Giá xăng dầu tăng: Doanh nghiệp ngành vận tải tìm cách ứng phó

07:09, 26/09/2023

Giá bán lẻ xăng dầu vừa có cú tăng "sốc" trong kỳ điều chỉnh 21/9 vừa qua, ảnh hưởng ít nhiều đối với ngành vận tải. Các đơn vị, doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải đang tìm cách ứng phó, duy trì hoạt động.

 

Xăng dầu vừa có cú tăng “sốc”, góp phần làm tăng giá mạnh nếu tính từ đầu năm đến nay.
Xăng dầu vừa có cú tăng “sốc”, góp phần làm tăng giá mạnh nếu tính từ đầu năm đến nay.

Giá bán lẻ xăng dầu vừa có cú tăng “sốc” trong kỳ điều chỉnh 21/9 vừa qua, ảnh hưởng ít nhiều đối với ngành vận tải. Các đơn vị, doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải đang tìm cách ứng phó, duy trì hoạt động.

Giá xăng dầu tăng “sốc”

Từ 16 giờ ngày 21/9, liên Bộ Công Thương- Tài chính đã điều chỉnh giá xăng dầu trong nước, giá xăng RON95 tăng 877 đ/lít lên 25.748 đ/lít; xăng E5 RON92 tăng 726 đ/lít lên 24.197 đ/lít.

Tương tự, các mặt hàng dầu cũng tăng giá tại kỳ điều hành này. Dầu diesel tăng 539 đ/lít, có giá 23.594 đ/lít; dầu hỏa tăng 628 đ/lít, có giá bán mới 23.816 đ/lít và dầu mazut có giá 17.847 đ/kg sau khi tăng 143 đ/lít so với giá bán lẻ hiện hành.

Ở kỳ điều hành này, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới nêu trên và các quy định hiện hành, liên Bộ Công Thương- Tài chính quyết định không trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu. Đồng thời, chi sử dụng quỹ đối với 2 mặt hàng xăng, dầu diesel, dầu hỏa ở mức 300 đ/lít.

Như vậy, từ đầu năm, giá xăng đã trải qua 27 kỳ điều chỉnh. Trong đó có 16 lần tăng, 7 lần giảm và 4 lần giữ nguyên giá. Đến nay, so với thời điểm đầu năm, giá xăng E5 RON92 đã tăng khoảng 3.300 đ/lít; giá xăng RON95-III tăng khoảng 3.400 đ/lít.

Bộ Công Thương cho biết, thị trường xăng dầu thế giới trong kỳ điều hành lần này chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: lo ngại về nguồn cung xăng dầu thắt chặt sau khi Saudi Arabia và Nga gia hạn cắt giảm nguồn cung, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) sẽ tiếp tục thắt chặt thị trường trong mùa đông, triển vọng nhu cầu ở Trung Quốc không như mong đợi do tốc độ phục hồi kinh tế chậm chạp, tình hình lạm phát của nền kinh tế thế giới…

Doanh nghiệp vận tải tìm cách ứng phó

Trước khó khăn do chi phí vận hành tăng cao, giá xăng dầu thay đổi liên tục theo chiều hướng tăng, nhiều tài xế xe buýt tỏ ra “bất lực” nhưng vẫn cố gắng bám trụ với nghề để xe tiếp tục lăn bánh, không bỏ chuyến, bỏ bến.

Theo nhiều chủ xe các tuyến trong tỉnh không được trợ giá, hiện lượng khách sụt giảm đáng kể từ sau dịch COVID-19, với giá xăng dầu “neo” cao như hiện nay, thì hoạt động vận tải hành khách sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thậm chí rơi vào tình trạng thua lỗ.

Chú Nguyễn Văn Nghĩa- chủ xe tuyến Vĩnh Long- Vũng Liêm, cho biết, hơn 30 năm chở khách, đây lần đầu tiên chú thấy “bất lực” trước tình trạng vắng khách, giá xăng dầu tăng liên tục như bây giờ.

“Nếu hồi trước dịch COVID-19 khách đông, chạy khoảng 2 lượt thì tốn chừng 200.000đ tiền dầu, nay tổng chi phí vận hành tăng hơn 25%, rồi còn trả tiền nhân viên, bến bãi, bảo dưỡng xe… trong khi khách ngồi chưa đầy nửa xe. Có chuyến không một người khách, nên tất nhiên là phải chịu lỗ”- chú Nghĩa chia sẻ.

Trước tình hình khó khăn do lượng khách giảm, chi phí vận hành tăng cao do giá xăng dầu, nhiều chủ xe buýt tạm thời sử dụng giải pháp tăng thời gian nghỉ tại bến, nếu trung bình hoạt động theo tần suất 30 phút/chuyến thì các bác tài có thể “xê xích” thêm 5-10 phút/chuyến để cầm chừng đợi khách.

Chú Trương Ngọc Anh cho biết, chú đã chạy xe buýt không trợ giá hơn 20 năm, cứ 10 ngày chạy thì 10 ngày nghỉ. Bữa nào chạy có khách thì mừng, còn mà vắng khách thì cứ nghĩ ngày mai sẽ có khách.

“Bây giờ hầu như ai cũng có phương tiện cá nhân, khách vắng dần, tôi chỉ trông chờ vô vận chuyển hàng hóa. Chạy lỗ cũng phải chạy, ráng để xe chạy đều lượt, không chạy thì xe cũng hao mòn, hư hỏng. Tôi cũng từng nghĩ tới chuyện bán xe nhưng nghỉ rồi thì biết làm gì, bây giờ ở đâu cũng vậy. Đầu năm tới giờ cũng có vài bác tài chịu không nổi phải bỏ xe, bỏ bến rồi...”- chú Ngọc Anh tâm sự.

Trong khi đó, các doanh nghiệp vận tải lớn vẫn đang tìm cách để duy trì hoạt động. Đại diện một doanh nghiệp vận tải tuyến cố định Vĩnh Long- TP Hồ Chí Minh cho biết, tạm thời chưa tính đến phương án tăng giá vé nhưng với tình hình sắp tới, nếu xăng dầu tiếp tục tăng cũng sẽ báo cáo, đề nghị tăng giá vé để bù lỗ.

Tình hình kinh doanh dịch vụ vận tải thời gian gần đây gặp rất nhiều khó khăn, vừa không có khách, vừa phải cạnh tranh khốc liệt và chịu nhiều chi phí khác nhau, chi phí xăng dầu cũng tăng mạnh. Do đó, việc tăng giá vé là cần thiết ở hiện tại nhưng về lâu dài, cần có những giải pháp căn cơ hơn, đặc biệt là các giải pháp kéo giảm chi phí vận tải.

Trong khi đó, anh Trương Bửu V. (Phường 1, TP Vĩnh Long) cho biết, hiện tại, giá dịch vụ vận chuyển theo hợp đồng đối với xe từ 5-7 chỗ đã tăng khoảng 100.000đ để bù vào khoảng chênh lệch xăng dầu. “Chúng tôi lên giá dịch vụ cũng chỉ để bù vào chi phí phát sinh, chứ cũng không dám tăng nhiều vì sự cạnh tranh và giá cả thì người thuê dịch vụ đều nắm rõ”- anh V. nói.

Bài, ảnh: THẢO TIÊN- KHÁNH DUY

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh