Nông nghiệp vững đà tăng trưởng

07:09, 04/09/2023

Trong hơn 2 năm qua, dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, thiên tai diễn biến phức tạp, nhưng ngành nông nghiệp tỉnh vẫn giữ được vai trò là "trụ đỡ" quan trọng cho nền kinh tế.

 

 

Nông nghiệp có sự chuyển dịch đúng hướng, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.
Nông nghiệp có sự chuyển dịch đúng hướng, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Trong hơn 2 năm qua, dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, thiên tai diễn biến phức tạp, nhưng ngành nông nghiệp tỉnh vẫn giữ được vai trò là “trụ đỡ” quan trọng cho nền kinh tế.

Đạt được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đặc biệt là sự nỗ lực của ngành nông nghiệp và quyết tâm của nông dân, tạo nên dấu ấn phát triển quan trọng, góp phần nâng cao đời sống nông dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Nhiều gam màu sáng

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, thời gian qua, sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, từng bước khắc phục dần tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết trong sản xuất- tiêu thụ nông sản.

Bên cạnh đó, có nhiều chính sách thúc đẩy nông nghiệp phát triển; hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh và các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao; xây dựng mô hình sản xuất gắn với mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói phục vụ cho xuất khẩu nông sản hàng hóa; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm…

Một trong những dấu ấn góp phần tăng thêm giá trị ngành nông nghiệp thủy sản trong giai đoạn 2021-2022 là thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả.

Nếu như năm 2020 nông dân trong tỉnh đã chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu chuyên canh khoảng 20.000ha, thì hiện nay diện tích chuyển đổi tăng lên gần 30.000ha. Sự chuyển đổi này khẳng định Vĩnh Long đang đi đúng hướng trong mục tiêu chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Bên cạnh đó, hình thành nhiều vùng chuyên canh cây ăn trái có giá trị kinh tế cao góp phần tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, cải thiện đời sống nông dân (nhất là cây cam sành). Sản phẩm nông, thủy sản ứng dụng công nghệ cao và quy trình sản xuất tốt đạt khá; xây dựng và duy trì nhãn hiệu nông sản, mã số vùng trồng và sản phẩm OCOP được quan tâm thực hiện.

Mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cam, chú Nguyễn Văn Thanh (xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn), cho biết: “Trước đây tôi trồng lúa ít có lời, tôi chuyển sang trồng cam. Nhờ được tập huấn kỹ thuật, áp dụng khoa học vào sản xuất, tôi thấy có sự thay đổi rõ rệt, năng suất, chất lượng ngày một tăng dần lên, lợi nhuận trên cùng một diện tích sản xuất cũng cao hơn nhiều so với trước kia”.

Ông Nguyễn Văn Tám- Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Trà Ôn, cho biết: “Thời gian qua, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương phát triển mạnh, thu nhập người dân ngày càng cao. Trong đó, phát triển diện tích cây cam giúp cho đời sống người dân khấm khá hơn”.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh cũng chú trọng việc đưa công nghệ cao, công nghệ 4.0 vào các lĩnh vực sản xuất. Đặc biệt, trong những năm gần đây, số lượng các mô hình ứng dụng công nghệ cao ngày càng tăng, góp phần đáng kể vào việc nâng cao hiệu quả sản xuất.

Đây cũng là một trong những điểm sáng về nông nghiệp của tỉnh. Anh Nguyễn Trọng Nghĩa- Giám đốc HTX MekongGreen (TX Bình Minh), cho biết: Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao trong nhà kính, hệ thống tưới thông minh kết hợp hệ thống nhật ký điện tử, giúp cho dưa lưới sinh trưởng phát triển tốt hơn, ít bị ảnh hưởng của thời tiết bất thuận, ít sâu bệnh hại, tiết kiệm công lao động hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, giúp người tiêu dùng tin tưởng sản phẩm hơn.

Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao phát triển
Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao phát triển

Nỗ lực vượt khó

Có thể thấy, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất đã tạo nên dấu ấn mạnh mẽ cho sản xuất nông nghiệp với sản lượng và chất lượng gia tăng. Cùng với đó là hệ thống thủy lợi được đầu tư khép kín gần như toàn bộ diện tích đất nông nghiệp.

Đây là cơ sở góp phần đưa Vĩnh Long trở thành tỉnh đứng thứ 2 khu vực ĐBSCL sau tỉnh Kiên Giang, trong việc thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng khô hạn, xâm nhập mặn với tổng diện tích gần 20.000ha.

Đạt được những thành tựu này là nhờ được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, của Tỉnh ủy, UBND, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, của các địa phương và đặc biệt là sự hưởng ứng tích cực của người dân.

Những kết quả mà ngành nông nghiệp đã đạt được trong nửa nhiệm kỳ qua sẽ là động lực để ngành tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM; tạo bước đột phá trong cơ cấu ngành kinh tế, phấn đấu giá trị sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn này tăng bình quân từ 2-2,5 %/năm. Song, dù đạt được những kết quả khả quan, ngành nông nghiệp sẽ còn phải đối mặt, đương đầu với nhiều khó khăn, thử thách ở phía trước để tăng tốc về đích.

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, đánh giá: Nhìn chung, lĩnh vực trồng trọt có sự chuyển đổi phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Việc sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, an toàn thực phẩm được quan tâm và diện tích áp dụng ngày càng gia tăng, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; giá vật tư nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp vẫn ở mức cao, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; thời tiết diễn biến bất thường, El Nino nắng nóng gay gắt hơn...

Đây là những yếu tố sẽ tác động đến sản xuất, kinh doanh, đòi hỏi ngành nông nghiệp phải nỗ lực phấn đấu, tập trung nguồn lực, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, hoàn thành thắng lợi mục tiêu kế hoạch đề ra.

Ngành nông nghiệp tiếp tục nỗ lực vượt khó để giữ đà tăng trưởng.

Ngành nông nghiệp tiếp tục nỗ lực vượt khó để giữ đà tăng trưởng.

 “Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, nông nghiệp công nghệ cao để góp phần gia tăng giá trị và bảo đảm tính cạnh tranh, bền vững.

Tiếp tục hỗ trợ xây dựng các nhãn hiệu, thương hiệu nông sản và chương trình xúc tiến thương mại nông sản; truy xuất nguồn gốc, xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói nhằm đáp ứng tốt nhu cầu và tạo được nhiều kênh, thị trường tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước ổn định. Đồng thời, đẩy nhanh chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp gắn với thích ứng biến đổi khí hậu”- ông Nguyễn Văn Liêm cho biết thêm.

Bình quân giai đoạn 2021-2023, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp- thủy sản tăng 7,1 %/năm, cao hơn bình quân giai đoạn trước 3,1 điểm %. Giá trị thu hoạch trên một đơn vị diện tích trồng trọt và nuôi trồng thủy sản năm 2022 đạt 357 triệu đồng/ha/năm. GRDP bình quân đầu người ước đạt 76,51 triệu đồng (tăng 33,43% so với năm 2020, đạt 92,63% kế hoạch). Đời sống người dân nông thôn không ngừng được cải thiện.

Bài, ảnh: THẢO LY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh