Thời gian qua, hoạt động khuyến công từng bước khẳng định được vai trò trong việc thúc đẩy công nghiệp nông thôn (CNNT) phát triển, góp phần thực hiện công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Sản phẩm từ các hoạt động hỗ trợ khuyến công địa phương cũng đang dần nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, có chỗ đứng trên thị trường.
Nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn được hỗ trợ kinh phí khuyến công đạt hiệu quả cao. Ảnh minh họa |
Thời gian qua, hoạt động khuyến công từng bước khẳng định được vai trò trong việc thúc đẩy công nghiệp nông thôn (CNNT) phát triển, góp phần thực hiện công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Sản phẩm từ các hoạt động hỗ trợ khuyến công địa phương cũng đang dần nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, có chỗ đứng trên thị trường.
“Luồng sinh khí” mới cho công nghiệp nông thôn
Thời gian qua, tỉnh đã phát huy mọi nguồn lực và động lực để phát triển nhanh, bền vững và toàn diện cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế hướng đến nền kinh tế xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và chủ động hội nhập quốc tế.
Trong đó, ngành công thương đã triển khai các nhiệm vụ trọng tâm theo định hướng phát triển công thương bền vững trên cơ sở phát huy các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng và lợi thế của tỉnh.
Nổi bật là hoạt động khuyến công từng bước khẳng định được vai trò trong việc thúc đẩy CNNT phát triển. Đồng thời tạo động lực hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp CNNT nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh.
Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (thuộc Sở Công Thương), các cơ sở CNNT dần phát huy hiệu quả sau khi nhận hỗ trợ từ chương trình khuyến công, một số sản phẩm đã được nâng cao chất lượng, kiểu dáng, bao bì và tạo lập được thị phần trên thị trường.
Theo kế hoạch, năm 2023, hoạt động khuyến công với kinh phí hỗ trợ trên 2,6 tỷ đồng tiếp tục hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, dây chuyền công nghệ vào sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp; tham gia hội chợ, triển lãm trong nước; tư vấn, hỗ trợ các cơ sở CNNT thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói,…
Theo ông Lê Hùng An- Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, các đề án triển khai tốt và cũng là giải pháp giúp các doanh nghiệp, cơ sở CNNT ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Có những đề án mang tính đại diện cho cả địa bàn và mang lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội, môi trường… Hoạt động khuyến công đã được triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, hướng đến các sản phẩm chủ lực, tiềm năng và mang lại “luồng sinh khí” mới cho phát triển CNNT trên địa bàn tỉnh.
Sở Công Thương vừa trình UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ 7 đề án từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2023 và Đề án “Hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025”. Cụ thể, hỗ trợ các đề án: Tham gia hội chợ triển lãm trong nước; Trưng bày để giới thiệu, quảng bá sản phẩm; Ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào bảo quản bưởi năm roi tại HTX Sản xuất và Tiêu thụ bưởi năm roi Mỹ Hòa; Ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sấy hàng thủ công mỹ nghệ tại HTX Sản xuất và Chế biến cây lác Vũng Liêm; Ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất nước uống đóng bình, đóng chai tại Công ty TNHH MTV Sản xuất nước uống đóng chai Khánh Nguyên; Ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất nước đá tại hộ kinh doanh Cơ sở Sản xuất thương mại Thiên Phú; Hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu tại HTX Liên kết chuỗi thủy sản an toàn Vĩnh Long. |
Từng bước chinh phục thị trường
Được hỗ trợ từ công tác khuyến công ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp, Cơ sở Sản xuất tảo xoắn Mê Kông được hỗ trợ thuê tư vấn thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói, phục vụ nhu cầu phát triển sản phẩm.
Anh Văn Hữu Tài- chủ cơ sở, cho biết: Những bước đầu khởi nghiệp đã được hỗ trợ rất nhiều từ các chương trình, khuyến công địa phương.
Sự hỗ trợ tuy có nguồn vốn không lớn nhưng cũng góp phần động viên tinh thần khởi nghiệp của người trẻ trên chính mảnh đất quê hương mình. Đồng thời khuyến khích tư duy sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần phát triển các sản phẩm CNNT, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, tận dụng điều kiện sẵn có ở địa phương.
Trong khi đó, ông Lê Hùng An chia sẻ, mức doanh thu sau khi được kinh phí khuyến công hỗ trợ tăng trung bình khoảng 30% so với doanh thu trước khi được hỗ trợ như: cơ sở bún Ba Khánh, gạo Phước Thành IV, cơm sấy chà bông Nhật Quỳnh, khoai lang sấy Đông Phát Food,…
Một số sản phẩm đang trên đà phát triển tốt như: sản phẩm từ trái bưởi (vỏ bưởi sấy, mứt, trà và tinh dầu); khoai lang tím Bình Tân (sấy, bột, rượu, bánh quy); chôm chôm (mứt, rượu); snack nấm bào ngư,…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Văn Liệt cho biết, Vĩnh Long được biết đến có thế mạnh về nông nghiệp và được khẳng định qua các sản phẩm nông nghiệp chủ lực nổi tiếng, tạo nên vị thế thương hiệu riêng cho tỉnh.
Đến nay tỉnh đã công nhận 98 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3-4 sao; có 118 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, 18 sản phẩm cấp khu vực và 5 sản phẩm cấp quốc gia đã được công nhận. Các sản phẩm này đã cho thấy chất lượng cũng như thương hiệu ngày càng đứng vững trên thị trường, góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm chủ lực của địa phương.
Tỉnh đã ban hành Quy chế quản lý kinh phí và mức chi cụ thể cho hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và phê duyệt Chương trình khuyến công tỉnh Vĩnh Long đến năm 2025; Đề án Hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu đến năm 2025. Trong đó, có phân kỳ nhiệm vụ hàng năm để triển khai thực hiện. Cụ thể, Chương trình khuyến công tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025 tập trung hỗ trợ các địa phương phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng và lợi thế của tỉnh, sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm truyền thống, làng nghề nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh và nâng cao giá trị sản phẩm… |
Bài, ảnh: CÔNG NGÔN