Từ cuối tháng 6 âl, trên một số tuyến đường TP Vĩnh Long đã xuất hiện nhiều gian hàng bán bánh trung thu. Tuy nhiên, theo nhiều chủ cơ sở sản xuất tại Vĩnh Long, nguyên nhân giá nguyên liệu đầu vào tăng cùng dự báo sức mua hạn chế nên năm nay "vừa sản xuất vừa thăm dò thị trường".
(VLO) Từ cuối tháng 6 âl, trên một số tuyến đường TP Vĩnh Long đã xuất hiện nhiều gian hàng bán bánh trung thu. Tuy nhiên, theo nhiều chủ cơ sở sản xuất tại Vĩnh Long, nguyên nhân giá nguyên liệu đầu vào tăng cùng dự báo sức mua hạn chế nên năm nay “vừa sản xuất vừa thăm dò thị trường”.
Nhiều mẫu bánh trung thu với thiết kế sang trọng, bắt mắt. |
Giá nguyên liệu tăng
Theo chị Văn Ngọc Mỹ- chủ sạp gia vị Ông Chuối (Khu A, chợ Vĩnh Long): “Vì bây giờ có nhiều người thích tự làm bánh trung thu tại nhà hoặc kinh doanh bánh handmade nên họ đến chợ để tìm mua nguyên liệu.
Năm nay sức mua tăng dần từ giữa tháng 5 âl, giá một số nguyên liệu làm bánh trung thu cũng nhích lên nhẹ so với ngày thường”.
Tại chợ Vĩnh Long, giá nguyên liệu làm bánh trung thu như bột, nước đường, mè, hạt điều, lòng đỏ trứng muối bắt đầu tăng nhẹ từ 1.000-5.000đ so với ngày thường.
Cụ thể, nước đường giá 45.000 đ/kg, bột dẻo 40.000 đ/kg, mè 90.000-145.000 đ/kg, hạt điều loại 1 là 150.000 đ/kg, lòng đỏ trứng muối 4.000- 5.000 đ/trứng, mứt hạt các loại từ 60.000-150.000 đ/kg…
Giá một số nguyên liệu làm bánh trung thu tăng vô tình gây khó cho các cơ sở sản xuất bánh trung thu. Anh Lưu Quốc Vinh- đại diện cơ sở bánh trung thu Tân Quang (Phường 1, TP Vĩnh Long) cho biết: “Chi phí nguyên liệu đầu vào tăng khoảng 10-20%, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nên sản lượng bánh sản xuất năm nay cũng giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhưng chúng tôi vẫn cố gắng đảm bảo chất lượng bánh, giữ giá bán như mọi năm để thu hút khách hàng”.
Khởi động việc sản xuất bánh trung thu từ giữa tháng 6 âl, chú Trần Duy Linh- chủ Cơ sở Sản xuất bánh Hải Ký (Phường 1, TP Vĩnh Long) cho hay, giá một số nguyên liệu nhập từ TP Hồ Chí Minh như lòng đỏ trứng muối tăng 1.000 đ/trứng, đường cao cấp tăng hơn 2.000 đ/kg so với năm trước.
“Hiện tại chúng tôi vừa sản xuất vừa thăm dò thị trường, giá bánh cũng đã niêm yết, nguyên liệu cũng nhập từ từ, chỉ lo sắp tới giá nguyên liệu còn tăng thì sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận”- chú Linh nói.
Có kinh nghiệm kinh doanh bánh trung thu handmade hơn 3 năm, chị Ngọc Quyên (xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm) chia sẻ: “Mọi năm tôi hay mua nguyên liệu được chế biến sẵn về làm bánh.
Năm nay tôi tranh thủ mua đường, trứng vịt về tự làm nước đường, trứng muối trước khoảng 3-4 tháng, mứt, hạt, lạp xưởng các loại tôi cũng mua đồ tươi về tự làm cho tiết kiệm chi phí”.
“Vừa sản xuất vừa thăm dò thị trường”
Thị trường bánh trung thu vốn dĩ đã cạnh tranh, thì năm nay lại chịu ảnh hưởng bởi giá nguyên liệu đầu vào tăng, dự báo sức mua hạn chế do kinh tế khó khăn.
Tiết kiệm chi phí thuê mướn nhân công, không ra mẫu bánh mới, giảm số lượng gian hàng bày bán đang là đối sách của các cơ sở sản xuất bánh trung thu tại địa phương.
Thay vào đó, họ tiếp tục kinh doanh những sản phẩm đặc trưng, hạn chế việc tăng giá bán quá cao, chăm chút bao bì để tăng nhận diện thương hiệu, giữ chân khách hàng.
“Vẫn như mọi năm, cao điểm tiêu thụ bánh trung thu là từ mùng 8-15/8 âl, khách mua tới đâu thì chúng tôi sản xuất tới đó.
Vấn đề chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm là tiêu chí hàng đầu thu hút khách. |
Vấn đề cạnh tranh với các thương hiệu lớn hay giá cả biến động là điều không thể tránh khỏi, nên chúng tôi luôn cố gắng nâng cao chất lượng những mẫu bánh đang có, thay đổi bao bì, tận dụng nông sản địa phương để tiết giảm chi phí sản xuất, giữ hương vị đậm đà, quen thuộc với khách hàng”- chú Trần Duy Linh cho hay.
Anh Lưu Quốc Vinh cho biết: “Đầu vụ sức mua còn yếu nên khá lo lắng, hiện chúng tôi có 2 gian hàng bày bán trên đường Phó Cơ Điều và đường Nguyễn Huệ nhưng còn khá vắng khách.
Thông thường phải sau rằm tháng 7 âl thì sức mua bánh trung thu mới có dấu hiệu khởi sắc, chúng tôi cũng trông chờ vào đơn hàng đến từ các cơ quan, doanh nghiệp”.
Một nhân viên bán bánh trung thu Kinh Đô trên đường Phạm Thái Bường (Phường 3, TP Vĩnh Long) cho hay: “Hiện sức mua chưa bằng một nửa so với năm rồi. Dù vậy thì phải công nhận là các thương hiệu năm nay rất đầu tư về mẫu mã, chú trọng về dinh dưỡng, có thêm dòng bánh ăn kiêng ít đường”.
Đang chọn mua bánh trung thu làm quà tặng, chị Dương Ngọc Thoa (Phường 4, TP Vĩnh Long) tấm tắc khen thiết kế của đa số các mẫu bánh trung thu được trưng bày tại một gian hàng.
“Năm nào tôi cũng mua bánh trung thu cho 2 bên nội ngoại, nhưng năm nay thu nhập giảm nên tôi cũng cân nhắc dữ lắm, đứng đây chọn tới chọn lui mà vẫn chưa được”- chị Thoa nói.
Hiện tại, giá bán lẻ bánh trung thu Hải Ký như bánh đậu xanh, thập cẩm, giò heo bắc thảo, gà quay, bánh chay, khoai môn… tăng 3.000-10.000đ so với năm trước ở mức 63.000-310.000 đ/bánh; dòng thượng hạng giá 620.000-870.000 đ/hộp (tùy khối lượng).
Bánh trung thu Tân Quang có thêm combo đoàn viên, ấm áp, tinh tế giá từ 280.000-430.000 đ/hộp 4 bánh; riêng bánh 250g (2 trứng) giá không đổi so với năm trước.
Thương hiệu Kinh Đô với chủ đề “đá quý” cho các dòng bánh từ cao cấp đến bình dân như “trăng vàng black&gold”, “trăng vàng hoàng kim”, “trăng vàng pha lê”… có giá từ 670.000-5.000.000 đ/hộp; bánh truyền thống nhân gà quay sốt X.O, bào ngư, lạp xưởng, đậu hạt… giá 60.000-410.000 đ/bánh (tùy số lượng, khối lượng bánh). Năm nay, Kinh Đô cũng có thêm bánh ăn kiêng, lava trứng chảy, trung thu tuyết, bánh heo vàng.
Có thể thấy, người tiêu dùng ưa chuộng thiết kế độc đáo, sang trọng, vị bánh sáng tạo với đa dạng loại nhân, ít ngọt, kích thước bánh nhỏ... Song, vì trước rằm tháng 7 âl chưa phải là cao điểm tiêu thụ bánh trung thu, nên các cơ sở vẫn “vừa sản xuất vừa thăm dò thị trường”.
Bài, ảnh: THẢO TIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin