Thúc đẩy phát triển khuyến nông cộng đồng

05:09, 11/09/2023

Khuyến nông cộng đồng (KNCĐ) có vai trò rất quan trọng, góp phần đáp ứng nhu cầu sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân, từng bước thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên để phát triển các tổ KNCĐ và nhân rộng mô hình khuyến nông hiệu quả, cần nhiều giải pháp, hỗ trợ cần thiết nhằm thu hút nguồn nhân lực thực hiện.

(VLO) Khuyến nông cộng đồng (KNCĐ) có vai trò rất quan trọng, góp phần đáp ứng nhu cầu sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân, từng bước thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên để phát triển các tổ KNCĐ và nhân rộng mô hình khuyến nông hiệu quả, cần nhiều giải pháp, hỗ trợ cần thiết nhằm thu hút nguồn nhân lực thực hiện.

Hệ thống khuyến nông đã có những đóng góp tích cực và quan trọng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Hệ thống khuyến nông đã có những đóng góp tích cực và quan trọng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Nhiều đóng góp tích cực

Ngày 25/3/2022, Bộ Nông nghiệp-PTNT đã ban hành Quyết định số 1094/QĐ-BNN-KN phê duyệt Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ KNCĐ.

Đề án đã triển khai thành lập thí điểm 26 tổ KNCĐ tại 13 tỉnh, thành thuộc 5 vùng nguyên liệu. Trong đó, khu vực ĐBSCL có 5 tỉnh, thành tham gia đề án gồm: Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An với 10 tổ KNCĐ và hiện đã mở rộng thêm 356 tổ.

Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, đến tháng 9/2023, 100% các tỉnh triển khai đề án đã có quyết định ban hành quy chế mẫu cho các tổ KNCĐ.

Toàn bộ 13 tỉnh vùng dự án đã nhận thức được sự cần thiết phải củng cố, hoàn thiện hệ thống khuyến nông cơ sở trên cơ sở kiện toàn các tổ chức đã có.

Bên cạnh đó, một số tỉnh ngoài vùng đề án thí điểm đã củng cố hệ thống khuyến nông cơ sở thông qua xây dựng tổ KNCĐ như Bình Phước, Ninh Thuận, Vĩnh Long, Hậu Giang...

Ông Lê Quốc Thanh- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cho biết: Qua hơn 1 năm triển khai đề án đã mở rộng thêm tại 30 tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước, thành lập được 3.500 tổ KNCĐ. Tại nhiều địa phương còn có sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Kết quả của đề án đến thời điểm hiện tại là ngoài sự mong đợi. Hiện nay, mặc dù đang ở giai đoạn thực hiện thí điểm nhưng các địa phương đã liên tục nhân rộng tổ KNCĐ với hình thức hoạt động đa dạng.

Tại Vĩnh Long, ông Phan Thanh Long- Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh (Sở Nông nghiệp-PTNT) cho biết: Ngay khi Bộ Nông nghiệp-PTNT triển khai thí điểm thành lập tổ KNCĐ, tuy không nằm trong đề án nhưng Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh cũng đã căn cứ vào hướng dẫn của ngành chuyên môn đã triển khai đến các địa phương và giao cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh làm đầu mối để xây dựng các tổ KNCĐ.

Theo đó, tỉnh đã có 100% xã thành lập tổ KNCĐ với 67 tổ, bước đầu đã triển khai hoạt động trên địa bàn xã, cung cấp dịch vụ sản xuất nông nghiệp, tư vấn hoạt động khuyến nông, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật…

Không để các tổ khuyến nông cộng đồng “tự bơi”

Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, hệ thống khuyến nông đã có những đóng góp tích cực và quan trọng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn nước ta.

Khuyến nông là cầu nối giữa Nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học với hộ dân, thị trường, là hệ thống tư vấn, phổ biến kiến thức, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cung cấp thông tin, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cho nông dân…

Đến nay, đã có rất nhiều tổ KNCĐ hoạt động hiệu quả. Nhiều tổ KNCĐ đã kết nối được với doanh nghiệp góp phần xây dựng, phát triển các HTX sản xuất và hướng tới xây dựng các vùng nguyên liệu bền vững.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác khuyến nông còn gặp không ít khó khăn, thách thức và thiếu tính bền vững.

Theo ông Lê Quốc Thanh, nguyên nhân do thời gian qua còn thiếu các văn bản hướng dẫn và thiếu cơ chế hỗ trợ về tài chính... nên các địa phương tổ chức xây dựng hệ thống khuyến nông chưa đồng bộ và thống nhất, đặc biệt nhiều tỉnh, thành đã giải thể đội ngũ khuyến nông viên xã, cộng tác viên khuyến nông thôn, bản.

Mặt khác, năng lực của đội ngũ khuyến nông còn hạn chế, công tác khuyến nông còn nặng về chuyển giao kỹ thuật, chưa chú trọng đúng mức đến phát triển thị trường, liên kết theo chuỗi giá trị…

Để tránh tình trạng phát triển “nóng” tại các địa phương, Trung tâm Khuyến nông quốc gia vẫn đang tiếp tục xây dựng và đúc rút kinh nghiệm từ kết quả thực tế để điều chỉnh các nội dung hoạt động cho phù hợp, trong đó, cần phát triển KNCĐ tại cấp cơ sở.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Trần Thanh Nam cho biết: ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp năng động nên hoạt động khuyến nông rất đa dạng, do đó cần tổng kết, bổ sung, hoàn thiện vào hoạt động khuyến nông cho cả nước.

Các địa phương, ngành chức năng, các doanh nghiệp cần phối hợp, đồng lòng xây dựng nội dung hoạt động cho các tổ KNCĐ hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu các địa phương.

“Các địa phương và ngành nông nghiệp khi xây dựng đề án thành lập các tổ khuyến nông độc lập cần có chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể; trong đó, cần phải có các nội dung hỗ trợ cho nông dân về thông tin thị trường, tổ chức các lớp tập huấn về các mô hình sản xuất, về ứng dụng công nghệ số…

Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông quốc gia cần tìm nguồn kinh phí từ chương trình xây dựng NTM để hỗ trợ kinh phí cho lực lượng khuyến nông tại các địa phương hoạt động hiệu quả. Nguyên tắc xây dựng cán bộ KNCĐ là tự nguyện, trách nhiệm, công khai, dân chủ và có sự giám sát của cộng đồng và Nhà nước.

Các doanh nghiệp cần phối hợp với lực lượng này để tổ chức cho nông dân sản xuất hiệu quả, đúng định hướng. Cán bộ KNCĐ chính là trung gian kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở nghiên cứu khoa học, đào tạo, nhà khoa học và doanh nghiệp”- Thứ trưởng Trần Thanh Nam lưu ý.

Bài, ảnh: TRÀ MY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh