Vĩnh Long: Tạo động lực phát triển từ chiến lược sở hữu trí tuệ

09:09, 23/09/2023

Việc xây dựng, thực hiện "Chiến lược sở hữu trí tuệ (SHTT) đến năm 2030" và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ (TSTT) là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của tỉnh Vĩnh Long để phục vụ mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới, nhằm đưa kinh tế phát triển nhanh, sớm rút ngắn khoảng cách chênh lệch và tiến kịp trình độ phát triển chung của cả nước.

(VLO) Việc xây dựng, thực hiện “Chiến lược sở hữu trí tuệ (SHTT) đến năm 2030” và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ (TSTT) là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của tỉnh Vĩnh Long để phục vụ mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới, nhằm đưa kinh tế phát triển nhanh, sớm rút ngắn khoảng cách chênh lệch và tiến kịp trình độ phát triển chung của cả nước.

Thực trạng hoạt động SHTT và TSTT tại Vĩnh Long

Trong giai đoạn 2016- 2020, các hoạt động SHTT trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung vào các nội dung trong khuôn khổ chương trình phát triển TSTT của tỉnh, theo đó các cơ quan quản lý nhà nước, các sở, ban ngành đã tích cực góp phần xây dựng nhiều thương hiệu mạnh của tỉnh.

Theo số liệu từ Cục Sở hữu trí tuệ, tính đến hết năm 2020, tỉnh Vĩnh Long đã được cấp 1.077 văn bằng bảo hộ gồm: 953 nhãn hiệu, 113 kiểu dáng công nghiệp, 3 sáng chế, 7 giải pháp hữu ích, 1 chỉ dẫn địa lý (Bưởi Năm roi Bình Minh) và các nhãn hiệu tập thể cam sành Tam Bình, khoai lang Bình Tân, bưởi da xanh Vũng Liêm, hành lá Tân Bình, chôm chôm cù lao Long Hồ, nhãn Long Hồ…

Mẫu logo chỉ dẫn địa lý bưởi năm roi Bình Minh
Mẫu logo chỉ dẫn địa lý bưởi năm roi Bình Minh

Hoạt động SHTT trong giai đoạn 3 năm qua tại tỉnh Vĩnh Long đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận dưới sự nỗ lực hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ; các cơ quan, ban ngành, hiệp hội.

Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ các đòi hỏi ngày càng cao của sự phát triển kinh tế - xã hội, chưa thực sự phát huy vai trò động lực cho phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Số lượng TSTT của Vĩnh Long, đặc biệt là sáng chế chưa nhiều, giá trị tài sản còn nhỏ.

Việc thương mại hóa TSTT còn ít được quan tâm, chủ yếu diễn ra ở phạm vi hẹp về ngành nghề, tập trung ở công nghệ của nước ngoài.

Các TSTT khác như: nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp tăng mạnh trong những năm gần đây, tuy nhiên chưa có nhiều doanh nghiệp xây dựng được các thương hiệu mạnh, thương hiệu tầm cỡ quốc gia, quốc tế.

Các loại hình thương hiệu cộng đồng được đăng ký dưới dạng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý đang gặp khó khăn khi đưa vào quản lý, khai thác và phát triển.

Những tồn tại, hạn chế này xuất phát từ nhận thức việc sử dụng quyền SHTT làm công cụ phát triển khoa học công nghệ và sản xuất kinh doanh còn hạn chế, do vậy các tổ chức, doanh nghiệp chưa quan tâm xây dựng chính sách SHTT hay quản lý TSTT; nguồn nhân lực cũng như nguồn kinh phí cho hoạt động SHTT còn hạn chế.

Mối quan hệ hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu - các chủ thế sáng tạo với doanh nghiệp cũng còn hạn chế.

Do đó, kết quả nghiên cứu tạo ra chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, hạn chế về địa chỉ ứng dụng. Ngược lại, các chủ thể sáng tạo cũng dè dặt trong nhận đặt hàng từ phía doanh nghiệp do năng lực nghiên cứu chưa đáp ứng các yêu cầu về chất lượng.

Mặc khác, các tổ chức, doanh nghiệp chưa hiểu rõ về thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, thời gian xử lý đơn kéo dài; việc xử lý cũng nhiều khó khăn do tình trạng xâm phạm quyền ngày càng phức tạp, tinh vi.

Các dịch vụ thông tin SHTT chưa đáp ứng đầy đủ cho các nhu cầu nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cũng như phát triển sản xuất, kinh doanh.

Vì vậy, để hệ thống SHTT của tỉnh Vĩnh Long phát triển toàn diện, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đáp ứng được các yêu cầu mới trong bối cảnh thúc đẩy kinh tế tri thức, phát triển bền vững, việc xây dựng kế hoạch cụ thể, nghiên cứu đề xuất các biện pháp thực hiện “Chiến lược SHTT đến năm 2030” và chương trình phát triển TSTT tại tỉnh Vĩnh Long là hết sức quan trọng và cần thiết.

Giải pháp thực hiện chiến lược SHTT

Trong giai đoạn 2021 - 2025, mục tiêu cụ thể trong kế hoạch thực hiện chiến lược SHTT là tối thiểu 60% sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của tỉnh và 40% sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (chương trình OCOP), sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sau khi được bảo hộ; số lượng đơn đăng ký sở hữu trí tuệ (sở hữu công nghiệp, giống cây trồng) tăng trung bình 25% - 30%/5 năm so với giai đoạn 2016 - 2020.

Đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Long thuộc nhóm 5 tỉnh dẫn đầu của ĐBSCL về bảo hộ, khai thác quyền SHTT; hiệu quả thực thi pháp luật SHTT trên địa bàn tỉnh được nâng cao rõ rệt, tình trạng xâm phạm quyền SHTT giảm đáng kể.

TSTT mới của cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh gia tăng cả về số lượng và chất lượng, cụ thể: số lượng đơn đăng ký sáng chế trên địa bàn tỉnh đạt từ 5- 10 đơn/năm; văn bằng bảo hộ sáng chế đạt từ 2- 4 văn bằng/năm; số lượng đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp tăng trung bình 4- 6%/năm; số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu tăng trung bình 10- 15%/năm; số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng đạt từ 2- 5 đơn/năm.

Hiệu quả sử dụng quyền SHTT được nâng cao và gia tăng đáng kế số lượng sản phẩm có hàm lượng SHTT cao: số lượng TSTT hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được chuyển giao chiếm từ 8- 10% các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được nghiệm thu hàng năm; số lượng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ trên địa bản tỉnh đạt 3- 5 văn bằng; doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên quyền tác giả, quyền liên quan phấn đấu đến năm 2030 đóng góp khoảng 3- 5% GRDP của tỉnh.

Để thực hiện hoàn thành các mục tiêu đề ra, cần sớm hoàn thiện chính sách, pháp luật về SHTT như: xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ các hoạt động xác lập quyền và khai thác quyền SHTT trên địa bàn tỉnh; xây dựng quy chế hỗ trợ để triển khai chính sách hỗ trợ hoạt động xác lập quyền và khai thác quyền SHTT; lồng ghép các nội dung, giải pháp thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền SHTT trong các đề án, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh một cách phù hợp và nhất quán.

Song song đó, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về SHTT; tập trung đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền SHTT bằng việc xây dựng chương trình phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan tư pháp trong việc bảo vệ quyền SHTT trên địa bàn tỉnh; tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền SHTT đặc biệt là hành vi xâm phạm quyền SHTT trong môi trường kỹ thuật số; tích cực và chủ động phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm về SHTT; nâng cao hiệu quả công tác điều tra các vụ án hình sự về SHTT trên địa bàn tỉnh; khuyến khích giải quyết các tranh chấp về SHTT bằng hình thức trọng tài, hòa giải; khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chủ động tự bảo vệ quyền SHTT của mình; tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về SHTT cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ quyền SHTT trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, thúc đẩy các hoạt động tạo ra TSTT qua việc xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ theo hướng tạo ra kết quả nghiên cứu được bảo hộ quyền SHTT, gắn liền với các chính sách hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền SHTT đã được HĐND tỉnh ban hành; triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền SHTT đã được HĐND tỉnh ban hành; tổ chức các khóa tập huấn cho doanh nghiệp nghiệp về tạo dựng và khai thác quyền SHTT trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra cũng cần có các giải pháp về hình thành văn hóa SHTT;  khuyến khích, nâng cao hiệu quả khai thác TSTT; phát triển các hoạt động hỗ trợ về SHTT; tăng cường nguồn nhân lực cho hoạt động SHTT...

Chiến lược SHTT đến năm 2030 và chương trình phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh Vĩnh Long sẽ là kim chỉ nam để các cơ quan, ban ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân của tỉnh triển khai thực hiện các hoạt động SHTT, khai thác TSTT một cách hiệu quả để xây dựng thương hiệu của tỉnh và góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

TS. VƯƠNG ĐỨC TUẤN- PHÓ CỤC TRƯỞNG CỤC CÔNG TÁC PHÍA NAM BỘ KHOA HỌC- CÔNG NGHỆ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh