Hiện nay, việc sử dụng xe đạp điện, xe máy điện thay thế cho các loại phương tiện di chuyển khác đang trở thành xu hướng phổ biến khi sức ép giá xăng tăng cao và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích mà loại phương tiện này mang lại, nhiều lo ngại gây mất ATGT cũng rất cần được quan tâm.
Đa dạng mẫu mã xe đạp điện, xe máy điện với nhiều chủng loại, tốc độ khác nhau. |
Hiện nay, việc sử dụng xe đạp điện, xe máy điện thay thế cho các loại phương tiện di chuyển khác đang trở thành xu hướng phổ biến khi sức ép giá xăng tăng cao và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích mà loại phương tiện này mang lại, nhiều lo ngại gây mất ATGT cũng rất cần được quan tâm.
Đa dạng mẫu mã, giá cả
Qua khảo sát thị trường xe đạp điện, xe máy điện có đa dạng mẫu mã, giá cả phong phú đáp ứng khả năng tài chính của nhiều khách hàng. Trong đó, xe đạp điện có phân khúc chủ yếu là học sinh, sinh viên, giá dao động 7-16 triệu đồng, có nguồn gốc từ nội địa đến nhập khẩu. Các mẫu xe đạp điện sản xuất trong nước như DKBike, Pega, Detech… có kiểu dáng nhỏ gọn, vận tốc dưới 40 km/h, an toàn cho lứa tuổi học sinh.
Riêng các dòng xe máy điện của các hãng VinFast, Yadea, Hkbike… có giá cao hơn, dao động 15-70 triệu đồng, thường có vận tốc tối đa lên đến 80 km/h phù hợp với người đủ 16 tuổi trở lên, bắt buộc đăng ký biển kiểm soát hay phải có bằng lái xe (đối với một số dòng xe máy điện có vận tốc lớn hơn 50 km/h).
Theo anh Nguyễn Hoàng Hiệp- chủ cửa hàng Hiệp Huệ (Phường 3, TP Vĩnh Long), trước đây xe đạp điện, xe máy điện chỉ có một vài kiểu khung sườn, bánh xe cơ bản, động cơ còn cồng kềnh, linh kiện không rõ nguồn gốc, khó tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Nhưng khoảng thời gian gần đây, theo anh Hiệp, các hãng xe đạp điện, xe máy điện dần tập trung đầu tư chất lượng, chú trọng thiết kế, đa dạng giá cả, đi kèm là những cải tiến công nghệ phù hợp, nhiều mẫu xe trang bị pin lithium-ion giúp tăng vận tốc, kéo dài quãng đường di chuyển không khác gì xe xăng.
“Đối với dòng xe đạp điện thì học sinh vẫn là khách hàng chủ yếu nên mùa tựu trường sẽ là mùa “chạy” nhất trong năm. Người có nhu cầu di chuyển quãng đường ngắn như nhân viên văn phòng, nội trợ và người lớn tuổi cũng là khách hàng có nhu cầu sử dụng xe đạp điện nhiều nhất vì vận tốc xe đạp điện không quá lớn.
Tuy xe đạp điện, xe máy điện là dòng xe dễ sử dụng, thân thiện với môi trường nhưng không tránh khỏi việc bị hao tổn trong quá trình sử dụng lâu dài, đặc biệt là khi người sử dụng không có thói quen sạc, vệ sinh xe đúng cách. Vậy nên chúng tôi luôn nhắc nhở khách hạn chế thay đổi quá nhiều cấu tạo của xe, tránh sạc ngắt quãng, phun xịt nước trực tiếp lên bộ điều khiển bên dưới yên xe…”- anh Hiệp cho biết thêm.
Cần đảm bảo an toàn giao thông
Theo chị Thanh Linh (Phường 5, TP Vĩnh Long), hiện nay, nhiều học sinh được phụ huynh “sắm” xe đạp điện, thậm chí xe máy điện để đi học. Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo ATGT của các em “thật sự phải xem xét lại”. Vì nhiều em chạy rất nhanh trên đường, đầu không đội nón bảo hiểm, khi vượt hoặc rẽ cũng không có tín hiệu... gây mất ATGT cho chính mình và cho những người cùng tham gia giao thông.
Anh Bình- một giáo viên tiểu học ở Phường 4, TP Vĩnh Long, chia sẻ, xe đạp điện, xe máy điện thường có động cơ rất êm, do đó, việc sử dụng còi cảnh báo là rất cần thiết. Nhưng thay vì bấm còi, xi nhan xin đường, nhiều người lại lạng lách đánh võng, khiến nhiều người đi đường có lúc phải giật mình, gây mất an toàn. Như vậy là rất nguy hiểm.
Theo Thông tư số 39/2013/TT-BGTVT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe đạp điện, phương tiện này có công suất động cơ lớn nhất không lớn hơn 250W, có vận tốc thiết kế lớn nhất không quá 25 km/h. Tuy nhiên, trong thực tế, chỉ cần gõ “xe đạp điện chạy 40 km/h” trên thanh công cụ tìm kiếm là dễ dàng xuất hiện các mẫu xe đạp điện “tốc độ cao” được bày bán công khai.
Khi mua xe đạp điện, khách hàng nên xem kỹ các thông số kỹ thuật, tem, quy chuẩn chất lượng của xe. |
Còn theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định người điều khiển và ngồi sau xe máy điện đều phải đội nón bảo hiểm gồm: người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy; người điều khiển phương tiện xe máy điện, xe đạp điện; những người được chở trên xe máy, xe mô tô, xe máy điện, xe đạp điện, các loại xe tương tự xe mô tô, xe máy và xe máy điện, xe đạp điện. Mức phạt cho hành vi không đội nón bảo hiểm cho người vi phạm từ 200.000-300.000đ.
Từ những thực tế trên, cùng với sự phát triển nhanh của thị trường xe điện, cũng cần quan tâm nhiều hơn đến các chính sách quản lý, tuyên truyền đảm bảo ATGT liên quan đến loại phương tiện này.
Theo Sở GD-ĐT, từ đầu năm đến nay, đã có 861 cuộc tuyên truyền về ATGT với 397.079 lượt người tham dự; 100% cơ sở giáo dục tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các thành viên trong đơn vị về thực hiện các biện pháp an toàn khi tham gia giao thông; giáo dục pháp luật ATGT và thực hiện văn hóa giao thông;… Tuy nhiên, cũng theo Sở GD-ĐT, hiện nay, vẫn còn một số khó khăn trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Cụ thể, như nhiều trường học nằm cạnh các đường tỉnh, quốc lộ có lưu lượng giao thông đông đúc nên tình hình trật tự ở cổng trường vào giờ tan học còn chưa đảm bảo. Việc phối hợp giữa ngành giáo dục và CSGT trong kiểm tra, xử lý việc đi xe gắn máy, xe mô tô của học sinh chưa thường xuyên... |
Bài, ảnh: THẢO TIÊN- KHÁNH DUY