Nhu cầu tuyển dụng lao động tăng

06:05, 11/05/2023

Từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp (DN) có nhu cầu tuyển lao động (LĐ) tăng cao khi có nhiều đơn hàng sản xuất. Nhiều DN cũng mong muốn người LĐ sẽ được đào tạo bài bản hơn, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu sản xuất.

 

Từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp (DN) có nhu cầu tuyển lao động (LĐ) tăng cao khi có nhiều đơn hàng sản xuất. Nhiều DN cũng mong muốn người LĐ sẽ được đào tạo bài bản hơn, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu sản xuất.

Nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất là doanh nghiệp ngành may mặc tăng trong năm 2023.
Nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất là doanh nghiệp ngành may mặc tăng trong năm 2023.

Nhu cầu tăng

Dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng đối với một số DN, năm 2023 vẫn có nhu cầu lớn về nguồn LĐ, một số DN cũng đưa ra dự báo tình hình LĐ đến năm 2024.

Theo Ban Quản lý Các khu công nghiệp, năm 2023, tình hình nhu cầu tuyển dụng LĐ ở các DN trong các khu công nghiệp tăng cao, nhất là ở các DN ngành may mặc, giày da… Dự báo tổng nhu cầu tuyển dụng hơn 5.200 LĐ. Trong đó, một số DN có nhu cầu tuyển LĐ lớn như: Công ty TNHH Furukawa Automotive Systems Vĩnh Long khoảng 2.000 LĐ; Công ty TNHH May mặc Leader khoảng 1.000 LĐ; Công ty TNHH Bo Hsing khoảng 500 LĐ…

Bà Agnes Deng- Tổng Xưởng trưởng (Công ty TNHH May mặc Leader Việt Nam) cho biết, tình hình tuyển dụng LĐ ở đơn vị vẫn thực hiện thường xuyên. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, công ty sẽ tuyển thêm khoảng hơn 500 LĐ nữa để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh. “Do đặc thù của ngành sản xuất, từ nay đến cuối năm, nhiều đơn hàng sẽ ổn định, tình hình sản xuất cũng sẽ cần số lượng công nhân ổn định để duy trì hoạt động. Hiện công ty đang tuyển tất cả LĐ có hoặc không có tay nghề”- bà Agnes Deng cho biết.

Còn tại Công ty TNHH Bo Hsing, theo bà Bùi Thị Cẩm Tú- Giám đốc Quản lý hành chính nhân sự, căn cứ vào tình hình thực tế tại đơn vị, năm 2023, nhu cầu về nhân lực của công ty là 500 LĐ, tăng lên mức 2.300 LĐ. Trong khi đó, đến năm 2024, nhu cầu tại Bo Hsing là 3.000 LĐ do công ty mở rộng quy mô sản xuất.

Với nhu cầu tuyển dụng LĐ rất lớn để chuẩn bị mở rộng sản xuất ở giai đoạn 2, theo ông Nguyễn Trọng Hữu- Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Furukawa Automotive Systems Vĩnh Long, hiện công ty có khoảng 2.900 LĐ hợp đồng và khoảng 200 LĐ thời vụ. Dự kiến từ nay đến tháng 3/2024, công ty phải tuyển thêm khoảng 2.000 LĐ nữa để phục vụ nhu cầu sản xuất, bởi hiện nay, lượng đơn hàng của công ty rất nhiều.

“Hiện trung bình mỗi tháng chúng tôi tuyển thêm khoảng 100 LĐ để bố trí vào các chuyền mới cho giai đoạn 2 mở rộng nhà máy. Nguồn LĐ hiện nay cũng tương đối dồi dào. Ở đây, chúng tôi tuyển khoảng 80% LĐ nữ, còn lại là nam. Cũng theo thống kê, hiện có khoảng trên 80% là LĐ ở địa phương, còn lại là các tỉnh, thành khác”- ông Hữu cho biết.

Cần nâng “chất” nguồn lao động

Ngoài nhu cầu tuyển dụng lớn, để tránh tình trạng người LĐ “nhảy việc” ảnh hưởng đến hiệu suất LĐ, nhiều DN đã có các chính sách thu hút và giữ chân người LĐ.

Ông Nguyễn Thành Tài- Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh, cho biết thời gian qua, công tác bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, công nhân, LĐ, chăm lo đời sống cho người LĐ được các công đoàn cơ sở thực hiện tốt.

“Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh luôn chủ động xây dựng kế hoạch và giải pháp cụ thể để chỉ đạo các công đoàn cơ sở tổ chức thực hiện đạt kết quả tốt công tác bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người LĐ. Đặc biệt là phối hợp tốt với các ban ngành giám sát bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng cho công nhân LĐ, nhất là các chế độ chính sách…”, ông Tài cho biết.

“Hiện công ty đã áp dụng lương vùng II cho người LĐ, thực hiện đúng các quy định và chế độ chính sách cho người LĐ. “Có nhiều trường hợp, công nhân nhảy việc nhưng sau đó cũng quay lại làm việc với công ty do các chính sách đãi ngộ tốt hơn”, bà Agnes Deng chia sẻ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Hữu cho biết, người LĐ ngoài các chính sách lương, thưởng, đãi ngộ theo quy định thì còn nhiều “khoản” thưởng khác như sáng kiến, chuyên cần, thưởng các kỳ thi,… Ngoài ra, cơ hội thăng tiến trong công ty cũng luôn rộng mở, nhất là đối với người LĐ có quyết tâm, tay nghề và chịu khó học hỏi.

Tuy nhiên, ngoài nhu cầu tuyển dụng tăng, theo các DN, cũng cần nâng “chất” người LĐ để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Theo bà Agnes Deng, tuy hiện nay DN tuyển LĐ có hoặc không có tay nghề, nếu không có tay nghề, DN sẽ đào tạo. Song, cũng kiến nghị LĐ đã qua đào tạo ở các trung tâm dạy nghề, LĐ được giới thiệu thì cần “kéo dài thời gian đào tạo để người LĐ không khỏi bỡ ngỡ việc học với làm thực tế, có thể bắt tay vào làm ngay. Mặt khác cũng sẽ tiết kiệm được thời gian đào tạo lại cho DN”, bà Agnes Deng chia sẻ.

Cần nâng “chất” lao động đáp ứng nhu cầu sản xuất ngày càng cao của doanh nghiệp.
Cần nâng “chất” lao động đáp ứng nhu cầu sản xuất ngày càng cao của doanh nghiệp.

Do đặc thù của công ty cũng như văn hóa DN, “tuy không yêu cầu tay nghề đầu vào nhưng trong quá trình làm việc, công ty luôn theo dõi, đào tạo, rèn luyện về phong cách ăn mặc, kiểu tóc, tác phong làm việc, thái độ ứng xử, giờ giấc,…

Tất cả để rèn luyện tác phong làm việc công nghiệp, hiện đại cho người LĐ”- ông Hữu cho biết và kiến nghị, thời gian tới, các ngành chức năng cũng cần có những giải pháp nhằm từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng tay nghề cũng như tác phong làm việc cho người LĐ nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất ngày càng cao, nhất là đối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Vĩnh Long vừa tổ chức Ngày hội Việc làm- Giáo dục nghề nghiệp năm 2023. Đây là hoạt động nhằm kết nối thông tin tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, nhu cầu tìm kiếm việc làm, và nhu cầu tuyển dụng của DN. Theo lãnh đạo Sở Lao động-TB-XH, thời gian qua, công tác đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm của tỉnh tiếp tục có nhiều khởi sắc. Giai đoạn 2020-2023, trung bình hàng năm có trên 32.000 LĐ được đào tạo, tạo việc làm mới cho gần 25.000 LĐ.
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh