, bà Nguyễn Lê Ly Na- Quản lý cộng đồng người bán hàng của Shopee, cho biết: “Thời gian qua Shopee cũng đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp địa phương quảng bá, kinh doanh nông sản, nổi bật nhất là hợp tác với đơn vị Foodmart thúc đẩy kinh doanh các loại đặc sản của nhiều vùng miền.

Tuy nhiên, chúng tôi nhận ra khó khăn lớn nhất mà các bên đều gặp phải là vấn đề về logistics, chính sách vận hành, đóng gói, bảo quản… bởi vì đặc thù của nông sản đa phần là sản phẩm tươi, câu hỏi đặt ra cho doanh nghiệp là phải tìm cách để sản phẩm đến tay người tiêu dùng vẫn đảm bảo chất lượng, giữ được độ tươi ngon nhưng tiết giảm được chi phí vận chuyển, bảo quản.

Tùy vào quy mô từng doanh nghiệp mà chúng ta có thể lựa chọn thị trường gần hay xa, to hay nhỏ, nhưng trước hết cần tìm hiểu kỹ, nâng cấp năng lực vận hành, lựa chọn vị trí thuê mướn kho bãi bảo quản phù hợp.

Doanh nghiệp, HTX có thể tận dụng cơ hội liên kết với Shopee trong các chiến dịch giảm giá, tôn vinh nông sản Việt, khóa học… để phát huy thế mạnh, tạo sức hút cũng như tìm kiếm thị trường”.

Để giúp các đơn vị, HTX ứng dụng TMĐT trong nông nghiệp, theo ngành nông nghiệp, thời gian tới cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về lợi ích ứng dụng TMĐT đến cộng đồng doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân trực tiếp sản xuất, chế biến, phân phối nông sản; tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng dụng, giao dịch TMĐT, thanh toán điện tử, chữ ký số, vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ…

Bên cạnh đó, HTX, doanh nghiệp cần có sự gắn kết chặt chẽ với những đơn vị có quy mô lớn, đa ngành, đa phương tiện; tiếp tục cập nhật các tính năng mới, thu hút người dùng trên sàn TMĐT địa phương, ngày càng thân thiện và dễ sử dụng, đáp ứng nhu cầu khác nhau ở mỗi vùng miền, đặc biệt là trái cây tươi. Trong đó quan tâm nhiều hơn nữa đến các vấn đề truy xuất nguồn gốc, quy trình sản xuất, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Đồng thời cần chú trọng thiết kế bao bì, tem nhãn, chống hàng nhái, hàng giả… Từng bước hoàn thiện các giải pháp một cách hữu hiệu nhằm đưa sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm địa phương.

Bài, ảnh: THẢO LY- THẢO TIÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh