Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu

09:07, 28/07/2023

Trong bối cảnh giá cả hàng hóa ở mức cao, nhiều người tiêu dùng cho biết cố gắng thắt chặt chi tiêu, thậm chí "thắt lưng buộc bụng".

 

 

 Người tiêu dùng quan tâm chi tiêu hợp lý.
Người tiêu dùng quan tâm chi tiêu hợp lý.

Trong bối cảnh giá cả hàng hóa ở mức cao, nhiều người tiêu dùng cho biết cố gắng thắt chặt chi tiêu, thậm chí “thắt lưng buộc bụng”.

Câu chuyện giá hàng hóa tiêu dùng chưa bao giờ hết nóng khi mà thu nhập thường không theo kịp đà tăng giá, mặt bằng giá cao hơn so với thu nhập… Hai vợ chồng là công nhân KCN Hòa Phú, chị Nguyễn Thanh Hoa (ở xã Thạnh Quới, huyện Long Hồ) cho biết: “Lương chúng tôi (đã làm 6 năm) là 11 triệu đồng/tháng. Do có nhiều khoản chi nên tháng nào cũng hết, có tháng còn thiếu hụt”.

Chị Hoa nhẩm tính các khoản chi hàng tháng cho gia đình 5 người gồm: tiền gas, điện nước, wifi khoảng 900.000đ; gạo và gia vị khoảng 700.000đ; tiền mua đồ ăn khoảng 150.000 đ/ngày là hết 4.500.000 đ/tháng; tiền sữa, tiền tã cho con hơn 2 triệu đồng/tháng… Theo chị Hoa, so với 1-2 năm trước, giá hàng hóa nhiều thứ đã tăng lên, gom lại cũng hết vài trăm đến 1 triệu đồng/tháng nên phải cố gắng giảm chi.

Cũng là công nhân khu công nghiệp, chị Trương Tuyết Ngân (ở xã Phú Thịnh, huyện Tam Bình) chia sẻ, đối với vợ chồng có con nhỏ khoản chi nhiều nhất là tiền sữa, tã, chi phí gửi con.

Ngoài ra, còn phải dành riêng một khoản phòng khi bé không khỏe phải thăm khám bệnh. Chưa kể các chi phí khác như đám tiệc, sửa xe, thay nhớt… nên “sắp xếp chi tiêu rất đau đầu, phải tiết kiệm tối đa”.

Anh Lưu Công Văn (ở xã Song Phú, huyện Tam Bình) tâm sự: “Cuối năm được lương tháng 13 là phần dư dã nhất trong năm, nhưng các khoản chi dịp Tết cũng tăng theo so ngày thường”. Do đó, ngoài đi làm đều đặn thì mong được tăng ca và lên lương.

Chị Phạm Thùy Liên (ở xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ)- nhân viên ngân hàng, thì cho biết: “Riêng tiền đồ ăn của gia đình 5 người hồi cuối năm ngoái khoảng 500.000 đ/tuần (kể cả nếu ăn sáng tại nhà) thì hiện nay đã tăng lên thành 800.000-1.000.000 đ/tuần nên phải thắt chặt các khoản chi ăn rau trái nhà vườn giá mềm, chỉ những hàng hóa thật cần thiết thì mới mua.

Vừa kêu bao gạo thơm Jesmine 25kg với giá 370.000 đ/bao, chị Bích Ngọc (ở Phường 4, TP Vĩnh Long) thắc mắc với người bán “giá gạo lại vừa tăng lên hay sao, trước giá 350.000đ mà?”.

Chủ tiệm gạo Khải Hoàn (Phường 8, TP Vĩnh Long) cho biết, hơn 1 năm trước giá loại gạo này là 300.000 đ/bao, sau tăng lên 350.000, 360.000đ. Khoảng 1 tuần nay, lại tăng thêm 10.000 đ/kg, hiện cứ cách 1 ngày thì giá các loại gạo tăng thêm 200 đ/kg và chưa dừng lại.

Chị Ngọc bộc bạch: “Gạo đang tăng giá, trong khi hiện giá nhiều loại hàng hóa thiết yếu đang ở mức cao nên một mặt cố gắng làm việc để tăng nguồn thu, một mặt tui tính toán cắt bớt các khoản chi”. Theo chị Ngọc, ngành chức năng cần bình ổn giá hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu để giảm gánh nặng chi tiêu cho người dân.

Để góp phần ổn định chỉ số giá tiêu dùng, Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời đề nghị các sở, ngành, địa phương trong tháng 7/2023 và những tháng cuối năm 2023 cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội; 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Thực hiện hiệu quả công tác quản lý giá góp phần ổn định chỉ số giá tiêu dùng. Bên cạnh, tăng cường chỉ đạo công tác quản lý thị trường, theo dõi sát diễn biến thị trường, chủ động các phương án không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá hàng hóa thiết yếu, nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ sản xuất kinh doanh.

Cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, có giải pháp bình ổn thị trường.
Cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, có giải pháp bình ổn thị trường.

Theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1/7/2023, mức lương cơ sở của công chức, viên chức tăng từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng. Bên cạnh, việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) với các nhóm hàng, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất giá trị gia tăng 10% (còn 8%) áp dụng từ 1/7 đến hết năm 2023.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cần phối hợp với các địa phương để quản lý giá cả thị trường một cách sâu sát, buộc các điểm bán phải niêm yết giá đúng với giá thực tế.

Có như vậy, chính sách tăng lương, giảm thuế, giảm phí, giảm lãi suất mới phát huy được hiệu quả cho quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh, cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu đang có biến động nhằm đảm bảo an sinh xã hội.

Bài, ảnh: NAM ANH

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh