6 rào cản, khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam

02:09, 19/09/2023

Tiếp tục Phiên chuyên đề 1 của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn đã đưa ra 6 rào cản, khó khăn cơ bản của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. 

Tiếp tục Phiên chuyên đề 1 của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn đã đưa ra 6 rào cản, khó khăn cơ bản của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. 

“Sức khỏe” doanh nghiệp đáng báo động

Từ đầu năm 2023 đến nay, kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức to lớn bắt nguồn từ những bất ổn của tình hình kinh tế - chính trị toàn cầu. Trên bình diện quốc tế, lạm phát đang ở mức cao và các ngân hàng trung ương toàn cầu theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt.

Các căng thẳng về chính trị cũng ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ xuyên biên giới, làm gia tăng áp lực cho thương mại - đầu tư toàn cầu.

Tăng trưởng GDP nửa đầu năm 2023 của cả nước chỉ đạt 3,72%, là mức tăng trưởng trong 6 tháng thấp thứ hai trong vòng một thập kỷ qua. Mức tăng trưởng này chỉ cao hơn so với giai đoạn cùng kỳ của năm 2020 khi cả nước đang thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để ứng phó đại dịch Covid-19.

Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, theo ông Đậu Anh Tuấn, các doanh nghiệp Việt Nam đang đối diện với những thách thức lớn. Trong 8 tháng đầu năm 2023, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và tái gia nhập thị trường vẫn giảm nhẹ khoảng 0,03% so với cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý số doanh nghiệp ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường tăng đến 15,6% so với 8 tháng đầu năm 2022 lên tới 124,7 nghìn doanh nghiệp. Đây là một chỉ báo quan trọng cho thấy “sức khỏe” của khu vực doanh nghiệp đáng báo động.

Lần đầu tiên sau nhiều năm, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đã giảm so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm này thể hiện rõ ở các sản phẩm xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam từ sản phẩm điện tử, may mặc, đồ gỗ cho đến thủy hải sản…

Sự sụt giảm nhu cầu trên thị trường quốc tế nhanh chóng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam. Giá trị sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm sụt giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Chi phí sản xuất, kinh doanh cao làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp

Trong phần trình bày của mình, ông Đậu Anh Tuấn đã chỉ rõ 6 rào cản, khó khăn lớn của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay: 

Thứ nhất, chất lượng cơ sở hạ tầng đang cải thiện nhưng hiện vẫn chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế. Chất lượng hầu hết các loại cơ sở hạ tầng nhìn chung chậm cải thiện, với xu hướng đi ngang hoặc thậm chí giảm trong năm qua.

So với những quốc gia, Việt Nam đứng thứ 77 về chất lượng hạ tầng tổng thể, 103 về đường bộ, 83 về cảng, 103 về vận tải hàng không và 87 về cung ứng điện.

Các kết quả này nhìn chung kém cạnh tranh hơn khi nhà đầu tư đặt lên bàn cân so sánh với Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia hay Thái Lan.

Ngoài ra, một ví dụ điển hình về yếu kém cơ sở hạ tầng có thể kể đến như sự cố thiếu hụt điện nghiêm trọng tại miền Bắc Việt Nam trong tháng 5 và tháng 6 năm 2023, gây ra nhiều thiệt hại cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này cũng ảnh hưởng đến tâm lý, triển vọng thu hút đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới.

Thứ hai, một khó khăn truyền thống như: việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất kinh doanh cơ bản chưa thực sự thuận lợi.

Kết quả điều tra của VCCI và một số tổ chức cho thấy, trong năm 2022 tiếp cận vốn đã trở thành vấn đề lớn nhất với khoảng 55,6% doanh nghiệp phản ánh, tăng liên tục từ con số 34,8% của năm 2019, 40,7% của năm 2020 và 46,9% của năm 2021.

Quang cảnh Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023. Ảnh: Hồ Long
Quang cảnh Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023. Ảnh: Hồ Long

Điểm tích cực là mặt bằng lãi suất trên thị trường đã giảm đáng kể từ sau quý I.2023 nhờ những nỗ lực của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Kể từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành, giúp mặt bằng lãi suất hạ nhiệt.

Tại các ngân hàng thương mại, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã giảm nhờ vào thanh khoản hệ thống dồi dào. Tăng trưởng tín dụng bắt đầu nhích tăng kể từ tháng 6.2023.

Thứ ba, chi phí sản xuất kinh doanh cao làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Thực tế, các doanh nghiệp phản ánh chi phí kinh doanh tại Việt Nam hiện nay vẫn còn cao, gồm: các chi phí có liên quan đến lao động; chi phí tài chính cho Nhà nước ngoài thuế; chi phí vốn; chi phí vận tải, logistics.

Rào cản về chi phí kinh doanh cao làm giảm tính cạnh tranh và khả năng tích luỹ vốn của nền kinh tế Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là khả năng thu hút vốn đầu tư, khả năng tạo việc làm của nền kinh tế.

"Các chi phí cao này khiến Việt Nam có nguy cơ bị mất đơn hàng cho các quốc gia khác. Doanh nghiệp không đầu tư mới, tình trạng các doanh nghiệp phải cắt giảm lao động tăng lên.

Kết quả là chúng ta phải lo xử lý một bộ phận lớn người lao động mất việc làm, và việc này còn khó khăn hơn rất nhiều so với việc bảo đảm đời sống của những người lao động có việc làm. Do đó, việc thu hút vốn để tạo đủ việc làm cho nền kinh tế vẫn phải là mục tiêu hàng đầu", ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh. 

Thứ tư, chất lượng các quy định pháp luật cũng ảnh hưởng trực tiếp và quan trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và sự hấp dẫn của môi trường đầu tư.

Khảo sát doanh nghiệp hàng năm PCI cho thấy, tính ổn định và khả năng dự đoán được pháp luật của Việt Nam tương đối thấp, trong cả giai đoạn ban hành pháp luật và thực thi pháp luật. Thời gian qua nổi lên vấn đề lạm dụng ban hành Thông tư, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật.

Các đại biểu dự Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023. Ảnh: Lâm Hiển
Các đại biểu dự Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023. Ảnh: Lâm Hiển

Thứ năm, các doanh nghiệp sản xuất nội địa chưa phát triển mạnh mẽ và thiếu cơ chế hỗ trợ hiệu quả. So với doanh nghiệp các nước khác thì các doanh nghiệp Việt Nam gặp bất lợi khi chi phí vốn cao hơn rất nhiều, chưa có nguồn hỗ trợ tài chính hiệu quả trong khi lại chịu rào cản để có thể tiếp cận vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế.

Để tăng cường thu hút đầu tư vào các ngành tạo ra nhiều giá trị gia tăng, cần phải có các mức ưu đãi khác nhau đối với các loại sản phẩm khác nhau…

Thứ sáu, doanh nghiệp tư nhân trong nước còn gặp bất lợi so với doanh nghiệp xuyên biên giới. Các cơ quan Nhà nước yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam tuân thủ triệt để nhiều quy định quản lý dịch vụ trên mạng trong khi đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới lại không đáp ứng các quy định này.

Điều này gây bất bình đẳng trong kinh doanh, khiến các doanh nghiệp trong nước bị đội chi phí, kéo dài thời gian, công sức khi thực hiện các hoạt động kinh doanh.

Theo Lê Bình/ Báo Đại biểu Nhân dân

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh