Chờ "siêu dự án" mới

04:10, 18/10/2023

Tháng 10 này, hơn 20 triệu dân ĐBSCL hăm hở với 2 sự kiện đặc biệt của ngành giao thông- đó là hợp long cầu Mỹ Thuận 2 và khởi công cầu Đại Ngãi nối tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. Và, theo kế hoạch, trong tương lai gần, khu vực này có thể tiếp tục đón thêm "công trình thế kỷ" khác- dự án đường sắt TP Hồ Chí Minh- Cần Thơ.

 

Tháng 10 này, hơn 20 triệu dân ĐBSCL hăm hở với 2 sự kiện đặc biệt của ngành giao thông- đó là hợp long cầu Mỹ Thuận 2 và khởi công cầu Đại Ngãi nối tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. Và, theo kế hoạch, trong tương lai gần, khu vực này có thể tiếp tục đón thêm “công trình thế kỷ” khác- dự án đường sắt TP Hồ Chí Minh- Cần Thơ.

Sự kỳ vọng này dựa trên công văn mới đây của Bộ GT-VT trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Bình Dương về việc triển khai dự án này. Và trước đó là văn bản của Văn phòng Chính phủ về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam.

Theo quy hoạch, tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh- Cần Thơ có điểm đầu tại ga An Bình (phường An Bình, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương), điểm cuối tại ga Cần Thơ (phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ), với tổng chiều dài khoảng 174km đi qua 6 tỉnh, thành phố, gồm: Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ với 13 ga toàn tuyến.

Tốc độ tối đa tàu khách có thiết kế là 200 km/h, tàu hàng 120 km/h. Bộ GT-VT đánh giá, đây là dự án có quy mô lớn, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 7 tỷ USD. Do công nghệ- kỹ thuật phức tạp nên cần phải nghiên cứu cẩn trọng, toàn diện, kỹ lưỡng, đánh giá một cách khách quan, khoa học; đặc biệt là cân đối bố trí nguồn lực.

Tại hội nghị liên quan hồi tháng 7 vừa qua, đại diện đơn vị liên danh tư vấn cho biết, tiến độ dự án đường sắt TP Hồ Chí Minh- Cần Thơ hiện đã hoàn thành báo cáo cuối kỳ, Bộ GT-VT đang lấy ý kiến các địa phương, dự kiến xong trong năm nay. Sau đó trình cấp thẩm quyền quyết định trong năm 2024 và hoàn thiện trình Thủ tướng, Quốc hội trong năm 2025; xem xét thông qua chủ trương đầu tư dự án, khởi công trước năm 2030, hoàn thành dự án trước năm 2035.

Cũng theo chủ đầu tư, tuyến đường sắt này đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với ĐBSCL, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, đảm bảo phát triển hài hòa, bền vững giao thông vận tải. Đồng thời, tái cấu trúc đô thị và phân bổ dân cư, lao động, thúc đẩy năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

N. HOÀNG

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh