Doanh nhân đem "chất" nông dân làm kinh doanh tử tế

09:10, 15/10/2023

Họ là những nông dân rặt, với tinh thần đổi mới, sáng tạo trong sản xuất đã làm gia tăng giá trị thương mại cho nông sản.

Họ là những nông dân rặt, với tinh thần đổi mới, sáng tạo trong sản xuất đã làm gia tăng giá trị thương mại cho nông sản.

* Ông Đoàn Văn Tài (xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm)- Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt: Đi đầu trong việc trồng lúa hữu cơ

Doanh nhân đem “chất” nông dân làm kinh doanh tử tế
Doanh nhân đem “chất” nông dân làm kinh doanh tử tế

Nhận được sự hỗ trợ của chính quyền, các nhà khoa học, ông Tài đã thành công trong việc trồng lúa hữu cơ và mở rộng diện tích trồng qua các năm. Đến năm 2019, từ tổ hợp tác đã chuyển lên thành HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt, hiện HTX có 65 thành viên và 100ha (vốn điều lệ tăng lên 900 triệu).

Theo ông Tài, HTX được chứng nhận hữu cơ theo 4 tiêu chuẩn hàng đầu của quốc tế là USDA (Mỹ), EU (châu Âu), JAS (Nhật Bản) và COR (Canada), với nhiều sản phẩm chủ lực từ gạo trắng, gạo đỏ và gạo tím thảo dược, kèm các sản phẩm sau gạo đang được ưa chuộng như bột dinh dưỡng, mầm cám, trà gạo...

Thời gian qua, hiệu quả từ mô hình trồng lúa hữu cơ của ông Tài đã tạo thu nhập cho rất nhiều bà con quanh vùng, lợi nhuận đạt tăng từ 1,5-2 lần so với khi canh tác lúa truyền thống. Với những nỗ lực đóng góp trong phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh, ông Đoàn Văn Tài đã nhận được sự tin tưởng, đắc cử Chủ tịch Hội Doanh nhân huyện Vũng Liêm nhiệm kỳ 2023-2028.

Trong vai trò mới, doanh nhân Đoàn Văn Tài kỳ vọng: “Hội là nơi chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tại địa phương, hỗ trợ sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm, tạo cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách… từ đó cùng nhau vươn lên,
phát triển”.

* Ông Trương Hoàng Phương- Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Phú Thuận A (xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít): Đam mê làm du lịch, khai thác lợi thế nông nghiệp địa phương

Trước đây, gia đình ông Trương Hoàng Phương làm lò gạch, sau đó chuyển sang trồng nhãn. Ông Phương khoe, vườn nhãn ido của ông đã lắp đặt hệ thống tưới tự động, có đường nước, đê bao riêng. Để giảm chi phí sản xuất cũng như giúp cây nhãn sinh trưởng tốt, ông đã và đang áp dụng cách bón phân hữu cơ.

Với cách làm này, trái nhãn ido sẽ ăn ngon, ngọt, an toàn, để lâu và không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Ông Phương còn trồng xen thêm nhiều loại nhãn khác trong vườn như: nhãn long tím, nhãn xuồng,… Đồng thời, cải tạo lại khuôn viên định hướng gắn kết phát triển du lịch sinh thái vườn. Với người nông dân mang trong mình “máu” kinh doanh, đây là kế hoạch mà ông Phương ấp ủ từ rất lâu.

“Khi có chủ trương của Nhà nước giữ lò gạch để làm du lịch, tôi rất mừng vì thấy mình đã đi đúng hướng và tôi đã mạnh dạn quyết định kinh doanh du lịch. Tôi nhận thấy quê mình cũng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nếu không làm thì rất uổng.

Tôi nghĩ, làm kinh tế từ du lịch sẽ mạnh hơn nếu nhiều người liên kết để làm. Tôi rất mong các ngành hỗ trợ để xây dựng mô hình du lịch cho địa phương cùng phát triển”- người nông dân nói chuyện như một doanh nhân thực thụ, vạch ra chiến lược kinh doanh đầy khả thi trong tương lai.

Bài ảnh: THẢO LY- THẢO TIÊN

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh