Thời gian qua, hoạt động chuyển đổi mô hình quản lý chợ được quan tâm thực hiện, mang lại hiệu quả thiết thực. Cùng với đó, việc chuyển đổi số cũng được thực hiện và xem đây là xu hướng tất yếu để chợ truyền thống phát triển ổn định, bền vững.
Hình thức mua sắm tại các chợ, sạp bán hàng truyền thống vẫn chủ yếu là mua trực tiếp, chưa bắt kịp với xu hướng chuyển đổi số. Ảnh minh họa: KHÁNH DUY |
Thời gian qua, hoạt động chuyển đổi mô hình quản lý chợ được quan tâm thực hiện, mang lại hiệu quả thiết thực. Cùng với đó, việc chuyển đổi số cũng được thực hiện và xem đây là xu hướng tất yếu để chợ truyền thống phát triển ổn định, bền vững.
Nhiều chợ chuyển đổi mô hình khai thác hiệu quả
Theo Sở Công Thương, trong năm 2022, toàn tỉnh xây dựng phát triển mới và nâng cấp sửa chữa 22 chợ, đạt 183% so kế hoạch (kế hoạch là 12 chợ).
Tổng nguồn vốn đầu tư gần 20,3 tỷ đồng. Trong đó, vốn doanh nghiệp, HTX hơn 13,4 tỷ đồng; vốn từ nguồn thu của chợ hơn 2,1 tỷ đồng; vốn ngân sách huyện gần 3,3 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ 657 triệu đồng và vốn hộ kinh doanh đóng góp 750 triệu đồng. Theo kế hoạch năm 2023, toàn tỉnh xây dựng nâng cấp, sửa chữa 14 chợ.
Trong khi đó, công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ từ ban quản lý sang doanh nghiệp hoặc HTX khai thác quản lý chợ, được các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện.
Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi 51 chợ sang mô hình doanh nghiệp, HTX kinh doanh, khai thác và quản lý chợ, trong đó có 24 doanh nghiệp (quản lý 32 chợ) và 12 HTX (quản lý 19 chợ) tham gia đầu tư xây dựng kinh doanh, khai thác và quản lý chợ; có 3 chợ hộ gia đình hiến đất xây dựng chợ nhận khoán quản lý và 1 chợ tư nhân.
Nhân viên một tổ chức tín dụng trong tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ tiểu thương chợ Vĩnh Long sử dụng các tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: TRẦN PHƯỚC |
Theo ông Nguyễn Trung Kiên- Phó Giám đốc Sở Công Thương, một số chợ đã chuyển đổi và đang khai thác có hiệu quả tốt như chợ TT Tam Bình (hạng 2), chợ Cái Ngang (hạng 2, huyện Tam Bình); chợ Vũng Liêm (hạng 2), chợ Hiếu Phụng (hạng 3), chợ Hiếu Nhơn (hạng 3) của huyện Vũng Liêm; chợ Cái Nhum (hạng 2), chợ An Phước (hạng 3) của huyện Mang Thít; chợ Phú Quới (hạng 2) của huyện Long Hồ;…
“Nhìn chung, qua kết quả thực hiện chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp và HTX kinh doanh, khai thác và quản lý chợ, đã mang lại hiệu quả khả quan, tạo tính chủ động trong công tác xây dựng và quản lý chợ, huy động được nguồn vốn trong doanh nghiệp, HTX để đầu tư cải tạo, nâng cấp mở rộng phát triển chợ, khai thác được các hoạt động tại chợ.
Đồng thời, các doanh nghiệp, HTX đã mở rộng phát triển quản lý thêm nhiều chợ, góp phần tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, HTX, tăng thu ngân sách từ chợ, đồng thời giảm nguồn vốn ngân sách chi cho hoạt động quản lý chợ hàng năm…”- ông Kiên cho biết.
Cần thiết chuyển đổi số ở chợ truyền thống
Theo Sở Công Thương, công nghệ phát triển, nhiều phương thức kinh doanh nở rộ trên không gian mạng, sự lên ngôi của việc bán hàng online trên các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, TikTok... và các ứng dụng mua sắm trực tuyến như: Shopee, Lazada...
Người tiêu dùng biết sử dụng công nghệ sẽ dễ dàng có thể mua được những món đồ mình thích mà không cần tốn thời gian ra chợ.
Những người có thu nhập, có nhu cầu mua, theo kịp xu hướng lại tập trung nhiều nhất ở độ tuổi từ 18-50, nhưng đa phần đều đi làm cả ngày, không có thời gian ra chợ nên họ thường tận dụng thời gian “lướt mạng” để có thể mua được món đồ yêu thích.
Song song đó, cùng sự xuất hiện của siêu thị, các cửa hàng tiện lợi phát triển mạnh đã “len lỏi” vào khu dân cư khiến chợ truyền thống đang mất dần ưu thế, ngày càng đìu hiu, ế ẩm.
Trước những lo lắng về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng giờ đây có nhiều lựa chọn và có xu hướng thích vào mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi do những điểm bán hàng này có không gian thoáng đãng, mát mẻ, sạch sẽ, hàng hóa đa dạng, phong phú, có xuất xứ rõ ràng, giá cả niêm yết công khai.
Thêm vào đó, tâm lý chung của nhiều người đặc biệt giới trẻ là ngại trả giá, không trả giá sợ mua bị “hớ”, trả giá không mua lại sợ bị nói, trong khi nhiều người bán lại “hét giá” quá mức, vì thế họ chọn mua hàng online vừa có sẵn giá, dễ dàng lựa chọn, thậm chí nhiều mặt hàng được trợ giá, “săn sale” có mức giá còn rẻ hơn. Đặc biệt, sức mua các mặt hàng thời trang ở các chợ truyền thống thời gian qua giảm rất nhiều.
“Hình thức mua sắm tại các chợ, sạp bán hàng truyền thống vẫn chủ yếu là mua trực tiếp. Không gian mua sắm tại các chợ vẫn còn nhỏ, một số nơi chưa đảm bảo các điều kiện về vệ sinh. Những điều này khiến cho nhiều mô hình chợ truyền thống gặp những khó khăn”- ông Kiên chia sẻ.
Vì thế, theo Sở Công Thương, công tác chuyển đổi số đối với chợ truyền thống là hết sức quan trọng. Đặc biệt là việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt cho tiểu thương tại chợ truyền thống hiện nay là hết sức cần thiết.
“Chợ 4.0 là hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh mua bán nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng tại chợ.
Giúp cho tiểu thương tiếp cận với công nghệ thanh toán hiện đại đang là xu hướng trên thế giới với những giá trị lợi ích cụ thể như: giảm rủi ro tiền rách, tiết kiệm công sức quản lý và đếm tiền lẻ, giảm thiểu thời gian đi lại và chờ đợi nạp, rút tiền tại ngân hàng, dễ dàng quản lý tiền bạc bằng công nghệ”- ông Kiên nói.
Theo Sở Công Thương, hiện nay Vĩnh Long có 1 chợ thực hiện mô hình chuyển đổi số là chợ Vĩnh Long. Thực hiện “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Sở Công Thương chỉ đạo Ban Quản lý Chợ Vĩnh Long phối hợp với Viettel Vĩnh Long triển khai mô hình thí điểm chợ 4.0- thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực chợ C và dãy trái cây đường 3 Tháng 2, chợ Vĩnh Long. Hiện có hơn 240 tiểu thương (chiếm 34,3%) trở thành điểm chấp nhận thanh toán của Viettel Money. |
KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin