Xây dựng thương hiệu mạnh để cạnh tranh

03:04, 13/04/2023

Sở Công Thương vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đến năm 2025", nhằm góp phần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp (DN) về thương hiệu, khả năng tiếp cận khách hàng, mở rộng, phát triển thị trường trong và ngoài nước.
 

Doanh nghiệp xây dựng thương hiệu phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện đại, góp phần tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Doanh nghiệp xây dựng thương hiệu phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện đại, góp phần tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Sở Công Thương vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đến năm 2025”, nhằm góp phần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp (DN) về thương hiệu, khả năng tiếp cận khách hàng, mở rộng, phát triển thị trường trong và ngoài nước.
 
Tiếp tục hỗ trợ xây dựng thương hiệu
 
Từ nhiều năm qua, UBND tỉnh đã chú trọng việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho DN bằng nhiều chương trình thiết thực. Cụ thể, UBND tỉnh đã ban hành Đề án “Hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013- 2015”, tiếp đến là ban hành Đề án “Hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2020”…
 
Từ những cơ sở đó, đề án của Sở Công Thương nhằm tiếp tục hỗ trợ các DN, HTX, hộ kinh doanh xây dựng chiến lược phát triển và quảng bá thương hiệu. Qua đó nâng cao mức độ nhận biết của khách hàng, tăng cường độ trung thành của khách hàng đối với sản phẩm của DN, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu phù hợp với điều kiện của DN, tạo sự khác biệt với sản phẩm khác, giúp DN nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
 
Đề án còn góp phần nâng cao nhận thức của DN về thương hiệu để mở rộng, phát triển thị trường; góp phần chống cạnh tranh không lành mạnh; xây dựng và phát triển những thương hiệu, sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Long…
 
Năm 2023, ngành công thương sẽ tuyên truyền, phổ biến kiến thức về thương hiệu và sở hữu trí tuệ; hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu (thu thập thông tin, rà soát, thống kê thực trạng các nhãn hiệu, bao bì sản phẩm…); tư vấn, hướng dẫn thủ tục về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thiết kế nhận diện thương hiệu; hỗ trợ thuê tư vấn thiết kế mẫu mã, bao bì, đóng gói…
 
Theo ông Hồ Trung Nghĩa- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương), với nhiệm vụ là “đầu mối” giữa nhà sản xuất và nhà phân phối, có thể nói nếu sản phẩm đã có “thương hiệu” và “độ nhận biết thương hiệu đủ lớn” sẽ giúp cho DN, HTX, cơ sở sản xuất sản phẩm có điều kiện, lợi thế lớn để “lên kệ hàng” ở cả kênh truyền thống lẫn hiện đại.
 
“Như ở Vĩnh Long, khi nói đến bưởi năm roi TX Bình Minh, cam sành Tam Bình, khoai lang Bình Tân, chôm chôm Bình Hòa Phước, một số sản phẩm OCOP của tỉnh… thì rất nổi tiếng và có được lòng tin của người tiêu dùng. Do đó, trong công tác xây dựng thương hiệu cần phải làm thường xuyên, hiệu quả”- ông Nghĩa nhận xét.
 
Cần tầm nhìn lâu dài
 
Đến nay, Vĩnh Long đã có một số thương hiệu được xem là thương hiệu mạnh như gạo Phước Thành, bún Ba Khánh, bột mì Đại Nam, nước mắm Gia Hỷ, cam sành Khánh Nhân, vận tải Phú Vĩnh Long, du lịch Cửu Long, nước chấm Hòa Hiệp, chả lụa Thành Công, cơm sấy Nhật Quỳnh… Theo nhiều ý kiến, xây dựng thương hiệu mạnh sẽ góp phần tăng khả năng cạnh tranh ở cả thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt sẽ xây dựng được “một lớp DN mạnh, là đầu tàu phát triển kinh tế”.
 
Ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long, chia sẻ tỉnh cần có những chính sách đặc thù để hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu mạnh. “Để đảm bảo sản phẩm cạnh tranh tốt trên thị trường thì DN phải luôn thích nghi tốt với những thay đổi và biến động. Do đó, DN cần xây dựng hệ thống quản lý, lao động đạt năng suất cao. Đặc biệt là ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu và văn hóa DN”, ông Nam cho biết.
 
Trong khi đó, bà Lê Trúc My- Giám đốc Công ty TNHH MTV My Tỷ Mai, qua thăm dò thị trường, có thể nhận thấy hiện tại nhu cầu sử dụng hàng hóa của người tiêu dùng trong nước có xu hướng… “hướng ngoại”. Trong quá trình xây dựng thương hiệu, đơn vị cũng rất quan tâm đến yếu tố này để xây dựng “tên thương hiệu” hiện đại, phù hợp với thị hiếu cũng như xu hướng, thói quen tiêu dùng.
 
“Đặc biệt, các sản phẩm của công ty phân phối hơn 60% thông qua các kênh hiện đại như siêu thị, các trung tâm phân phối lớn. Do đó, thương hiệu cũng nên xét đến yếu tố phù hợp với hiện đại trong xu thế cạnh tranh toàn cầu, với nhiều hàng hóa của nhiều nhà sản xuất cũng na ná với mình”, bà My cho biết.
Theo Đề án “Hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đến năm 2025”, đối tượng được hỗ trợ là DN nhỏ và vừa, HTX, tổ hợp tác, hộ kinh doanh lĩnh vực công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp; cán bộ quản lý nhà nước, công chức, viên chức thuộc các sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện. Việc thực hiện đề án phải lồng ghép, ứng dụng kết quả đề tài khoa học cấp tỉnh “Xây dựng và phát triển thương hiệu DN Vĩnh Long” theo Quyết định số 775 của UBND tỉnh. Đề án có tổng kinh phí 270 triệu đồng, thực hiện trong năm 2023.
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh