Đón "làn sóng" đầu tư mới

05:09, 21/09/2023

Vừa qua, Khu công nghiệp (KCN) Vĩnh Thạnh- VSIP Cần Thơ chính thức khởi động. Đây là KCN Việt Nam- Singapore (VSIP) đầu tiên tại ĐBSCL, không chỉ thúc đẩy định hướng xây dựng mô hình KCN thông minh và bền vững, mà còn gợi mở cho các địa phương của vùng trong việc tận dụng, khai thác thế mạnh nhằm thu hút và đón "làn sóng" đầu tư mới.

 

Vĩnh Long có thế mạnh nguồn nguyên liệu nông sản, tiềm năng chế biến lớn.
Vĩnh Long có thế mạnh nguồn nguyên liệu nông sản, tiềm năng chế biến lớn.

Vừa qua, Khu công nghiệp (KCN) Vĩnh Thạnh- VSIP Cần Thơ chính thức khởi động. Đây là KCN Việt Nam- Singapore (VSIP) đầu tiên tại ĐBSCL, không chỉ thúc đẩy định hướng xây dựng mô hình KCN thông minh và bền vững, mà còn gợi mở cho các địa phương của vùng trong việc tận dụng, khai thác thế mạnh nhằm thu hút và đón “làn sóng” đầu tư mới.

Khai thác tiềm năng thu hút đầu tư

Theo Cổng thông tin điện tử TP Cần Thơ, KCN Vĩnh Thạnh- VSIP Cần Thơ được quy hoạch với tổng diện tích 900ha, tọa lạc tại giao điểm chiến lược giữa các tuyến cao tốc trục dọc và trục ngang của ĐBSCL, giáp ranh 3 tỉnh: Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang. Dự án triển khai giai đoạn 1 khoảng 300ha. VSIP Cần Thơ định hướng xây dựng theo mô hình KCN thông minh và bền vững.

Bên cạnh việc sở hữu kết cấu hạ tầng hiện đại, các dự án KCN của VSIP luôn hướng đến mô hình công nghiệp xanh với những cam kết bảo vệ môi trường cùng các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi tái tạo năng lượng sạch, năng lượng mặt trời và giảm thiểu rác thải, khí thải, phù hợp với định hướng phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Theo Bộ KH-ĐT, VSIP là một trong những nhà đầu tư lớn của Việt Nam với các KCN tại 9 tỉnh, thành trên cả nước, quy mô diện tích khoảng 8.000ha, vốn đầu tư gần 2 tỷ USD. VSIP trở thành hình mẫu của quan hệ hợp tác kinh tế tốt đẹp giữa Singapore- Việt Nam.

Đó là tiền đề xây dựng một hệ sinh thái KCN, không chỉ tạo điều kiện phát triển các dự án công nghiệp, mà kèm theo là hệ sinh thái của các dự án dịch vụ, tiện ích logistics, tiện ích cho người lao động, hướng tới phát triển KCN một cách bền vững và hiệu quả.

Trong thời gian gần đây, các địa phương vùng ĐBSCL đặc biệt chú trọng khai thác những tiềm năng, lợi thế, tích cực cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện quy trình cũng như chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng để đón nguồn vốn đầu tư chất lượng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phương Lam- Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, vùng này cần có những chiến lược thu hút nguồn vốn đầu tư của cả doanh nghiệp trong và ngoài nước một cách hiệu quả, tận dụng triệt để các thế mạnh vốn có.

Bên cạnh các nhóm ngành trọng điểm như lúa gạo, thủy sản, rau quả, ĐBSCL đang có tiềm năng lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Nếu có thể phát triển được thì các lợi thế này sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho ĐBSCL, mà còn cả Việt Nam nói chung.

Các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng cho rằng vùng ĐBSCL là điểm đến đầy hứa hẹn của nhà đầu tư. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cho rằng bên cạnh hạn chế về kết cấu hạ tầng, thì sự thay đổi mạnh mẽ từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng là vấn đề doanh nghiệp mong chờ để yên tâm phát triển kinh tế.

Doanh nghiệp Nhật Bản là đối tác đầu tư lớn vào Vĩnh Long

Tại Vĩnh Long, theo tổng hợp từ Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp (Sở KH-ĐT), từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư được tỉnh tích cực triển khai. Đến cuối năm 2022, tỉnh có 70 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký 876,92 triệu USD.

Trong đó đáng chú ý, Nhật Bản hiện có tổng vốn đầu tư FDI vào tỉnh Vĩnh Long lớn nhất với 11 dự án, tổng số vốn đăng ký 213,8 triệu USD (trong đó, có 7 dự án đầu tư trong KCN). Các vị trí tiếp theo lần lượt là đảo quốc Seychelles với 133,5 triệu USD, Đài Loan (Trung Quốc) với 106,8 triệu USD, Hàn Quốc với 102,4 triệu USD…

Những tháng đầu năm 2023, tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức tiếp và làm việc với Văn phòng Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh (JETRO); đoàn công tác tỉnh Niigata- Nhật Bản đến khảo sát thực địa, tìm hiểu môi trường đầu tư, trao đổi về chủ trương và nhu cầu hợp tác.

Lĩnh vực đầu tư chủ yếu của doanh nghiệp FDI Nhật Bản là sản xuất thực phẩm, gia công thực phẩm, sản xuất và chế biến nông sản, cho thuê kho, dịch vụ kho bãi, lưu giữ hàng hóa, sản xuất máy công cụ, các linh kiện máy may và các linh kiện máy móc chính xác cỡ nhỏ…

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp Vĩnh Long sang thị trường Nhật Bản đạt 60,2 triệu USD, chiếm 8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là linh kiện sản xuất ô tô (chiếm 61,3%); còn lại là giày da, quần áo, balô túi xách, bóp ví.

Trong 7 tháng của năm 2023, kim ngạch xuất khẩu đạt 58,6 triệu USD, tăng 92,1% so với cùng kỳ năm 2022. Đối với nhóm ngành nông sản, tỉnh Vĩnh Long xuất khẩu sang Nhật chủ yếu là nấm và bắp non đóng hộp với kim ngạch xuất khẩu khoảng 250.000 USD trong năm 2022. Trong 7 tháng của năm 2023, giá trị xuất khẩu nông sản chế biến đạt 219.400 USD.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp tỉnh cũng gia công chế biến khoai lang và củ sen cho đối tác xuất khẩu sang Nhật Bản. Trong khi đó, Vĩnh Long nhập khẩu từ Nhật Bản linh kiện dùng để sản xuất phụ kiện ô tô chiếm 80%, còn lại là nguyên phụ liệu dệt may, nguyên phụ liệu dược phẩm.

Riêng 7 tháng của năm 2023, kim ngạch nhập khẩu đạt 23,8 triệu USD, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra hiện nay, tỉnh Vĩnh Long còn hợp tác với các đối tác Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực như giáo dục, lao động, y tế.

Vĩnh Long vận dụng chính sách mở cửa hội nhập quốc tế, tăng cường thu hút đầu tư phát triển kinh tế- xã hội.
Vĩnh Long vận dụng chính sách mở cửa hội nhập quốc tế, tăng cường thu hút đầu tư phát triển kinh tế- xã hội.

Cùng với các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, Vĩnh Long tăng cường giới thiệu cơ hội đầu tư, tiềm năng hợp tác phát triển kinh tế địa phương: cung cấp thông tin đến các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam về cơ hội đầu tư, tiềm năng hợp tác phát triển, danh mục các dự án mời gọi vốn đầu tư ngoài ngân sách nhằm tăng cường mời gọi nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư tại Vĩnh Long.

Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long vận dụng chính sách mở cửa hội nhập quốc tế, tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, hoạt động kinh tế đối ngoại, thực hiện cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, có chính sách ưu đãi, chế độ đãi ngộ cho các doanh nghiệp nhằm thu hút đầu tư FDI vào tỉnh. Cụ thể, tỉnh đã triển khai Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, Vĩnh Long luôn nhận định công tác ngoại giao kinh tế trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động đối ngoại, bao gồm cả hoạt động đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh