Việc liên kết, hợp tác giữa Vĩnh Long và TP Hồ Chí Minh sẽ góp phần thúc đẩy giao lưu, giao thương hàng hóa, nhất là các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm đặc trưng OCOP,… Tuy nhiên, cần nhiều nỗ lực hơn nữa để thâm nhập sâu, rộng thị trường TP Hồ Chí Minh.
Lãnh đạo tỉnh, thành ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh bắt tay cùng hợp tác. |
(VLO) Việc liên kết, hợp tác giữa Vĩnh Long và TP Hồ Chí Minh sẽ góp phần thúc đẩy giao lưu, giao thương hàng hóa, nhất là các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm đặc trưng OCOP,… Tuy nhiên, cần nhiều nỗ lực hơn nữa để thâm nhập sâu, rộng thị trường TP Hồ Chí Minh.
Phát huy hợp tác toàn diện
Thời gian qua, trong lĩnh vực thương mại, Vĩnh Long và TP Hồ Chí Minh đã tăng cường hợp tác trong nhiều hoạt động xúc tiến thương mại.
Theo UBND tỉnh, Vĩnh Long đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) tại TP Hồ Chí Minh tổ chức các sự kiện lớn, tạo điều kiện để các DN có cơ hội giới thiệu rộng rãi sản phẩm, tìm kiếm đối tác, phát triển ngành công nghiệp chế biến ở Vĩnh Long và các tỉnh, thành ĐBSCL, góp phần thúc đẩy xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; hỗ trợ các DN và nông dân hoạt động hiệu quả.
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, đã có 13 dự án đầu tư của các DN có trụ sở chính từ thành phố được cấp giấy chứng nhận đầu tư tại tỉnh Vĩnh Long, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 5.868 tỷ đồng.
Nổi bậc là lĩnh vực du lịch, hai địa phương đã tích cực trao đổi kinh nghiệm về xây dựng môi trường du lịch, triển khai thực hiện chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL nói chung, tỉnh Vĩnh Long nói riêng.
Cụ thể ngành du lịch Vĩnh Long, TP Hồ Chí Minh và Công ty Du lịch Sài Gòn tổ chức khảo sát, phát triển các sản phẩm du lịch mới, nhất là các sản phẩm: “hát bội” và “Di sản đương đại Mang Thít” được quan tâm đặc biệt.
Theo đánh giá của UBND TP Hồ Chí Minh, việc hợp tác giữa hai địa phương, đặc biệt là sự tham gia của cộng đồng DN đã đem lại nhiều thành công trong phát triển du lịch của tỉnh Vĩnh Long.
Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh và Vĩnh Long còn hợp tác hiệu quả trong nhiều lĩnh vực khác như giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ.
Tận dụng cơ hội
Có thể nói, sự liên kết, hợp tác giữa Vĩnh Long và TP Hồ Chí Minh đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, DN Vĩnh Long cũng còn nhiều khó khăn khi thâm nhập vào thị trường TP Hồ Chí Minh với vai trò là nhà cung cấp, DN sản xuất.
Bà Lê Trúc My- Giám đốc Công ty TNHH MTV My Tỷ Mai, cho biết thâm nhập thị trường TP Hồ Chí Minh với lượng người tiêu dùng lớn, nhiều thành phần thì “sản phẩm phải đạt chất lượng, cho dùng thử thời gian đầu, giá phải cạnh tranh, đặc biệt là phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, bài học rút ra để “đánh” vào thị trường rộng lớn này là phải vào được các kênh phân phối hiện đại”.
Trong khi đó, một lãnh đạo DN khác chia sẻ, thời gian đầu khi thâm nhập vào thị trường TP Hồ Chí Minh rất “khốn đốn” bởi nhiều khó khăn trong việc gặp gỡ đối tác là nhà phân phối, các hệ thống siêu thị, nếu gặp được rồi nhưng vẫn rất mất thời gian vì “gian nan” thủ tục.
Mặt khác, sự cạnh tranh không lành mạnh, tình trạng làm nhái, làm giả sản phẩm… ảnh hưởng đến uy tín, quá trình thâm nhập thị trường thành phố của DN.
Theo ông Hồ Trung Nghĩa- Giám đốc Trung tâm Xúc tiên thương mại (Sở Công Thương Vĩnh Long), có những yếu tố gây khó khăn, bất lợi cho DN khi tham gia vào thị trường TP Hồ Chí Minh như: vốn đối ứng, đội giá do khâu vận chuyển; xâm nhập thị trường chưa linh động; khả năng đàm phán kém;…
“Trong đó, yếu tố về chất lượng sản phẩm là điều kiện tiên quyết khi nhiều sản phẩm chất lượng không đồng đều, chất lượng đơn hàng sau lại khác với đơn hàng trước.
Về điều này, tất nhiên các hệ thống siêu thị, nhà phân phối cũng phải dè chừng, thiếu tin tưởng”, ông Nghĩa nhận định.
Vĩnh Long có nhiều lợi thế phát triển du lịch. Trong ảnh: Đoàn khách nước ngoài du lịch trải nghiệm ở huyện Long Hồ. |
Hơn nữa, theo ông Nghĩa, DN ở Vĩnh Long hiện nay còn bộc lộ một số hạn chế nhất định, dẫn đến khả năng phát triển thị trường “yếu”.
Một số DN sản xuất vẫn còn tư tưởng “ăn sỏi ở thì” đợi chờ nhà phân phối đến tìm mình. DN muốn phát triển phải tăng tính chủ động, liên kết và lắng nghe nhu cầu, phát huy lợi ích hài hòa để mở rộng thị trường tiêu thụ…
Theo ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long, cho rằng: DN phải có năng lực cạnh tranh nhất định.
Riêng về sản phẩm, phải xác định được phân khúc và cách tiếp cận phù hợp. Những giá trị và lợi ích của sản phẩm mang đến cho khách hàng phải vượt trội hơn các đối thủ cạnh tranh. Điều đó có thể xác định bằng con số cụ thể hoặc về mặt tinh thần hay cảm giác phù hợp.
Tùy theo đặc điểm, quy mô DN mà chọn chiến lược thị trường cho phù hợp, cần có số liệu khảo sát và thăm dò thị trường đáng tin cậy. Khi tiếp cận các thị trường lớn, có thể cân nhắc thêm khả năng chọn đối tác kinh doanh phù hợp để giảm bớt gánh nặng nguồn lực và tiết kiệm thời gian.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liệt Thời gian tới, để việc hợp tác phát triển kinh tế- xã hội giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL đạt hiệu quả, TP Hồ Chí Minh ngoài việc tạo điều kiện để các DN, nhà đầu tư tìm hiểu, mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh tại các tỉnh thì cũng cần làm cầu nối quảng bá, giới thiệu chính sách thu hút đầu tư, các dự án trọng điểm của Vĩnh Long nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ông Phan Văn Mãi- Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trong các nội dung hợp tác, có 3 vấn đề nổi lên là kết nối giao thông, kết nối cung- cầu, đầu tư nhân lực và y tế. Mỗi địa phương cần thực sự quan tâm chỉ đạo công tác phối hợp chặt chẽ. Trong quá trình hợp tác, cần quan tâm phát triển, nâng cao năng lực nội tại của vùng để phát huy sức mạnh tổng thể cho sự phát triển chung của vùng. |
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin