Thiếu liên kết, chưa có nhiều vùng nguyên liệu tập trung, sản xuất còn manh mún, công nghệ sản xuất, chế biến chưa hiện đại… là những điểm nghẽn, rào cản khiến nông sản gặp khó khi tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu. Để nâng tầm giá trị nông sản Việt Nam, nhiều giải pháp mang tính tổng thể, lâu dài được đưa ra tại hội thảo "Nâng tầm giá trị nông sản Việt Nam", ngày 12/9.
|
Nông sản đồng bằng đứng trước nhiều cơ hội lẫn thách thức. |
Thiếu liên kết, chưa có nhiều vùng nguyên liệu tập trung, sản xuất còn manh mún, công nghệ sản xuất, chế biến chưa hiện đại… là những điểm nghẽn, rào cản khiến nông sản gặp khó khi tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu. Để nâng tầm giá trị nông sản Việt Nam, nhiều giải pháp mang tính tổng thể, lâu dài được đưa ra tại hội thảo “Nâng tầm giá trị nông sản Việt Nam”, ngày 12/9.
Những cái “thiếu và yếu” làm khó nông sản
Theo PGS.TS Võ Thành Danh- Trường Kinh tế- ĐH Cần Thơ, hầu hết các tỉnh ĐBSCL đều có lợi thế về tài nguyên nông nghiệp, đa dạng các loại nông sản: lúa, thủy sản, cây ăn trái, cây công nghiệp…
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp đồng bằng chưa phát triển theo yêu cầu, chưa chuyên môn hóa cao, sản xuất còn manh mún, công nghệ chưa hiện đại nhiều, phần lớn là xuất khẩu nông sản thô.
Về cung- cầu- thị trường nông sản, sản xuất “tự nhiên” là chính, thị trường nội địa bão hòa, thị trường quốc tế chưa nhiều do tiêu chuẩn nông sản còn thấp; liên kết cung- cầu còn yếu… dẫn đến kênh phân phối chưa phát triển cao. Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, cho biết: Thời gian qua, tình trạng nông dân sản xuất và bán nông sản thông qua thương lái vẫn phổ biến, giá cả thường không ổn định, chi phí sản xuất ngày càng tăng do thiếu sự liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp và HTX. Các hợp đồng liên kết thiếu bền vững, ràng buộc pháp lý chưa cao.
Trong quá trình thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vẫn còn xảy ra một số bất cập, tỷ lệ diện tích cây trồng được cấp mã số vùng trồng chưa cao, mới chỉ tập trung ở một số cây ăn trái chủ lực…
Chia sẻ về những khó khăn trong xuất khẩu mặt hàng trái cây, đại diện Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Vina T&T cho biết: So với các nước xuất khẩu trái cây như Thái Lan, trái cây Việt Nam vẫn còn những mặt hạn chế.
Cụ thể, trái cây Việt Nam chưa đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, vẫn dính dư lượng thuốc BVTV khi xuất khẩu đi các thị trường khó tính; chuỗi cung ứng không hiệu quả và chi phí vận chuyển, chi phí sản xuất cao, sản xuất không tập trung; tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch cao; thời gian sử dụng ngắn…
Theo Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, nông nghiệp Việt Nam nói chung và trái cây nói riêng vẫn còn những khó khăn, thách thức.
Đó là nhiều loại giống cây trồng, vật tư đầu vào còn phụ thuộc vào nhập khẩu, vùng nguyên liệu chưa tập trung, quy mô sản xuất còn nhỏ và manh mún, công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch chưa phát triển, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định và chưa đa dạng, yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao với các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe.
Riêng với ĐBSCL, mặc dù là vùng sản xuất và xuất khẩu trái cây chiếm diện tích và giá trị lớn nhất cả nước, ngoài những thách thức nêu trên còn phải đối mặt với tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, chưa có nhiều doanh nghiệp thực sự tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, xuất khẩu trái cây còn gặp nhiều khó khăn.
Nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm và liên kết
Tại hội thảo, nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất các giải pháp cụ thể của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các doanh nhân... để nông sản của ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung phát triển bền vững, lên tầm cao mới.
Bà Dương Thị Hồng Nga- Quản lý chất lượng Công ty TNHH Quốc Thảo (xã Thanh Đức, huyện Long Hồ), cho biết: Để mở rộng và đứng vững trên thị trường quốc tế ngày càng khó tính, công ty đã không ngừng cải thiện chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng của FDA, HACCP, ISO 22000.
Chất lượng và an toàn thực phẩm là yếu tố quan trọng trong việc chế biến và xuất khẩu nông sản. Sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn thực phẩm không chỉ đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng mà còn giúp tạo niềm tin và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó cũng phải áp dụng những công nghệ mới, không ngừng cải tiến để tăng năng suất, giảm giá thành, mới có thể cạnh tranh với các nước đối thủ như Thái Lan, Trung Quốc…
Theo ông Nguyễn Văn Liêm, việc đẩy mạnh liên kết tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu nông sản sẽ hướng đến hình thành chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; phát triển HTX trở thành nhân tố kinh tế quan trọng trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm kết nối các thành phần kinh tế trong chuỗi giá trị, nhất là với doanh nghiệp; xây dựng các liên hiệp HTX có cùng nhóm sản phẩm hoặc cùng tham gia chuỗi giá trị nhằm tăng quy mô, hiệu quả sản xuất.
Thời gian tới, Vĩnh Long sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, đề xuất phát triển và tăng cường liên kết phải xuất phát từ quan điểm phát triển chuỗi nông sản, trước hết cần phải thống nhất đồng bộ tất cả các khâu từ sản xuất- thu mua- chế biến và xuất khẩu đến người dân và HTX.
Đồng thời, tỉnh chú trọng đào tạo gắn với quy hoạch nhằm phát huy lợi thế so sánh của địa phương và nâng cao thu nhập cho người lao động ở nông thôn, trong đó ưu tiên đào tạo các đối tượng tham gia liên kết trong sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng nông sản chủ lực.
|
Cần nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển bền vững nông sản. |
Để nâng cao giá trị nông sản ĐBSCL, PGS.TS Võ Thành Danh cho rằng, cần có chiến lược quốc gia về phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; chuyển sang mô hình kinh tế nông nghiệp; xây dựng các tập đoàn, tổng công ty mạnh về khoa học công nghệ; xây dựng ngành công nghiệp giống hiện đại.
Bên cạnh đó, cần hình thành các mô hình sản xuất theo chuỗi cung ứng với doanh nghiệp là hạt nhân và nông dân là các “vệ tinh”. Ngoài ra, xúc tiến thị trường cho các thị trường bậc cao tiềm năng; củng cố liên kết ngang về phát triển hệ thống HTX…