Ngân hàng hạ lãi suất: Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn

07:08, 29/08/2023

Hiện nhóm các ngân hàng lớn vừa công bố điều chỉnh lãi suất huy động giảm, góp phần kéo giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới. Nếu nắm bắt đúng thời điểm, doanh nghiệp (DN) cần chủ động giải bài toán "điểm nghẽn" hấp thụ vốn cũng như vận dụng các điều kiện để DN được hỗ trợ tối đa các chính sách tín dụng.

 

 

Doanh nghiệp có thể vận dụng điều kiện để được hỗ trợ tối đa các chính sách tín dụng. Ảnh minh họa
Doanh nghiệp có thể vận dụng điều kiện để được hỗ trợ tối đa các chính sách tín dụng. Ảnh minh họa

Hiện nhóm các ngân hàng lớn vừa công bố điều chỉnh lãi suất huy động giảm, góp phần kéo giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới. Nếu nắm bắt đúng thời điểm, doanh nghiệp (DN) cần chủ động giải bài toán “điểm nghẽn” hấp thụ vốn cũng như vận dụng các điều kiện để DN được hỗ trợ tối đa các chính sách tín dụng.

Lãi suất huy động giảm

Các ngân hàng nhà nước là: Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank đã công bố biểu lãi suất huy động mới, mức điều chỉnh từ 0,3-0,5% ở hàng loạt kỳ hạn và trở thành nhóm ngân hàng lãi suất thấp nhất thị trường.

Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương của Chính phủ về xem xét hạ lãi suất cho vay, giữa tháng 8, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2 %/năm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ DN, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5-2 %/năm trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao.

Đánh giá đây là thời điểm để các tổ chức tín dụng và DN “có tiếng nói chung”, ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long, cho biết, sau thời gian chịu ảnh hưởng dịch COVID-19 và phục hồi, hiện nay, thực hiện “sàng lọc”, nhiều DN đã cơ cấu lại tổ chức bộ máy và mô hình kinh doanh thích ứng hơn, sức cạnh tranh đã cải thiện.

“Hiện tại, DN cần phân tích đánh giá đầy đủ cơ hội, rủi ro, cấu trúc lại DN và xây dựng mô hình tăng trưởng thích ứng tốt hơn. Vận dụng liên kết hợp tác, tham gia vào chuỗi giá trị của các DN trong tỉnh và ngoài tỉnh có sức cạnh tranh cao. Nâng cao ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm đặc thù mới, dịch vụ mới. Đồng thời tìm kiếm thị trường mới, định hướng mô hình kinh doanh tiết kiệm chi phí hơn, hoạt động minh bạch hơn, ít rủi ro hơn”- ông Nam nói.

Doanh nghiệp cần vận dụng thời điểm

Mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng lớn hiện đã giảm sẽ “mở mũi” dẫn dắt mặt bằng lãi suất chung của cả ngành. Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại ở TP Vĩnh Long, hiện nay, tuy tình hình vay của các DN “còn yếu”, nguyên nhân chủ yếu là các DN chưa đáp ứng đủ nhu cầu theo quy định.

Tuy nhiên, thời gian tới sẽ khả quan hơn do một số quy định dần được tháo giãn, lãi suất cho vay dự báo cũng sẽ giảm theo. Tuy nhiên, DN cần củng cố lại hoạt động kinh doanh, đưa ra các phương án sản xuất bền vững để các tổ chức tín dụng thực hiện hiệu quả công tác cho vay, hỗ trợ vốn, nhất là các chính sách hỗ trợ từ trung ương đến địa phương.

Tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại, kết nối ngân hàng- DN năm 2023 vừa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Vĩnh Long tổ chức tại TX Bình Minh, thông tin được đưa ra là chỉ tiêu cho vay của các ngân hàng thương mại trên địa bàn hiện nay còn dồi dào, đáp ứng tốt cho các nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng.

Theo ông Nam, giải pháp để tăng trưởng tín dụng, về phía ngân hàng cần đẩy mạnh thông tin tín dụng và chính sách lãi suất đối với DN, phát huy vai trò tư vấn về quản lý tài chính, lập hồ sơ và lập dự án vay vốn ngân hàng để khách hàng sử dụng vốn vay hiệu quả. Đồng thời, giám sát tình hình sử dụng vốn vay của DN sau khi giải ngân theo quy định, đảm bảo vốn vay sử dụng đúng mục đích, giảm tỷ lệ rủi ro, góp phần tăng hiệu quả điều hành tiền tệ, kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Hiện chỉ tiêu cho vay của các ngân hàng thương mại trên địa bàn hiện nay còn dồi dào.  Ảnh minh họa
Hiện chỉ tiêu cho vay của các ngân hàng thương mại trên địa bàn hiện nay còn dồi dào. Ảnh minh họa

Đối với DN, cần phải tự xây dựng kế hoạch kinh doanh để có thể tiếp nhận được những điều kiện tốt và phù hợp, tăng năng lực cạnh tranh của mình. Bên cạnh, đánh giá lại chiến lược sản phẩm, marketing, nhân lực… nhằm nâng cao sức cạnh tranh.

“DN cần chấp hành nghiêm chỉnh Luật DN, Luật Kế toán và các quy định về tài chính, kế toán, thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm, cung cấp thông tin báo cáo chính xác và kịp thời cho các tổ chức tín dụng khi có yêu cầu. Đây được coi là cơ sở quan trọng để ngân hàng đầu tư vốn…”- ông Nam chia sẻ.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh