Theo nhiều tiểu thương kinh doanh mặt hàng vải, quần áo may sẵn ở chợ Vĩnh Long, nhiều tháng nay, tình hình kinh doanh "rất ế ẩm" dù đã làm đủ mọi cách để duy trì.
Tình hình mua bán của tiểu thương mặt hàng vải, quần áo may sẵn gặp khó khăn từ nhiều tháng nay. |
(VLO) Theo nhiều tiểu thương kinh doanh mặt hàng vải, quần áo may sẵn ở chợ Vĩnh Long, nhiều tháng nay, tình hình kinh doanh “rất ế ẩm” dù đã làm đủ mọi cách để duy trì.
“Buôn bán ế ẩm”
Đó là tình trạng chung của hầu hết tiểu thương kinh doanh mặt hàng vải, quần áo may sẵn ở khu bách hóa tổng hợp chợ Vĩnh Long. Trao đổi với cô T.L.- sạp vải T.L., thì được biết, chưa năm nào “ế” như năm nay khi tình hình kinh doanh càng lúc càng khó khăn.
Cô L. cho biết, bán vải ở đây đã hơn 30 năm nhưng chưa thấy tình trạng khó khăn như lúc này. “Tôi thuê 2 mặt bằng với tiền thuê hơn 4 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền thuế, điện, nước.
Ví dụ như trước (trước dịch COVID-19) mỗi ngày bán được 1 triệu đồng thì nay chỉ còn khoảng 300.000đ. Số khách giảm còn khoảng 30% so với trước đây”, cô T.L. chia sẻ.
Trong khi đó, cô T.- chủ sạp Mỹ Trinh, cũng cho hay: “Không thấy người đi chợ. Tình hình buôn bán càng ngày càng khó, tiểu thương chỉ còn biết cố gắng bù qua đổi lại, lấy ngày lời bù cho ngày lỗ, ngày vắng khách”, vừa nói, cô T. chỉ vào đồng hồ, than: “gần 10 giờ sáng rồi mà vẫn chưa có ai mở hàng”.
Cô H.- chủ một sạp quần áo may sẵn, cũng cho biết: “Chưa thấy lúc nào khó khăn như lúc này. Cũng may là sạp tôi ở ngoài cùng nên còn đỡ, chứ mấy sạp phía trong, tình hình còn khó khăn hơn nhiều”.
Vừa bấm điện thoại, vừa “tâm sự chuyện buôn bán”, chị Nguyễn Thị Kim Thoa- chủ sạp quần áo may sẵn, cho biết hôm trước, bán được duy nhất một “món”, trị giá 200.000đ, nguyên ngày hôm qua thì “ế chỏng trơ. Ở đây nhiều sạp đã nghỉ vì không bán được, không trả được tiền mặt bằng”.
Theo ghi nhận thực tế, tình hình buôn bán của các tiểu thương ngành hàng vải, quần áo may sẵn đang rất khó khăn. Nhiều tiểu thương cho hay, tình hình mua bán các chợ nhỏ ở huyện cũng gặp tình trạng tương tự. Vì các tiểu thương dưới đó lấy hàng ít lại, thời gian lấy hàng cũng giãn ra.
“Đây là khó khăn chung, các tiểu thương phải gồng mình để duy trì kinh doanh, mua bán, chứ bây giờ nghỉ ngang cũng không biết thanh lý số hàng tồn kho ở đâu, nghỉ rồi thì biết buôn bán gì”, chị Thoa cho biết.
Cần thay đổi tư duy mua bán
Tình trạng buôn bán khó khăn như hiện nay, đa số tiểu thương điều cho rằng nguyên nhân là do người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu.
Chị Nguyễn Thị Kim Thoa “trưng bày lại” quần áo, mong có khách đến mua. |
Tuy nhiên, quan trọng nhất chính là sự cạnh tranh từ các kênh mua bán, phân phối khác như: hệ thống siêu thị, cửa hàng tư nhân,… đặc biệt là kênh bán hàng trực tuyến.
Cô T.L. thừa nhận, kênh bán hàng trực tuyến hiện nay rất phong phú, đa dạng, người tiêu dùng có thể thoải mái chọn lựa mà không cần đến trực tiếp.
“Tôi cũng tập tành thử xem nhưng có những cái mình không thể học được, hoặc còn rất nhiều khó khăn trong hình thức kinh doanh mới này. Chẳng hạng như chốt đơn hàng thì làm sao để giao hàng, cách thức nhận trả hàng như thế nào”- cô L. cho biết.
Còn cô T. cho biết, bây giờ lớn tuổi thì làm sao có thể một sớm một chiều thay đổi hình thức kinh doanh. Điều quan trọng đối với tiểu thương lúc này là mong được giảm tiền thuê mặt bằng, tiền thuế để giảm bớt khó khăn trước mắt.
Ông Phạm Thanh Tùng- Trưởng Ban Quản lý Chợ Vĩnh Long, cho biết đơn vị cũng đã tìm hiểu và nắm tình hình mua bán của các tiểu thương kinh doanh ngành hàng vải, quần áo may sẵn. Tuy nhiên, trong chức năng nhiệm vụ của đơn vị thì không thể có quyền giảm tiền thuê mặt bằng.
Tuy nhiên, ông Tùng cũng cho biết, đơn vị đã và sẽ lắng nghe ý kiến của tiểu thương để có hướng giải quyết phù hợp.
Ông Tùng cũng cho biết sắp tới ban quản lý sẽ có phương án cải tạo, trùng tu, nâng cấp chợ hướng tới xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại hơn để góp phần thu hút khách đến tham quan, mua sắm. Vì chợ Vĩnh Long không chỉ là chợ lớn nhất tỉnh mà còn là chợ du lịch, tiềm năng phát triển còn rất nhiều.
“Việc cạnh tranh mua bán hiện nay là rất nhiều, cho nên tiểu thương cũng cần thay đổi tư duy mua bán, kinh doanh hiện đại, bán hàng trực tuyến,… để phù hợp với xu thế. Sắp tới, đơn vị dự tính sẽ phối hợp tổ chức tập huấn cho tiểu thương kinh doanh, mua bán hàng trực tuyến, hỗ trợ quảng cáo,… để giúp tiểu thương có nhiều kênh phân phối hàng hóa.
Đây cũng là định hướng và xu thế chung để góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh ở chợ truyền thống phát triển ổn định và bền vững”, ông Tùng chia sẻ.
Ông Phạm Thanh Tùng- Trưởng Ban Quản lý Chợ Vĩnh Long Để tạo sự công bằng trong mua bán kinh doanh, đơn vị đã phối hợp với ngành giao thông, Công an Phường 1 để giải tỏa những hộ bán hàng rong dọc lòng, lề đường thuộc khu vực quản lý. Đồng thời phân công nhiệm vụ trực theo giờ quy định để giải tỏa những hộ cố tình mua bán khi không được ban quản lý sắp xếp. |
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin