Trong bối cảnh một số quốc gia có sản lượng xuất khẩu gạo lớn tạm dừng xuất khẩu, giá nhiều mặt hàng gạo trong nước có xu hướng tăng, theo các chuyên gia, đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào các thị trường truyền thống, mở rộng thị trường tiềm năng với giá bán tốt hơn.
|
Xuất khẩu gạo Việt Nam đứng trước cơ hội lớn. Ảnh minh họa |
Trong bối cảnh một số quốc gia có sản lượng xuất khẩu gạo lớn tạm dừng xuất khẩu, giá nhiều mặt hàng gạo trong nước có xu hướng tăng, theo các chuyên gia, đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào các thị trường truyền thống, mở rộng thị trường tiềm năng với giá bán tốt hơn.
Đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong tình hình mới
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 610/CĐ-TTg về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp-PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân và doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển giống lúa năng suất, chất lượng cao phù hợp yêu cầu thị trường, sử dụng hiệu quả thương hiệu và nhãn hiệu gạo Việt Nam.
Xây dựng các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến và chất lượng sản phẩm phù hợp với hội nhập quốc tế trong tình hình hiện nay; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất.
Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo, ổn định, bền vững, hiệu quả. Linh hoạt tổ chức, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, củng cố các thị trường xuất khẩu gạo truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Indonesia, khu vực châu Phi... và phát triển các thị trường mới, tiềm năng, các thị trường mà chúng ta đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA).
Ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV, cho biết: Ngay từ đầu năm chúng tôi đã dự báo trước những khả năng và chủ động các giải pháp thu mua, dự trữ và kế hoạch xuất khẩu.
Từ đầu năm đến nay, giá gạo trong nước tăng khoảng 20-25%. Từ những chính sách thay đổi trong việc sản xuất, kinh doanh xuất khẩu gạo thời gian qua đã tạo cho doanh nghiệp chủ động hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tư duy thị trường cũng tốt hơn”.
Cơ hội và thách thức
Hiện cả Nga và UAE không nằm trong top 10 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Song, việc thực hiện lệnh cấm xuất khẩu của hai quốc gia này, cùng với việc Ấn Độ (quốc gia chiếm 40% sản lượng gạo xuất khẩu trên thế giới) thông báo cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường, đã khiến thị trường gạo trên toàn cầu thêm nhiều biến động. Trên thị trường, giá gạo Việt Nam tăng lên mức cao nhất trong một thập kỷ qua.
Tính đến ngày 27/7, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam được giao dịch ở mức 558 USD/tấn, tăng 25 USD/tấn so với ngày 19/7 (phiên giao dịch trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo vào 20/7); gạo 25% tấm từ mức 513 USD/tấn phiên 19/7 cũng tăng lên 538 USD/tấn phiên 27/7.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu gạo lớn, đây là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào các thị trường truyền thống cũng như tìm kiếm các thị trường khác. Song ông Thành cũng đánh giá, các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu gạo không phải là bán được nhiều mà cần tập trung vào thị trường truyền thống, hạn chế rủi ro, dự tính lượng hàng để ký hợp đồng…
“Khoảng 207 doanh nghiệp của cả nước đủ tiêu chuẩn xuất khẩu gạo của Việt Nam cần nâng cao sự cạnh tranh ở mọi mặt để hạt gạo Việt Nam nâng cao chất lượng, có giá bán tốt trên thị trường. Riêng Phước Thành IV, thị trường xuất khẩu gạo truyền thống là Philippines và thị trường này rất ưa chuộng hạt gạo Việt Nam”- ông Thành chia sẻ.
|
Tuy nhiên, cần có sự quản lý chặt chẽ về tình hình tiêu thụ- dự trữ- xuất khẩu trong nước. Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, trước cơ hội lớn cũng có một số thách thức nhất định. Theo ông Thành, các nước tạm ngừng xuất khẩu gạo chủ yếu nhằm thúc đẩy thị trường nội địa và đảm bảo an ninh lương thực.
Do đó, ngoài việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo cũng cần có các phương án đảm bảo thị trường nội địa và an ninh lương thực trong nước. Việc này cần có sự quản lý chặt chẽ từ các cơ quan chức năng có thẩm quyền, quản lý quy định dự trữ kho của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
“Từ nay đến cuối năm, nếu các nước tạm ngừng xuất khẩu gạo không gỡ bỏ lệnh cấm thì giá gạo thế giới sẽ biến động rất lớn, vấn đề đảm bảo an ninh lương thực sẽ tăng cao. Do đó, tình hình tiêu thụ- dự trữ- xuất khẩu cần phải đảm bảo chặt chẽ, hạn chế thấp nhất đến đời sống của người dân”- ông Thành cho biết.
Bộ Công Thương cũng vừa có văn bản đề nghị hiệp hội và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo cần nghiêm túc quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo; thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định; báo cáo tình hình lượng lúa, gạo tồn kho, tình hình ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo. Đồng thời theo dõi sát tình hình thị trường thương mại toàn cầu…
Ông Nguyễn Trung Kiên-
Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết, hiện Vĩnh Long có 3 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu gạo. Sở sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, triển khai kịp thời các văn bản của Bộ Công Thương, quản lý hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo phù hợp với diễn biến tình hình thị trường đảm bảo an ninh lương thực, thường xuyên nhắc nhở các thương nhân xuất khẩu gạo duy trì mức dự trữ theo quy định.
|
Bài, ảnh: CÔNG NGÔN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin