Những ngày đầu mùa mưa, Vĩnh Long xuất hiện nhiều đợt mưa trên diện rộng kéo dài. Theo dự báo tình trạng mưa giông và các loại hình thời tiết cực đoan kèm theo sẽ còn diễn biến phức tạp. Do đó, rất cần sự chủ động phòng tránh của từng cá nhân, đơn vị để bảo vệ tài sản, sức khỏe, an toàn tính mạng con người.
Việc chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó với các loại hình thời tiết cực đoan trong giai đoạn hiện nay là rất quan trọng. Trong ảnh: Một điểm sạt lở tại ấp Long Thạnh (xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn) xảy ra thời gian gần đây. |
Những ngày đầu mùa mưa, Vĩnh Long xuất hiện nhiều đợt mưa trên diện rộng kéo dài. Theo dự báo tình trạng mưa giông và các loại hình thời tiết cực đoan kèm theo sẽ còn diễn biến phức tạp. Do đó, rất cần sự chủ động phòng tránh của từng cá nhân, đơn vị để bảo vệ tài sản, sức khỏe, an toàn tính mạng con người.
Theo ngành chức năng, mùa mưa còn là khoảng thời gian thường xuyên xảy ra các hiện tượng thiên tai như: giông, lốc, sét, mưa lớn, ngập lụt, sạt lở…
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong những ngày tới, khu vực Nam Bộ, trong đó có Vĩnh Long, tiếp tục có mưa rào và rải rác có giông, cục bộ có mưa to đến rất to (mưa tập trung vào chiều và tối). Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, từ đầu năm đến nay mưa lớn, giông, sét đã làm hư hỏng 2 căn nhà, ước thiệt hại 50 triệu đồng. Đáng quan tâm, đã có 1 người tử vong vì thiên tai.
Do đó, việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh, ứng phó với các loại hình thời tiết cực đoan trong giai đoạn hiện nay là rất quan trọng để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân. Để chủ động ứng phó với thiên tai, tại nhiều địa phương, ngành chức năng cùng người dân đã sớm có kế hoạch ứng phó, sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn.
Với 9 con bò và khoảng 3 công vườn cây ăn trái nên hầu hết thời gian trong ngày, anh Hồ Chí Cường (xã Tân Hưng, huyện Bình Tân) đều ngoài vườn. Nhưng “vào mùa mưa, tôi rất cảnh giác, trời vừa chuyển mưa giông gió là nhanh chóng thu xếp công việc ngoài vườn tìm nơi trú tránh an toàn”- anh Cường cho hay.
Người dân chủ động ứng phó thiên tai, che chắn bảo vệ vật nuôi. |
Theo ngành chức năng, nhóm thiên tai giông sét và các hiện tượng thời tiết cực đoan kèm theo là một trong những nguyên nhân gây thiệt hại kinh tế lớn ở Vĩnh Long.
Theo thống kê, hàng năm tần suất xuất hiện các cơn dông từ 120-140 ngày, trong đó tập trung nhiều vào giai đoạn chuyển mùa, đặc biệt là đầu mùa mưa như hiện nay. Mưa giông với sức gió mạnh có thể làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa. Đáng chú ý, sét xuất hiện kèm theo những cơn giông nguy cơ gây thiệt hại lớn về tài sản và tính mạng người dân.
Ông Trương Thành Phước- Chủ tịch UBND xã Tân Long Hội (Mang Thít) cho biết: Vào mùa mưa, địa phương cũng tăng cường tuyên truyền vận động người dân rong mé các cây lớn ven sông, ven các trục lộ giao thông cũng như các cây lớn gần nhà có khả năng đổ ngã để hạn chế thấp nhất những thiệt hại, đảm bảo thực hiện tốt công tác huy động “4 tại chỗ” khi có thiên tai xảy ra.
Ông Nguyễn Văn Tám- Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Trà Ôn, cho biết: Thời gian qua, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã tăng cường chỉ đạo các thành viên thường xuyên bám sát địa bàn các xã để đôn đốc cơ sở chủ động triển khai và thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”; thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa bão, tăng cường thông tin cảnh báo kịp thời để người dân chủ động có biện pháp phòng tránh.
Mùa mưa bão thường gây nhiều thiệt hại về sản xuất, dân sinh. |
Ông Trần Quốc Vỹ- dự báo viên Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh, cho hay: Bước vào đầu mùa mưa, người dân cần chủ động theo dõi các bản tin dự báo thời tiết. Khi phát hiện các cơn mưa giông mà người dân đang di chuyển hay làm việc ngoài trời thì cần chủ động tìm nơi trú ẩn an toàn, tránh xa các đường dây điện, các trụ biến thế, đồng thời không sử dụng các thiết bị điện thoại di động.
Theo ngành chức năng, để chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, các cấp, các ngành, các địa phương cần nêu cao tinh thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm, làm tốt công tác phòng, chống, chủ động ứng phó, chuyển dịch mạnh mẽ từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa; nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo sớm, kịp thời, chính xác diễn biến thiên tai…
Đồng thời, tổ chức phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa các lực lượng, ứng phó kịp thời, có hiệu quả với mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra; thực hiện phòng, chống theo phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo an toàn về người và tài sản cũng như bảo vệ sản xuất.
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin