Giải bài toán "vắng khách" cho chợ truyền thống

05:10, 05/10/2023

Công nghệ phát triển, nhiều phương thức kinh doanh nở rộ trên không gian mạng, cùng sự xuất hiện của siêu thị, cửa hàng tiện lợi len lỏi vào khu dân cư khiến chợ truyền thống ngày càng đìu hiu, ế ẩm. 

Công nghệ phát triển, nhiều phương thức kinh doanh nở rộ trên không gian mạng, cùng sự xuất hiện của siêu thị, cửa hàng tiện lợi len lỏi vào khu dân cư khiến chợ truyền thống ngày càng đìu hiu, ế ẩm. Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các hình thức mua bán trực tuyến tiện lợi, nhanh chóng…

Do đó, chợ cũng dần mất đi lợi thế của mình. Để duy trì hoạt động ổn định và phát triển bền vững, cần có nhiều giải pháp từ các cơ quan chức năng cũng như thay đổi tư duy mua bán của tiểu thương nhằm thu hút người tiêu dùng trở lại chợ, từng bước xây dựng chợ ngày càng văn minh, hiện đại.

Kỳ 1: Hết rồi thời... “trăm người bán, vạn người mua”?

Chợ Phường 5 vắng người bán lẫn người mua.
Chợ Phường 5 vắng người bán lẫn người mua.

 

Theo nhiều tiểu thương kinh doanh ở chợ Vĩnh Long, nhất là các mặt hàng vải, quần áo may sẵn thì từ nhiều tháng nay, tình hình kinh doanh “rất ế ẩm” dù đã làm đủ mọi cách để duy trì. Ngoài ra, hiện tình trạng chợ vắng khách đã và đang diễn ra ở một số chợ, sức mua giảm và dường như đã qua thời “trăm người bán, vạn người mua”.

“Buôn bán ế ẩm”

Đó là tình trạng chung của hầu hết tiểu thương kinh doanh mặt hàng vải, quần áo may sẵn ở khu bách hóa tổng hợp chợ Vĩnh Long. Cô Trinh- chủ sạp Mỹ Trinh, cho hay hiện nay “không thấy người đi chợ. Tình hình buôn bán càng ngày càng khó, tiểu thương chỉ còn biết cố gắng bù qua đổi lại, lấy ngày lời bù cho ngày lỗ, ngày vắng khách”.

Trong khi đó, cô H.- chủ một sạp quần áo may sẵn (xin giấu tên), cho biết bán ở đây từ lúc mười mấy tuổi, nay đã ngoài 60 rồi mà chưa thấy lúc nào khó khăn như lúc này. “Riết rồi cũng… làm biếng dọn hàng. Cũng may là sạp tôi ở ngoài còn đỡ, chứ mấy sạp phía trong, tình hình còn khó khăn hơn nhiều”- cô H. than.

Theo ghi nhận, tình hình buôn bán của các tiểu thương ngành hàng vải, quần áo may sẵn đang rất khó khăn. Nhiều tiểu thương cho biết, tình hình mua bán của “bạn hàng” ở các chợ huyện cũng gặp tình trạng tương tự. Vì họ đã lấy hàng ít lại, thời gian lấy đợt hàng kế tiếp cũng giãn ra.

Ở các dãy trái cây ở chợ Vĩnh Long, chị Huệ- chủ một sạp trái cây, cho biết thời gian gần đây, lượng khách trung bình giảm khoảng 30-40%. Phần nhiều là do giá cả tăng, người dân tiết kiệm chi phí, song vẫn không thể phủ nhận tính cạnh tranh của các chợ truyền thống chưa theo kịp xu hướng tiêu dùng.

Hầu hết các chợ chưa chú ý đến cảnh quan, vệ sinh môi trường.
Hầu hết các chợ chưa chú ý đến cảnh quan, vệ sinh môi trường.

Còn chị Lệ- chủ sạp vịt, gà sống ở chợ Vĩnh Long, cho biết giá cả cũng không tăng nhiều nhưng sức mua của người tiêu dùng giảm thấy rõ. “Hiện sức mua chỉ khoảng 50-60%. Chợ cũng vắng hẳn so với mấy năm trước. Thời gian gần đây, tôi chủ yếu nhận các đơn đặt hàng rồi giao luôn tới nơi để tăng tính cạnh tranh, tất nhiên là miễn phí… ship”- chị Lệ chia sẻ.

Tại chợ Phường 5 (TP Vĩnh Long), từ khi được đưa vào hoạt động đến nay, chỉ có 3 tiểu thương “bám” trụ mua bán trong nhà lồng chợ. Bà Võ Thị Thu H., cho biết, trước đây được mời vào trong nhà lồng này bán cùng với nhiều người.

Nhưng chưa đầy 1 tháng, nhiều tiểu thương khác đồng loạt dời ra ngoài lề đường bán, vì bán trong nhà lồng chợ không ai mua… Tình trạng này đã vô tình tạo thói quen mua và bán chưa được văn minh, trật tự. Nhất là ảnh hưởng rất lớn đối với tiểu thương mua bán đúng quy định ở nhà lồng chợ.

Hiện toàn tỉnh có 115 chợ, trong đó có 1 chợ hạng 1, 17 chợ hạng 2, 97 chợ hạng 3 và chợ tạm, có 5 siêu thị (gồm 2 siêu thị tổng hợp và 3 siêu thị chuyên doanh), 1 trung tâm thương mại và 46 cửa hàng tiện lợi kinh doanh thực phẩm tổng hợp phục vụ cho việc cung cấp và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Về phát triển hệ thống cửa hàng tiện lợi, toàn tỉnh có 46 cửa hàng tiện lợi đã đi vào hoạt động ổn định (gồm 36 cửa hàng Bách hóa Xanh, 8 cửa hàng WinMart+; 1 cửa hàng Co.op Food và 1 cửa hàng Hoa Sao).

Chợ giảm sức hút, vì sao?

Có rất nhiều nguyên nhân khiến ngày càng đìu hiu, vắng khách, trong đó có nguyên nhân đến từ việc bị cạnh tranh khốc liệt bởi nhiều loại hình kinh doanh hiện đại và đa dạng hiện nay. Bên cạnh đó là chợ chưa chủ động thay đổi, nâng cao sức cạnh tranh, thu hút người tiêu dùng.

Chị Tô Thị Mỹ Tiên (Phường 5, TP Vĩnh Long) cho biết, mỗi tuần đi chợ Vĩnh Long 1-2 lần, còn đa số là đi siêu thị hoặc đặt hàng online. “Tuy giá ở siêu thị có cao hơn đôi chút, nhưng có nhiều tiện lợi cho người tiêu dùng. Đó là chưa kể đến ở các kênh phân phối hiện đại có nhiều quy định về đảm bảo chất lượng hàng hóa. Cảm quan nhìn vào món hàng mình mua cũng thấy an tâm hơn”- chị Tiên cho biết.

Còn chị Lê Hoàng Oanh (Phường 4, TP Vĩnh Long) cho biết, chợ hiện nay ít người đi vì xu hướng tiêu dùng đang cần nhanh- gọn và nhẹ. Mặt khác, cảnh quan ở các chợ thường không đảm bảo vệ sinh, ồn ào và đặc biệt là chất lượng hàng hóa khó kiểm chứng, giá cả không ổn định, có tình trạng cân thiếu, hành vi giao tiếp, ứng xử của một bộ phận tiểu thương gây phiền hà cho người tiêu dùng…

“Ở siêu thị hàng hóa được niêm yết giá rõ ràng, chương trình khuyến mãi, hàng tặng kèm cũng minh bạch. Hơn nữa, hiện nay hệ thống các cửa hàng tiện lợi có rất nhiều, dường như ở đâu có chợ là ở đó có các cửa hàng này, mở cửa cũng rất sớm”- chị Oanh chia sẻ.

Theo Sở Công Thương, hiện có rất nhiều nguyên nhân đến từ việc bị cạnh tranh khốc liệt bởi nhiều loại hình kinh doanh hiện đại và đa dạng, khiến chợ ngày càng vắng khách. Theo đó, sự lên ngôi của bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, TikTok... và các ứng dụng mua sắm trực tuyến như: Shopee, Lazada... người biết chút ít công nghệ cũng sẽ dễ dàng có thể mua được những món đồ mình thích mà không cần tốn thời gian ra chợ.

Người tiêu dùng hiện nay có xu hướng lựa chọn các kênh mua sắm hiện đại. Ảnh minh họa
Người tiêu dùng hiện nay có xu hướng lựa chọn các kênh mua sắm hiện đại. Ảnh minh họa

Trong khi những người có thu nhập, có nhu cầu mua, theo kịp xu hướng lại tập trung nhiều nhất ở độ tuổi từ 18-50, nhưng đa phần đều đi làm cả ngày, không có thời gian ra chợ nên họ thường tận dụng thời gian lướt internet để mua hàng.

Thời điểm đương nhiệm Phó Giám đốc Sở Công Thương, ông Nguyễn Trung Kiên cho biết, ngoài công nghệ phát triển là sự xuất hiện của siêu thị, các cửa hàng tiện lợi phát triển mạnh len lỏi vào khu dân cư khiến chợ truyền thống đang mất dần ưu thế. Trước những lo lắng về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng giờ đây có nhiều lựa chọn và có xu hướng thích vào mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi do có nhiều ưu điểm.

“Tâm lý chung của nhiều người, đặc biệt giới trẻ là ngại trả giá, sợ mua bị “hớ”. Vì thế họ chọn mua hàng online vừa có sẵn giá, dễ dàng lựa chọn, thậm chí nhiều mặt hàng được trợ giá, “săn sale” có mức giá còn rẻ hơn giá bán ngoài chợ và giá gốc của các tiểu thương nhập về”- ông Kiên chia sẻ thêm.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay hình thức mua sắm tại các chợ có không gian nhỏ hẹp, một số nơi chưa đảm bảo các điều kiện về vệ sinh, thiếu văn hóa mua bán, mất an ninh trật tự,… Bên cạnh, việc các chợ tự phát, chợ “chồm hổm” tràn lan… không theo quy hoạch hoặc trái với quy định đã và đang góp phần khiến cho tình hình mua bán ở nhiều chợ đã khó lại càng thêm khó khăn hơn.

Theo báo cáo khảo sát người tiêu dùng Việt Nam (Deloitte), trong dịch COVID-19 và giai đoạn phong tỏa vừa qua đã thúc đẩy nhiều hành vi tiêu dùng trực tuyến và tăng động lực chuyển dịch sang các kênh thương mại điện tử. Theo đó, xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục trong tương lai, khi việc sử dụng công cụ số trở thành thói quen lâu dài. Theo một ước tính, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần, từ 13 tỷ USD vào năm 2021 lên 39 tỷ USD vào năm 2025. Sự gia tăng của phương pháp thanh toán kỹ thuật số cũng góp phần thúc đẩy nhanh xu hướng này tại Việt Nam- báo cáo của Deloitte nêu rõ.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

>> Kỳ cuối: Chợ cần chuyển đổi và “làm mới” mình

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh