Thực trạng các chợ truyền thống đang mất dần vị thế cạnh tranh với các kênh bán hàng khác là một bài toán nan giải. Do đó, cần có quy hoạch, làm mới phương thức bán hàng, tiếp cận với xu hướng mua sắm hiện đại, chuyển đổi mô hình quản lý chợ hiệu quả, tích cực chuyển đổi số…
Thực trạng các chợ truyền thống đang mất dần vị thế cạnh tranh với các kênh bán hàng khác là một bài toán nan giải. Do đó, cần có quy hoạch, làm mới phương thức bán hàng, tiếp cận với xu hướng mua sắm hiện đại, chuyển đổi mô hình quản lý chợ hiệu quả, tích cực chuyển đổi số…
|
Cần có quy hoạch sắp xếp lại chợ văn minh, hiện đại, an toàn,… tiến tới xây dựng và phát triển chợ ổn định. |
Từng bước chuyển đổi mô hình quản lý chợ
Hiện nay, tỉnh Vĩnh Long có 115 chợ gồm: 1 chợ hạng 1, 17 chợ hạng 2, 97 chợ hạng 3 và một số chợ tạm. Công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ đều được triển khai thực hiện 100%; hiện có 51 chợ chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp, HTX kinh doanh, khai thác và quản lý chợ.
Những chợ đã chuyển đổi và đang khai thác có hiệu quả tốt như các chợ hạng 2: chợ TT Tam Bình, chợ Cái Ngang, chợ Vũng Liêm, chợ Cái Nhum, chợ Phú Quới; chợ hạng 3 như: chợ An Phước, chợ Hiếu Phụng, chợ Hiếu Nhơn…
Kế hoạch năm 2023, toàn tỉnh sẽ thực hiện chuyển đổi 6 chợ từ mô hình ban quản lý sang doanh nghiệp hoặc HTX quản lý khai thác chợ là: chợ Tân Hội (TP Vĩnh Long); chợ Hàng Thẻ, chợ Tân Thới, chợ Long Hiệp, điểm chợ Phước Yên (huyện Long Hồ); chợ Thuận An (TX Bình Minh).
Theo Sở Công Thương, qua kết quả thực hiện chuyển đổi chợ đã và đang mang lại hiệu quả khả quan, tạo tính chủ động trong công tác xây dựng và quản lý chợ, huy động được nguồn vốn trong doanh nghiệp, HTX để đầu tư cải tạo, nâng cấp mở rộng phát triển chợ, khai thác được các hoạt động tại chợ.
Đồng thời các doanh nghiệp, HTX đã mở rộng phát triển quản lý thêm nhiều chợ, góp phần tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, HTX, tăng thu ngân sách từ chợ, đồng thời giảm nguồn vốn ngân sách chi cho hoạt động quản lý chợ hàng năm.
Thời điểm đương nhiệm Phó Giám đốc Sở Công Thương, ông Nguyễn Trung Kiên cho biết: “Sở Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về chính sách của Nhà nước trong công tác quản lý chợ, chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác và quản lý chợ để các hộ tiểu thương, các doanh nghiệp, HTX tham gia đầu tư, nhằm thực hiện xã hội hóa công tác xây dựng quản lý chợ theo chủ trương chung của Chính phủ”.
Chợ truyền thống cần “làm mới” mình
Việc “làm mới” mình để bắt kịp các xu hướng cạnh tranh hiện nay rõ ràng là một trong những điều kiện bắt buộc và phải làm để tồn tại. Sở Công Thương trong thời gian tới cũng sẽ chủ động tăng cường các biện pháp tuyên truyền đến các hộ tiểu thương tại các chợ truyền thống về nâng cao thái độ phục vụ niềm nở, xây dựng văn hóa văn minh trong hoạt động kinh doanh, tiêu dùng.
Đồng thời, đảm bảo duy trì thường xuyên, công tác bình ổn giá, bán đúng giá niêm yết và chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm để hướng tới xu thế tiêu dùng văn minh, hiện đại. Qua đó từng bước giữ vị thế và nâng cao sức cạnh tranh của các sạp hàng bán lẻ truyền thống trong bối cảnh cạnh tranh với sự mở rộng của chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích…
Chị Lưu Thị Mỹ Hạnh (ở Phường 9, TP Vĩnh Long), cho biết: Để tồn tại, chợ truyền thống cần phải thay đổi hình thức kinh doanh đáp ứng nhu cầu mua hàng theo phương châm “an toàn, an tâm, tiết kiệm và tiện lợi”. Ngoài ra, cần phải có văn hóa mua bán văn minh, lịch sự, giao tiếp vui vẻ với khách, tránh tình trạng khách hỏi, trả giá rồi không mua là tiểu thương… khó chịu ra mặt!
Thuận mua thì vừa bán, khách hàng là thượng đế thì cần được tôn trọng, phục vụ tận tình. Chị Nguyễn Thị Mỹ Tiên (ở Phường 5, TP Vĩnh Long), cho rằng: Cần kết hợp mua bán truyền thống và hiện đại như nhận đặt hàng và giao hàng đến nơi. Hàng hóa ở chợ cần đa dạng hơn, giá cả ổn định, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm,…
Theo ông Nguyễn Trung Kiên, để có thể tồn tại và cạnh tranh với các kênh bán hàng khác, hơn ai hết, các tiểu thương ở chợ cần đổi mới. “Thời gian tới, ngành công thương sẽ tiếp tục phối hợp về công tác tổ chức quản lý chợ. Đặc biệt tại chợ đã chuyển đổi mô hình quản lý sang doanh nghiệp hoặc HTX kinh doanh, khai thác và quản lý chợ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.
Đồng thời, phối hợp các sở, ngành tỉnh, các địa phương để triển khai nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm; xây dựng các điểm kinh doanh thực phẩm bảo đảm tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ. Ngoài ra, tạo mối liên kết giữa các nhà sản xuất trong tỉnh với các tổ chức quản lý khai thác chợ, tạo hệ thống cung ứng hàng hóa đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng, mẫu mã đẹp, phong phú cho người tiêu dùng…”- ông Kiên khẳng định.
Chuyển đổi số là bài giải “sống còn”
Hiện nay, chợ Vĩnh Long đã thực hiện mô hình chuyển đổi số, chợ 4.0- thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực chợ C và dãy trái cây đường 3 Tháng 2. Qua thời gian triển khai, hiện có hơn 240 tiểu thương (chiếm tỷ lệ 34,3%) trở thành điểm chấp nhận thanh toán của Viettel Money.
Theo ông Nguyễn Trung Kiên, thời đại ngày nay, chúng ta gần như đã không còn xa lạ với cụm từ “chuyển đổi số”. Chuyển đổi số có vai trò và tác động to lớn trong cuộc sống xã hội hiện nay, có tác động đến mọi ngành nghề như: công nghiệp, nông nghiệp, thương mại và dịch vụ kinh doanh.
“Chính vì thế, công tác chuyển đổi số đối với chợ truyền thống là hết sức quan trọng, đặc biệt là việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt cho tiểu thương tại chợ hiện nay là hết sức cần thiết”- ông Kiên đánh giá.
Tuy nhiên, theo đánh giá hiện nay, chuyển đổi số ở chợ còn gặp nhiều khó khăn như nhiều tiểu thương chưa quan tâm đến việc chuyển đổi số, phần lớn người tiêu dùng vẫn còn sử dụng tiền mặt, một số tiểu thương còn e dè, sợ việc đánh cắp thông tin, lừa đảo nên không tham gia vào quá trình chuyển đổi số,…
|
Chuyển đổi số là bài giải “sống còn” đối với chợ. Trong ảnh: Một điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt ở chợ Vĩnh Long. |
“Sẽ tiếp tục tăng cường chuyển đổi số chợ Vĩnh Long, sau đó là các chợ khác. Đặc biệt là việc đẩy mạnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho tiểu thương và người tiêu dùng, nhất là du khách khi đến chợ mua sắm có thể lựa chọn hình thức thanh toán thuận tiện”- ông Kiên cho biết thêm.
Thời gian tới, ngành công thương sẽ rà soát để bố trí sắp xếp các ngành hàng tại chợ nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng chợ văn minh thương mại, tạo sự thông thoáng và thuận tiện cho quá trình mua bán và trao đổi hàng hóa, cũng như thuận tiện hơn cho người dân, du khách khi đến tham quan, mua sắm; hướng đến xây dựng chợ Vĩnh Long trở thành điểm đến, tham quan và mua sắm của du khách trong và ngoài nước.
|
Bài, ảnh: KHÁNH DUY