Cơ hội nào cho ngành thủy sản?

11:09, 14/09/2023

Trước những cơ hội và thách thức, để ngành thủy sản (TS) phát triển bền vững, cần có các giải pháp trọng tâm, cần thiết để thúc đẩy sản xuất.

 

Cần có giải pháp căn cơ để thúc đẩy phục hồi và phát triển ngành hàng thủy sản.
Cần có giải pháp căn cơ để thúc đẩy phục hồi và phát triển ngành hàng thủy sản.

Trước những cơ hội và thách thức, để ngành thủy sản (TS) phát triển bền vững, cần có các giải pháp trọng tâm, cần thiết để thúc đẩy sản xuất.

Thách thức trong tình hình mới

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Phùng Đức Tiến, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển TS, đặc biệt là nuôi trồng TS. Trong những năm gần đây, lĩnh vực TS đã có bước phát triển khá nhanh, theo hướng nâng cao hiệu quả, bền vững. Đồng thời, tiếp tục khẳng định vai trò đóng góp rất quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu chung của toàn ngành nông nghiệp.

Cụ thể, năm 2022, tốc độ tăng giá trị sản xuất TS tăng 3% so với năm 2021; kim ngạch xuất khẩu TS năm 2022 đạt kỷ lục 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021. Tính đến hết tháng 8/2023, kết quả sản xuất TS tiếp tục đảm bảo theo kế hoạch. Tổng sản lượng TS đạt 5,93 triệu tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được năm 2022, hiện nay ngành TS đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trở ngại. Cụ thể như: ảnh hưởng của tình hình chính trị, kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn so với dự báo, lạm phát ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, người dân thắt chặt chi tiêu, nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh trong đó có sản phẩm TS dẫn đến những khó khăn trong hoạt động xuất khẩu TS.

Bên cạnh đó, giá cả một số hàng hóa, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất TS vẫn còn ở mức cao, chi phí logistics cao gây áp lực đối với hoạt động sản xuất, đặc biệt là khi nhu cầu tiêu thụ chững lại và quy mô sản xuất bị thu hẹp. Nguồn nhân lực lao động phục vụ trong các nhà máy chế biến bị thiếu hụt cục bộ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp TS và người dân tham gia vào chuỗi sản xuất.

Trong khi đó, tình hình biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hiệu quả nuôi trồng TS. Tổ chức liên kết trong sản xuất còn hạn chế dẫn đến giá thành sản xuất cao và cân đối cung cầu thiếu ổn định. Đến hết tháng 8/2023, kim ngạch xuất khẩu TS Việt Nam ước đạt gần 5,682 tỷ USD, giảm 25,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Tại Vĩnh Long, theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, tỉnh tiếp tục thực hiện cơ cấu lại sản xuất TS theo hướng công nghiệp, thâm canh, an toàn thực phẩm.

Theo đó, các cơ sở nuôi đã quan tâm hơn về quy trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, áp dụng các biện pháp kỹ thuật giảm chi phí sản xuất, quản lý tốt ao nuôi. Việc liên kết sản xuất giữa cơ sở nuôi với doanh nghiệp sản xuất thức ăn, doanh nghiệp chế biến vẫn duy trì ổn định.

Tuy nhiên, thời gian qua, tình hình cung ứng con giống trong nuôi TS còn nhiều hạn chế, chất lượng con giống giảm, giá thức ăn đầu vào tăng, thời tiết thay đổi thất thường và một số hộ nuôi không còn vốn để tái sản xuất do thua lỗ từ các vụ nuôi trước.

Cơ hội cho ngành thủy sản

Theo Bộ Nông nghiệp-PTNT, đến thời điểm hiện tại, diễn biến thị trường đang có những tín hiệu tích cực tác động đến sản xuất và xuất khẩu TS như sự phục hồi của một số thị trường chính (Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc) trong 3 tháng gần đây; kết quả đánh giá hệ thống kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cá da trơn xuất khẩu của Cơ quan Kiểm dịch và An toàn thực phẩm Mỹ- FSIS có kết quả tích cực, khẳng định uy tín và thương hiệu cá tra Việt Nam, tạo động lực xuất khẩu cá tra sang thị trường này.

 Người nuôi thủy sản nâng cao ý thức, áp dụng các biện pháp kỹ thuật giảm chi phí sản xuất, quản lý tốt ao nuôi.

Người nuôi thủy sản nâng cao ý thức, áp dụng các biện pháp kỹ thuật giảm chi phí sản xuất, quản lý tốt ao nuôi.

Để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu những tháng cuối năm, nhiều ý kiến cho rằng, ngành nông nghiệp cần chủ động bám sát tình hình sản xuất tại địa phương, khả năng cung ứng nguyên liệu đầu vào cho chế biến; phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu TS Việt Nam (VASEP) trong đánh giá lượng nguyên liệu tồn kho, nhu cầu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu để tham mưu ngành nông nghiệp chỉ đạo sản xuất hiệu quả phục vụ chế biến, xuất khẩu.

Bên cạnh áp dụng kỹ thuật tiên tiến ở tất cả các khâu trong quy trình nuôi, cần tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng và phát triển thương hiệu để TS Việt Nam nâng cao giá trị gia tăng, khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.

Ông Trương Đình Hòe- Tổng Thư ký VASEP, cho rằng, doanh nghiệp cần xác định khoảng thời gian khá dài hoạt động cầm chừng. Mục tiêu quan trọng nhất của các doanh nghiệp hiện nay là duy trì lực lượng lao động có tay nghề cao, đủ khả năng đáp ứng yêu cầu sản xuất cho giai đoạn phục hồi.

Trong bối cảnh những thị trường chính sụt giảm sức mua, doanh nghiệp và hiệp hội đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại để khai thác hiệu quả dư địa của từng thị trường, kể cả thị trường nhỏ.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng: Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt và đòi hỏi ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu và nội địa về chất lượng, an toàn thực phẩm, giá bán giảm sâu dẫn đến khả năng tổ chức sản xuất chậm lại và có thể thiếu nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu các tháng cuối năm nay và đầu năm 2024.

Cần có các giải pháp căn cơ về tổ chức sản xuất, quản lý chặt chẽ yếu tố đầu vào, phương án giảm giá thành để tăng tính cạnh tranh về giá và đảm bảo an toàn thực phẩm đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường, nắm bắt cơ hội mới cho xuất khẩu TS Việt Nam để thúc đẩy sản xuất trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang dần phục hồi, nhu cầu tiêu thụ gia tăng.

Bài, ảnh: TRÀ MY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh