Phòng trị bệnh vàng da trên cá tra

01:08, 22/08/2023

Ao nuôi cá tra của tôi gần đây xuất hiện dấu hiệu cá bị vàng da. Xin Bạn Nhà nông cho biết nguyên nhân cá bị bệnh và cách phòng trừ hiệu quả.

(VLO) Ao nuôi cá tra của tôi gần đây xuất hiện dấu hiệu cá bị vàng da. Xin Bạn Nhà nông cho biết nguyên nhân cá bị bệnh và cách phòng trừ hiệu quả.

Lâm Anh Tú (Xã Chánh An, huyện Mang Thít)

Anh Tú mến!

Bệnh vàng da, vàng kỳ trên cá tra thường xuất hiện cao điểm vào đầu mùa mưa, khoảng tháng 6-7 nhưng rộ nhất vào cuối màu nước đổ và các tháng trời lạnh. Bệnh xuất hiện ở mọi giai đoạn cá nhưng thường thấy ở cá 300-800g.

Nếu như trước đây bệnh vàng da, vàng kỳ trên cá tra được biết đến do ăn thức ăn chứa nhiều sắc tố gây vàng, môi trường nước dơ, nhiều tảo lam thì hiện nay bệnh này đang được nghiên cứu sâu hơn với nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do con giống, do quá trình nuôi sử dụng quá nhiều kháng sinh gây tích lũy trên gan, ký sinh trùng ký sinh gây tắc mật, độc tố nấm mốc trên thức ăn, môi trường nuôi kém không được quản lý tốt…

Khi cá tra bị bệnh vàng da, cá bơi lội lờ đờ trên mặt nước, không định hướng, phản ứng chậm với tiếng động, nổi đầu vào buổi sáng và giảm ăn, toàn thân cá có màu vàng nghệ, nhất là các vây, phần đầu và lườn bụng.

Bên trong xoang bụng cá có dịch vàng, mỡ màu vàng; gan vàng nâu đến xanh, sưng to, chai cứng; ruột không chứa thức ăn, có dịch vàng mùi hôi; thịt cá từ vàng nhạt tới vàng đậm.

Bệnh không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng thương phẩm khi xuất bán mà còn gây thiệt hại lớn với tỷ lệ chết cao. Do đó, để phòng bệnh, cần cải tạo ao nuôi thật kỹ trước khi thả cá nuôi tránh mầm bệnh còn sót lại dưới đáy ao.

Khi cải tạo ao phải khử trùng bằng vôi nung CaO liều cao, phơi đáy ao 3-7 ngày. Cá giống trước khi thả nuôi phải mổ thăm khám kiểm tra nội tạng, cá khỏe mạnh thì mới tiến hành thả nuôi.

Mổ khám cá định kỳ để kịp thời phát hiện cá có biểu hiện bất thường, định kỳ tẩy giun sán cho cá nuôi theo đúng loại thuốc, liều lượng và liệu trình. Cần bổ sung Sorbitol và vitamin C thường xuyên vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho cá, bổ trợ giải độc gan khi môi trường thay đổi, sau mỗi lần điều trị bệnh.

Thực hiện lắng, lọc và xử lý nước cấp để hạn chế mầm bệnh xâm nhập vào ao nuôi.

Không nên nuôi cá với mật độ quá dày, trong trường hợp cá nuôi bị bệnh, phải chẩn đoán đúng tác nhân gây bệnh để có biện pháp điều trị thích hợp, không được tùy tiện sử dụng kháng sinh và các hóa chất, nhất là những loại nằm trong danh mục cấm hoặc hạn chế sử dụng.

BẠN NHÀ NÔNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh