Với mong muốn làm giàu trên lĩnh vực nông nghiệp bằng con đường "tri thức hóa nghề nông", thời gian qua nhiều nông dân của làng quê dốc sức đi học chuyên môn, trau dồi ngoại ngữ. Đồng thời, có một "làn sóng" lực lượng trí thức "đổ chất xám" vào nông nghiệp.
|
Theo đuổi con đường tri thức hóa nghề nông, nhiều nông dân đã vươn lên làm giàu và lan tỏa phương thức làm ăn hiệu quả đến cộng đồng. |
Với mong muốn làm giàu trên lĩnh vực nông nghiệp bằng con đường “tri thức hóa nghề nông”, thời gian qua nhiều nông dân của làng quê dốc sức đi học chuyên môn, trau dồi ngoại ngữ. Đồng thời, có một “làn sóng” lực lượng trí thức “đổ chất xám” vào nông nghiệp.
Có tri thức và mang trong mình bầu nhiệt huyết lớn, không ít nông dân đã và đang làm giàu cho mình, lan tỏa phương thức làm ăn hiệu quả đến cộng đồng…
Vun bồi tri thức
“Nông dân không phải chỉ dãi nắng dầm mưa ngoài đồng ruộng mà cần phải có kiến thức, trình độ để khai thác tiềm năng nông nghiệp. Phải quyết định được số phận của sản phẩm do mình làm ra với giá hợp lý.
Muốn làm được điều đó thì phải học…”- đó là “khái niệm” về nông dân của ông Nguyễn Trí Nghiệp (xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ). Đó cũng là lý do ông nỗ lực học ngoại ngữ, 2 chuyên ngành ĐH và trở thành doanh nhân trên lĩnh vực nông nghiệp, Chủ nhiệm CLB Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu tỉnh Vĩnh Long.
“Sinh ra và lớn lên trong thời chiến, thế hệ ông cha là “bần cố nông” nên cuộc sống vất vả lắm!”- ông Nghiệp trải lòng và chia sẻ tiếp- “Việc học của tôi ngày xưa là cả ước mơ, kỳ vọng lớn của gia đình nhà quê nghèo khó. Lúc đó, gia cảnh thiếu thốn trăm bề, nhưng “quyết tâm lo cho con ăn học thì luôn sẵn có”.
Với mong muốn “học để hiểu biết, để làm người”, những năm đầu cha tôi cõng tôi đi qua đoạn đường nước ngập gần 2 cây số để đến lớp học vỡ lòng. Sau đó, được học trường công cách nhà 7 cây số. Lội bộ băng qua mấy chục cây cầu khỉ, mùa khô thì đỡ, mưa nước nổi phải dò từng bước vì nước ngập quá gối. Thỉnh thoảng trợt té tập vở ướt sũng và phải chịu lạnh đến khi quần áo ráo nước…”.
Về việc học ngoại ngữ, ông tự nhận “không có năng khiếu nhưng muốn mở rộng tầm nhìn rộng ra thế giới xung quanh nên dốc sức học” và khiêm tốn nói “đầu tư học nhiều lắm nhưng chỉ ở mức sơ đẳng”: giao tiếp được, nghiên cứu kỹ thuật công nghệ qua sách báo tiếng Anh, làm văn bản, hợp đồng...
Ông Nghiệp cho biết thêm, quyết định chuyển ruộng lên vườn là kết quả của nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, mong muốn sản xuất cây giống chất lượng phục vụ phát triển kinh tế vườn. Năm 2003, ông bắt đầu xây dựng website thương mại điện tử caygiong.com. Đây là website về nông nghiệp được xây dựng sớm nhất, được nâng cấp, cải tiến áp dụng đặt hàng và thanh toán trực tuyến.
Xuất phát là điểm bán lẻ các mặt hàng cây giống truyền thống của địa phương, cuối năm 2010, chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp với tên gọi “Công ty TNHH MTV Nông trang Island”. Hàng năm, công ty cung cấp trên 1,6 triệu cây giống, tiêu thụ ở các vùng miền trong nước và sang Campuchia, Lào, Trung Quốc…
Sau những nỗ lực không ngừng, nhiều năm qua, Công ty TNHH MTV Nông trang Island là doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh, ông Nghiệp được tuyên dương Nông dân Việt Nam xuất sắc, Doanh nhân tiêu biểu tỉnh Vĩnh Long...
Cho rằng mình “vẫn đúng chất là nông dân hơn”, ông chìa đôi tay đen sạm, đầy đồi mồi cho chúng tôi xem và hài hước: “Đây là cơ sở để xác nhận mình là nông dân. Ở ngoài đồng, ngoài vườn tiếp xúc ánh sáng mặt trời suốt nên vậy”. Nói vậy nhưng ông “nông dân- doanh nhân” có tư duy làm nông rất tiến bộ: sưu tập, tìm hiểu giống cây con, nghiên cứu kỹ thuật canh tác, tư vấn sản phẩm- dịch vụ cho khách hàng… đều mang yếu tố phát triển, yếu tố mới nên cần không ngừng cập nhật kiến thức.
Tuy tài liệu tiếng Việt có nhiều nhưng biết ngoại ngữ sẽ giúp mở rộng tri thức, áp dụng được nhiều cái hay từ tài liệu tiếng nước ngoài. Theo ông, nông dân có thể học từ sách báo, qua các CLB nhà nông, các trung tâm ngoại ngữ, các lớp huấn luyện kỹ thuật, công nghệ… và “quan trọng nhất là tự học với ý chí, quyết tâm cao”.
“Đổ chất xám” vào nông nghiệp
Trong số các “nông dân tiên tiến” mà chúng tôi gặp gỡ, có những trí thức sau thời gian học tập, công tác trong và ngoài nước đã quyết định “xắn tay làm nông”. Từ nhận diện rõ sức hấp dẫn, tiềm năng lớn trong việc làm giàu từ nông nghiệp, những nông dân này vừa tích cực tiếp thu kinh nghiệm quý báu của người đi trước vừa cập nhật kiến thức, công nghệ, xu hướng làm nông mới rồi chọn “khác biệt” để thành công.
Tốt nghiệp ngành Kỹ sư điện tử, hơn 10 năm trước, ông Nguyễn Thanh Tân (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ) quyết định thôi làm “sếp” một công ty có vốn đầu tư nước ngoài với thu nhập hơn 30 triệu đồng/tháng để về quê làm nông.
Sinh ra và lớn lên ở xứ cù lao cây trái, ông hiểu rõ những vất vả, bấp bênh của nghề nông nên hun đúc suy nghĩ “phải làm khác đi”. Vì vậy, ông bắt đầu từ con lươn sau 2 năm tìm hiểu và xác định lấy công nghệ làm điểm nhấn.
Từ việc chưa có kinh nghiệm nuôi và mua nhằm giống trôi nổi nên “lỗ lên lỗ xuống suýt phá sản” nhưng không bỏ cuộc, ông quyết tâm tự sản xuất lươn giống bán nhân tạo để vừa nuôi lươn thương phẩm vừa bán con giống nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lúc bấy giờ đang khan hiếm.
Để tạo kênh liên lạc, tăng tương tác với khách hàng, website với tên miền luongiongvinhlong.com chính thức ra đời- mở ra trang thông tin mới cho người nuôi lươn. Ông Tân còn tận dụng sức mạnh công nghệ 4.0 (sàn thương mại điện tử, Facebook, Zalo, YouTube…) vào khâu bán hàng cũng như quảng bá sản phẩm rộng rãi ra thị trường.
Ông còn hoàn thiện quy trình nuôi lươn thương phẩm công nghệ cao bằng máy móc tự động hóa các khâu cho ăn, thay nước, vệ sinh bể nuôi nhằm hạn chế thấp nhất các tác động của con người vào bể nuôi, tránh mầm bệnh con người mang từ môi trường bên ngoài vào, đã tạo ra một quá trình khép kín, đem lại chất lượng lươn thương phẩm tốt nhất ra thị trường.
Vào tháng 11/2020, Công ty CP Lươn công nghệ cao Vĩnh Long do ông Nguyễn Thanh Tân làm Chủ tịch HĐQT đã được thành lập với vốn đầu tư 10 tỷ đồng, quy mô gần 50.000m² có thể cung cấp hơn 20 triệu con giống/năm.
Cùng với công nghệ, máy móc hiện đại, quy trình nuôi và điều trị bệnh cho lươn thương phẩm, công ty đã tạo ra nguồn lươn sạch, an toàn, tiêu chuẩn, chất lượng, tạo việc làm cho hơn 30 lao động, thu nhập 7-10 triệu đồng/năm, người lao động được ký hợp đồng lao động, tham gia chế độ BHXH, BHYT. Hiện, công ty tiếp tục nâng cao kỹ thuật, mở rộng thị trường, phát triển hệ sinh thái và các sản phẩm xoay quanh con lươn như: cháo lươn, miến lươn, xúc xích lươn…
Chia sẻ về “lối rẽ theo nghề nông” mà mình đã chọn, ông Tân nói: Chính từ sự thôi thúc “mình đi làm thuê được, sao không góp trí lực của mình để làm giàu đẹp quê hương”. Ông cũng cho rằng “đầu tư chất xám cho nông nghiệp, mạnh dạn trở thành nông dân thời đại mới là cách để nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, góp phần phát triển nền nông nghiệp”.
Cũng theo đuổi con đường tri thức, nhưng sau khi bảo vệ luận văn Thạc sĩ Công nghệ sinh học với tấm bằng loại ưu, ông Nguyễn Văn Thảo (xã Thuận Thới, huyện Trà Ôn) quyết định về quê làm nông. Ông cho biết: “Khi tôi về quê ai cũng phản đối. Đến khi tôi cất trang trại nuôi trùn quế rồi đi chở phân bò thì có người nói tôi bị “khùng””.
Ông Thảo cho hay, khi học thạc sĩ, ông được tiếp thu các vấn đề liên quan đến phế phẩm nông nghiệp và đi thực tế. Nhận thấy phế phẩm ở quê mình cũng như tại ĐBSCL rất nhiều mà chưa được tận dụng, ông bắt đầu suy nghĩ, tìm hiểu rồi quyết định bắt tay vào làm nông dân từ việc tận dụng phế phẩm nông nghiệp. Thử nghiệm thành công, ông tiếp tục mở rộng mô hình, thành lập trang trại, liên kết làm ăn với nông dân. Đồng thời, để đưa nông dân vào làm ăn tập thể, ông Thảo đã thành lập HTX Nông nghiệp Thuận Thới thay vì thành lập công ty như dự định ban đầu.
Lúc mới thành lập, HTX chuyên chăn nuôi bò kết hợp nuôi trùn quế. Đến nay, mở rộng thêm nhiều lĩnh vực như: sản xuất và kinh doanh phân bón hữu cơ (dạng bột và dạng nước), tư vấn xây dựng nông trại tuần hoàn. HTX đang nghiên cứu, chuẩn bị sản xuất nước ép đóng lon từ nông sản, đặc biệt là cam sành.
Tin rằng, từ quyết tâm vun bồi, tri thức hóa nghề nông cùng tư duy đổi mới, lực lượng nông dân tiên tiến sẽ đi đầu trong việc phát triển nền kinh tế nông nghiệp, góp phần làm nên thành công cho cách mạng nông nghiệp 4.0.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Lê Minh Hoan, hiện nay trong triển khai cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng NTM, người nông dân được xem là chủ thể, được đặt vào vị trí trung tâm. Nhưng muốn thực hiện được vai trò chủ thể và tương xứng với vị trí trung tâm, điều cần làm và phải làm, cần thiết và cấp thiết, người nông dân cần được nâng cao năng lực thông qua tri thức hóa.
Lan tỏa tri thức, kỹ năng có thể giúp người nông dân tiếp cận cách thức sản xuất, kinh doanh hiệu quả, làm giàu bền vững. Trách nhiệm đó, thậm chí có thể xem là bổn phận, là trọng trách, trước hết thuộc về chính quyền, ngành chuyên môn. Đó còn là trách nhiệm xã hội của các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nhân tâm huyết thúc giục nhau về làng, về với người nông dân, về với thửa ruộng, bờ ao, để cùng lắng nghe, thấu hiểu.
|
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- TUYẾT HIỀN
>> Kỳ 3: Linh hoạt sản xuất, chủ động thị trường