Thời gian qua, nhiều yếu tố khách quan đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Do đó, thời gian tới rất cần các chính sách, giải pháp hỗ trợ phù hợp, cụ thể và thiết thực, nhất là tiếp tục hỗ trợ DN tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi.
Tình hình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của các doanh nghiệp gặp khó khăn do nhiều yếu tố khách quan tác động. Ảnh minh họa |
(VLO) Thời gian qua, nhiều yếu tố khách quan đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Do đó, thời gian tới rất cần các chính sách, giải pháp hỗ trợ phù hợp, cụ thể và thiết thực, nhất là tiếp tục hỗ trợ DN tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi.
Doanh nghiệp than khó
Tỉnh Vĩnh Long hiện có hơn 3.300 DN đang hoạt động ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Khu vực DN đóng góp khoảng 38% GRDP và chiếm 15,07% tổng số lao động đang làm việc tại tỉnh. Cũng giống như nhiều tỉnh, thành trong cả nước, DN Vĩnh Long cũng đã và đang gặp nhiều khó khăn do những yếu tố khách quan mang lại.
Theo ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long, sau giai đoạn phục hồi ngắn thì tình hình kinh tế Vĩnh Long đang đối mặt với những thử thách lớn.
Thị trường thế giới ảnh hưởng đến đơn hàng của các DN FDI, kinh tế tư nhân trong tỉnh đang có xu hướng giảm. Bên cạnh khó khăn về chi phí tăng cao, dư địa tăng trưởng không nhiều, nguồn lực dự phòng không còn lớn… đã dần bào mòn sức khỏe của DN.
“Ngoài những nguyên nhân do biến động tình hình thế giới, địa chính trị còn có yếu tố thị trường, chuỗi sản xuất trong nước biến động, sức mua giảm, thay đổi hành vi tiêu dùng… ảnh hưởng sụt giảm sản xuất công nghiệp trong tỉnh”- ông Nam cho biết thêm.
Lãnh đạo một DN ngành may mặc ở TP Vĩnh Long cho biết, hiện nay tình hình xuất khẩu đã “bão hòa và dậm chân tại chỗ”. Các DN lo giữ vững mục tiêu kinh doanh là tốt chứ đừng nói đến việc doanh số xuất khẩu “bùng nổ” như những dự đoán trước.
“Tình hình chung là như thế, sản xuất và xuất khẩu phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố thị trường ngoài nước. Nếu có biến động sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất. Như trong lĩnh vực may mặc, giá trị xuất khẩu dường như không tăng mà còn ngày càng giảm”- lãnh đạo này cho biết.
Trong khi đó, bà Lê Trúc My- Giám đốc Công ty TNHH MTV My Tỷ Mai (TP Vĩnh Long) cho biết, một trong những khó khăn cụ thể chính là việc DN khó tiếp cận được nguồn vốn vay để tái thiết hoạt động sản xuất cũng như có được một nguồn vốn ổn định “sức khỏe của bản thân DN”.
“Lãi suất tuy có giảm, nhưng nhìn chung là khó tiếp cận hơn. Do vậy, khá nhiều đơn vị có quyết tâm phục hồi nhưng lực bất tòng tâm. Mặt khác, người tiêu dùng hiện nay cũng hạn chế chi tiêu nên việc kinh doanh các sản phẩm phục vụ nhu cầu trong nước cũng sẽ giảm theo”- bà My chia sẻ.
Liên quan đến các vấn đề khó khăn của các DN nhỏ và vừa (SME), vừa qua, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc làm việc với BCH Hiệp hội SME Việt Nam về tình hình hoạt động của hiệp hội, cộng đồng SME và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN.
Theo Hiệp hội SME, thời gian qua do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và các tác động từ tình hình thế giới khác, đơn hàng của các DN sụt giảm, đầu ra khó khăn, chi phí nguyên, nhiên, vật liệu vẫn cao… ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất, kinh doanh.
Cần nhiều giải pháp thiết thực
Cần có giải pháp hỗ trợ lãi suất vay vốn cho doanh nghiệp lẫn tiêu dùng. |
Các DN SME đã đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xem xét chỉ đạo, tạo điều kiện cho các DN tiếp cận vốn tốt hơn; tiếp tục giảm lãi suất, nới lỏng điều kiện cho vay; xem xét thành lập quỹ, dùng đòn bẩy tín dụng hỗ trợ vốn cho DN; cơ cấu lại các khoản nợ cho DN; có chính sách đào tạo quản trị DN; tạo điều kiện để các DN SME tham gia các chương trình, công trình, dự án có giá trị lớn… Qua đó, góp phần tháo gỡ khó khăn, giúp các DN SME phát triển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, những giải pháp vừa qua có thể chưa đáp ứng được hết các yêu cầu của sự phát triển và thời gian tới, cần phải quyết tâm, nỗ lực hơn nữa.
Thủ tướng cũng cho biết, một kết quả khảo sát 10.000 DN gần đây cho thấy 59,2% DN cho rằng khó khăn lớn nhất là về đơn hàng, 51,1% cho rằng khó khăn lớn nhất là về tiếp cận vốn; còn lại là những khó khăn trong đáp ứng thủ tục hành chính và quy định của pháp luật.
Đối với tỉnh Vĩnh Long, theo ông Nguyễn Tường Nam, để vượt qua khó khăn, ngoài chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế, giảm chi phí, DN cần có chính sách kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh đầu tư công, khai thác kết hợp chuỗi hàng hóa dịch vụ.
“Tùy đặc thù DN sẽ có cách lựa chọn vượt qua giai đoạn khó khăn như cơ cấu lại thị trường, cách thức phân phối, thiết kế lại sản phẩm dịch vụ phù hợp, tiết kiệm chi phí, liên kết các nguồn lực bên ngoài…
Ngoài ra DN cũng cần đánh giá những cơ hội mới, chuẩn hóa lại hệ thống quản trị và các nguồn nội lực, đặt vai trò mình trong môi trường hội nhập sâu rộng, định hướng chiến lược thích ứng phát triển bền vững lâu dài”- ông Nam cho biết.
Ngoài những giải pháp đã được Chính phủ và các bộ, ngành đã và đang thực hiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị ngành ngân hàng tiếp tục quyết liệt triển khai các nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, đặc biệt là triển khai chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng hơn thông qua tăng cung tiền, bảo đảm nhu cầu tín dụng, tăng trưởng tín dụng phù hợp, giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh điều kiện cho vay thuận lợi hơn, tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay…
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin