Gần đây, có thông tin Cục Tiêu chuẩn thực phẩm Anh (FSA) và Cục Tiêu chuẩn thực phẩm Scotland (FSS) cho rằng trái thanh long Việt Nam có dư lượng thuốc trừ sâu, tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
(VLO) Gần đây, có thông tin Cục Tiêu chuẩn thực phẩm Anh (FSA) và Cục Tiêu chuẩn thực phẩm Scotland (FSS) cho rằng trái thanh long Việt Nam có dư lượng thuốc trừ sâu, tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
FSA và FSS đang đề xuất đưa trái thanh long Việt Nam từ Phụ lục II (sản phẩm phải được xét nghiệm và được cấp giấy chứng nhận an toàn tại Việt Nam trước khi xuất khẩu) sang Phụ lục I (sản phẩm phải được xác minh và tái kiểm thực tế 50% tại cảng đến trước khi được phép lưu thông trên thị trường).
Trước thông tin này, Cục BVTV (Bộ Nông nghiệp-PTNT) cho biết, tính từ năm 2020 đến 7/2023, Văn phòng SPS Việt Nam (Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam) chưa nhận được thông báo vi phạm nào về các lô hàng thanh long tươi và đông lạnh xuất khẩu sang Vương quốc Anh.
Dù vậy, việc gia tăng hay giảm tần suất kiểm tra cũng là hoàn toàn bình thường trong thương mại nông sản quốc tế. Hiện, xuất khẩu thanh long của Việt Nam sang Anh vẫn diễn ra bình thường.
Theo ý kiến của một số chuyên gia, có thể đây là một giải pháp kỹ thuật của đối tác nhằm “làm khó” trái thanh long, cũng như đã từng xảy ra với một số mặt hàng nông sản xuất khẩu khác của Việt Nam.
Thực tế, vấn đề rào cản kỹ thuật trong thương mại dường như vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức từ người sản xuất và doanh nghiệp.
Việc những trái sầu riêng xuất khẩu bị đối tác cảnh báo vì thối hỏng do cắt non, nếu ngay từ khâu kiểm định được tiến hành nghiêm ngặt, tuân thủ tiêu chuẩn trước khi xuất khẩu thì những sản phẩm như vậy đã không “lọt lưới”.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, một số quốc gia đã nghiên cứu, nhanh chóng ứng dụng công nghệ sinh học tiên tiến để sản xuất được nhiều loại nông sản, trong đó có những trái cây tương tự Việt Nam như trái có múi, vải, thanh long, xoài…
Do đó, các nhà sản xuất, doanh nghiệp nên tránh việc “ăn xổi ở thì”, mà cần nắm bắt, cập nhật các thông tin thay đổi về các biện pháp vệ sinh dịch tễ (SPS) và hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để có sự chuẩn bị tốt nhất, vì những vụ việc như thanh long, sầu riêng... sẽ còn tiếp tục xảy ra.
LÝ AN