Bình ổn giá, kích cầu tiêu dùng cuối năm

06:10, 26/10/2023

Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa sẽ đến Tết Giáp Thìn 2024, hiện tại, các chương trình khuyến mãi, chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm đã sẵn sàng, góp phần bình ổn giá cả và kích cầu tiêu dùng trong những tháng cuối năm. 
 

Đề xuất giảm thuế VAT sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng, nhất là trong dịp trước, trong và sau Tết. Ảnh minh họa
Đề xuất giảm thuế VAT sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng, nhất là trong dịp trước, trong và sau Tết. Ảnh minh họa
Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa sẽ đến Tết Giáp Thìn 2024, hiện tại, các chương trình khuyến mãi, chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm đã sẵn sàng, góp phần bình ổn giá cả và kích cầu tiêu dùng trong những tháng cuối năm. 
 
Nhiều chương trình mua sắm kích cầu
 
Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là bước vào cao điểm hàng hóa cuối năm, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về bình ổn giá từ nay cho đến cuối năm và đặc biệt trong các dịp lễ, Tết, khi nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh, các doanh nghiệp phân phối đang nỗ lực đảm bảo nguồn cung ổn định, không có sự gián đoạn trong cung cấp hàng hóa cũng như đột biến về giá cả cho người tiêu dùng.
 
Từ đầu năm đến nay, giá cả thị trường trong nước cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát và theo xu hướng giảm dần. Đặc biệt, sức mua trên thị trường đã có sự phục hồi tốt so với năm trước và giai đoạn bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Hiện tại, để kích cầu tiêu dùng, các hệ thống siêu thị, trung tâm mua sắm đang triển khai hàng loạt chương trình khuyến mại, giảm giá. 
 
Hiện áp lực tăng giá càng lớn hơn trong những tháng cuối năm nay và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhất là những mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Theo dự báo của một số doanh nghiệp sản xuất, cung ứng hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm thiết yếu, phần lớn chi phí đầu vào đã tăng từ 15-20% so với đầu năm nay. Bên cạnh đó, giá nhiều loại thực phẩm như rau, củ, quả, thịt, cá… ở các chợ truyền thống cũng đã tăng khá mạnh so với đầu năm. 
 
Trong khi đó, các hệ thống siêu thị vẫn đang cố gắng giữ giá và thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi để cải thiện sức mua, thu hút người tiêu dùng. Hiện Co.opmart Vĩnh Long chuẩn bị triển khai chương trình mua sắm khuyến mãi “Tri ân từ trái tim” nhằm góp phần bình ổn và kích cầu tiêu dùng.
 
Theo ông Văn Quốc Hoàng- Giám đốc Co.opmart Vĩnh Long, chương trình kéo dài từ ngày 26/10-15/11 với nhiều chương trình khuyến mãi, quà tặng. Thông qua chương trình sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng trong dịp cuối năm cũng như chia sẻ giá cả, bình ổn với người tiêu dùng. Trước đó, Co.opmart cũng áp dụng chương trình “Thương hiệu hội tụ siêu sale” với hơn 500 mặt hàng là thương hiệu Việt Nam được khách hàng ưa chuộng được tập trung trưng bày ở những vị trí đẹp mắt và được khuyến mãi, giảm giá đến 50%...
 
Theo bà Lê Việt Nga- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), năm nay, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố và sở công thương các địa phương đẩy mạnh chương trình kích cầu gắn với bình ổn thị trường phục vụ, tạo sự liên kết để có được chi phí hợp lý nhất ở các công đoạn nhằm giúp hàng Việt tiếp cận người tiêu dùng trong nước nhanh và hiệu quả.
 
Đề xuất giảm thuế, tăng kích thích tiêu dùng
 
Bộ Tài chính vừa đề xuất chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% trong 6 tháng đầu năm 2024. Tổng số tiền thuế giảm khoảng 25.000 tỷ đồng. Các ngành sản xuất được ưu tiên giảm VAT nhằm kích thích người dân tăng sử dụng, tiêu dùng hàng hóa.
 
Theo các chuyên gia kinh tế, chính sách này sẽ góp phần tiếp sức cho người dân, doanh nghiệp vượt khó, nhất là trong giai đoạn trước, trong và sau Tết Giáp Thìn 2024. Theo đề xuất của Bộ Tài chính, giảm VAT áp dụng với nhóm hàng hóa, dịch vụ mức thuế suất giảm từ 10% về 8%. Dự kiến, thời gian áp dụng từ ngày 1/1 đến hết 30/6/2024. 
 
Là sắc thuế áp dụng với hầu hết hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng nên việc giảm VAT sẽ giúp người dân trực tiếp hưởng lợi. Theo chị Nguyễn Mỹ Duyên (Phường 1, TP Vĩnh Long), hàng tuần gia đình vẫn mua thực phẩm tại siêu thị. Với số tiền khoảng 1-1,5 triệu đồng mua lương thực, thực phẩm, đồ dùng mỗi tuần tại siêu thị, sau khi giảm thuế được áp dụng, chị Duyên được giảm vài chục ngàn đồng. 
 
“Tuy mức tiết kiệm không nhiều nhưng cũng góp phần giảm gánh nặng chi phí, lấy phần này để bù lại phần khác. Hơn nữa, khi giảm thuế thì nhiều mặt hàng, dịch vụ sẽ giảm theo, đó là tín hiệu vui cho người tiêu dùng trong giai đoạn khó khăn hiện nay”- chị Duyên chia sẻ.
Nhiều chương trình khuyến mãi được các siêu thị, trung tâm thương mại đưa ra nhằm bình ổn thị trường, kích cầu tiêu dùng.
Nhiều chương trình khuyến mãi được các siêu thị, trung tâm thương mại đưa ra nhằm bình ổn thị trường, kích cầu tiêu dùng.
Theo TS Nguyễn Quốc Việt- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), đánh giá, việc giảm 2% VAT sẽ phát huy tác dụng thiết thực; giúp kéo giảm giá hàng hóa. Chi phí đầu vào giảm, người tiêu dùng mua được hàng hóa rẻ hơn.
 
“Giảm VAT cũng giúp giảm áp lực lạm phát, đảm bảo cân đối vĩ mô lớn hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế. Chính sách này hỗ trợ trực tiếp giảm khó khăn trước mắt cho hộ gia đình, nhất là lao động thu nhập thấp. Với tác dụng như trên, chính sách giảm thuế nên kéo dài hơn so với đề xuất”- ông Việt đề xuất thêm.
Chỉ còn khoảng 3 tháng tới là bước vào cao điểm mua sắm cuối năm, cùng với việc đảm bảo cung cầu hàng hóa, nhằm bình ổn thị trường, Bộ Công Thương đã yêu cầu lực lượng quản lý thị trường tập trung cao vào việc kiểm tra, xử lý các sai phạm trong sản xuất kinh doanh của một số ngành hàng thiết yếu. Bộ Công Thương cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các cơ sở kinh doanh, chợ đầu mối bán buôn bán lẻ để nắm được nguồn cung cũng như giá bán, có biện pháp ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm về găm hàng, đầu cơ gây ảnh hưởng giá cả thị trường.
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
 
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh