Niềm vui tăng lương và nỗi lo tăng giá

05:09, 08/09/2023

Mức lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng từ đầu tháng 7. Nhiều người lao động chưa kịp vui đã phải tính toán, cân đối lại chi tiêu phù hợp trong bối cảnh giá nhiều mặt hàng tiêu dùng vẫn ở mức cao, một số mặt hàng đã tăng giá trong hơn tháng qua. Nhiều ý kiến mong muốn, Nhà nước cần có biện pháp quản lý giá hiệu quả để việc tăng giá không làm xáo trộn cuộc sống của người dân.

Cần lắm công tác quản lý nhà nước để kiểm soát, kiềm chế được lạm phát và giá cả không tăng theo lương.
Cần lắm công tác quản lý nhà nước để kiểm soát, kiềm chế được lạm phát và giá cả không tăng theo lương.

(VLO) Mức lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng từ đầu tháng 7. Nhiều người lao động chưa kịp vui đã phải tính toán, cân đối lại chi tiêu phù hợp trong bối cảnh giá nhiều mặt hàng tiêu dùng vẫn ở mức cao, một số mặt hàng đã tăng giá trong hơn tháng qua. Nhiều ý kiến mong muốn, Nhà nước cần có biện pháp quản lý giá hiệu quả để việc tăng giá không làm xáo trộn cuộc sống của người dân.

Niềm vui và nỗi lo tăng lương

Anh T.Q.N., viên chức của một cơ quan đặt tại Phường 8, TP Vĩnh Long chia sẻ, là người làm công ăn lương, việc được tăng lương là niềm vui vì có thêm thu nhập để chi tiêu, cải thiện mức sinh hoạt của gia đình. Mỗi tháng thu nhập của anh cũng tăng được thêm gần 1,2 triệu đồng.

Tuy nhiên, điều đáng lo là gần đây hầu như mọi thứ hàng hóa thực phẩm, tiêu dùng và một số dịch vụ… đều có xu hướng tăng.

Đặc biệt, giá xăng liên tục tăng mà không thấy xuống kể từ hôm tăng lương hồi đầu tháng 7 đến nay, đã tác động đến nhiều hoạt động, sinh hoạt của đời sống xã hội. “Mức lương cơ sở tăng, giá cả thị trường phải được giữ ổn định, thì việc tăng lương mới có giá trị với người lao động”, anh T.Q.N. trăn trở.

Cô V., giáo viên một trường tiểu học ở TP Vĩnh Long chia sẻ, lương vừa tăng, chưa kịp vui, thì đã phải tính toán để cân đối các khoản chi của gia đình vì giờ ra chợ cái gì cũng tăng.

Rau cải hồi đầu tháng 7 trên dưới 8.000 đ/kg, thì nay cũng đã tăng lên 10.000-12.000 đ/kg, giá thịt heo, thịt gà cũng tăng thêm khoảng 10.000-20.000 đ/kg, gạo tăng 3.000 đ/kg...

Mỗi thứ tăng một ít, nhưng cộng lại cũng thành một khoản chi không nhỏ. Nếu không cân đối “liệu cơm gắp mắm” thì sẽ thâm hụt vào các khoản khác của gia đình như tiền điện, nước, gas, chưa kể chi phí để chuẩn bị cho con bước vào năm học mới và đám tiệc phát sinh.

Còn Chị Th., ở Phường 9, thì “Trước đây, mỗi buổi đi chợ tôi tiêu hết khoảng 100.000đ, thì nay phải tăng thêm 20.000-40.000đ mới đủ mua thức ăn trong ngày cho gia đình 4 người ăn.

Mặc dù tiền ăn tốn thêm không là bao, nhưng tiền chi lặt vặt cho sinh hoạt gia đình mới nhiều, mà giờ cái gì cũng tăng. Hộp sữa bình dân tui mua uống cũng tăng 20.000đ, từ 170.000đ lên 190.000đ”.

“Hai vợ chồng tôi đều là viên chức nghỉ hưu, việc giá cả tăng như hiện nay khiến cuộc sống gia đình tôi vốn đã “thắt lưng buộc bụng” nay chật vật, vất vả hơn”, chị Th., chia sẻ thêm.

Anh Th., chủ cửa hàng bán bún bò Huế trên đường Hưng Đạo Vương (Phường 1, TP Vĩnh Long), chia sẻ, hầu hết các nguyên liệu đầu vào đều tăng so với trước. Bình gas 12kg tăng 40.000đ, từ 280.000đ lên 320.000đ; thịt bò tăng 10.000-20.000 đ/kg tùy loại, bún tăng 1.000 đ/kg; các loại gia vị như đường, bột ngọt, dầu ăn… đều tăng; tiền thuê mặt bằng kinh doanh tăng 5 %/tháng...

Mặc dù, các thứ đều tăng, nhưng anh vẫn bán giá không đổi và chấp nhận giảm bớt một phần lợi nhuận để chia sẻ khó khăn và giữ chân khách hàng.

Còn anh T., chủ cửa hàng kinh doanh gạo ở Phường 2, TP Vĩnh Long, cho biết, gần đây tất cả các mặt hàng gạo đều tăng từ 1.000-3.000 đ/kg, trừ gạo ST là không tăng. Riêng gạo cấp thấp như IR50404, gạo hàm châu tăng mạnh, tăng hơn 4.000 đ/kg.

Nếu như mấy tháng trước 2 loại gạo này chỉ trên dưới 11.000 đ/kg, thì nay đã hơn 15.000 đ/kg. “Mấy quán bán cơm lấy gạo của tui cũng than cái gì cũng tăng, thịt heo tăng 10.000-20.000 đ/kg, thịt gà công nghiệp tăng… cá các loại, tép, rau củ, chất đốt… đều tăng”, anh T. cho biết thêm.

Trò chuyện với ông Th., một cựu chiến binh ở xã Lộc Hòa (Long Hồ) cho hay “Nhà nước mới tăng lương hưu, giá lúa gạo cũng tăng, thấy phấn khởi vì 4 công lúa Thu Đông sắp thu hoạch, tưởng chừng niềm vui được nhân đôi, nhưng giờ cái gì cũng tăng, đặc biệt giá phân bón tăng cao, có loại tăng hơn 100.000 đ/bao 50kg, chưa kể thuốc trừ sâu bệnh… Tính ra, thì đâu cũng vào đấy, từ phá huề đến lỗ”, ông Th. chia sẻ.

Cần lắm công tác quản lý

Phải nhìn nhận rằng, việc tăng lương 20,8% cho công chức và 12% cho người về hưu là mức tăng cao nhất từ trước đến nay, là sự cố gắng rất lớn của Chính phủ trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam còn đang gặp nhiều khó khăn.

Nếu tăng lương mà giá cả hàng hóa cũng tăng theo, thì đời sống của người hưởng lương, người lao động nghèo sẽ không được cải thiện.
Nếu tăng lương mà giá cả hàng hóa cũng tăng theo, thì đời sống của người hưởng lương, người lao động nghèo sẽ không được cải thiện.

Đây là việc làm rất ý nghĩa và rất cần thiết nhằm tăng thêm một khoản thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động trong thời điểm hiện nay...

Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui, thì nhiều người cũng lo lắng vấn đề “té nước theo mưa”, giá cả hàng hóa tăng lên theo lương. Nếu tăng lương mà giá cả hàng hóa cũng tăng theo, thì đời sống của người hưởng lương cũng như người lao động nghèo sẽ không được cải thiện.

Đây là nỗi lo lắng của nhiều người, nhiều gia đình, nhất là người làm công ăn lương, lao động nghèo và rất mong muốn Nhà nước sớm có biện pháp thích ứng để có thể kiểm soát, kiềm chế được lạm phát và giá cả không tăng theo lương.

Do vậy, để việc tăng lương thực sự là niềm vui trọn vẹn, góp phần nâng cao đời sống, khuyến khích người lao động hăng say công tác, người dân mong muốn các cơ quan cần tăng cường các giải pháp kiềm chế lạm phát, bình ổn giá đi kèm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt về giá, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Các chuyên gia cho rằng Nhà nước phải “cầm trịch”. Những mặt hàng nào trong phạm vi quản lý, thì phải yêu cầu kê khai giá và kéo giá về mức hợp lý; tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng cấm, hàng giả; thực hiện nghiêm việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, kể cả khu vực siêu thị, nhất là ở chợ, hiện nay đang bị buông lỏng.

Đồng thời, cần tăng cường các giải pháp kiềm chế lạm phát ở mức hợp lý, bình ổn giá, kiểm soát chặt về giá, nhất là chặn đà tăng giá các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu của đời sống; tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường đối với các lĩnh vực về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn; chuẩn bị hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đảm bảo nhu cầu người dân; có chính sách hỗ trợ người dân về giá tiền điện, nước, tiền thuê nhà…

Bên cạnh, một giải pháp không kém phần quan trọng đó là cần làm tốt công tác truyền thông để giải quyết vấn đề tâm lý của xã hội.

Tâm lý của người dân bị ảnh hưởng càng nhỏ, càng tốt. Khi ấy các giải pháp về kiểm soát giá nêu trên sẽ phát huy tác dụng, giá cả ổn định, bảo đảm cho việc tăng lương cơ sở hàng năm thật sự có nhiều ý nghĩa và đạt mục tiêu mong muốn.

Bài, ảnh: HỒNG THANH (TP Vĩnh Long)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh