Nâng chất lượng quy hoạch, khai thác tối đa tiềm năng lợi thế đất nước

11:04, 26/04/2023

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: QH TTQG lần đầu tiên được xây dựng ở nước ta, là QH vừa mang tính tổng thể, vừa mang tính chiến lược, bao trùm mọi lĩnh vực kinh tế- xã hội và được lập cho 10 năm (trước đây chỉ có chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của cả nước). Việc QH TTQG được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81 ngày 9/1/2023 là một bước quan trọng và có thể được đúc kết lại trong 12 chữ "Tư duy mới- Tầm nhìn mới- Cơ hội mới- Giá trị mới". 
 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa chủ trì Hội nghị công bố và triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia (QH TTQG) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Hội nghị toàn quốc về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác QH thời kỳ 2021-2030. 

Thủ tướng nêu rõ, QH TTQG có ý nghĩa rất quan trọng và được xây dựng dựa trên định hướng QH TTQG đã được Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương khóa XIII thông qua tại Kết luận số 45 ngày 17/11/2022.
 
Tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng khóa XIII, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “BCH Trung ương đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, thảo luận, tạo sự thống nhất cao về sự cần thiết phải ban hành và tổ chức thực hiện thật tốt QH TTQG thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trung ương coi đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, lâu dài, nhưng cũng là vấn đề rất rộng lớn, rất mới, rất khó, rất nhạy cảm và chưa có tiền lệ”.
 
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tập trung mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng công tác QH. Qua đó, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước.
 
Kỳ 1: Lần đầu tiên xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia

 
Quy hoạch định hướng phát triển hạ tầng cấp quốc gia. Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ dự án thành phần đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu thuộc dự án xây dựng đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc- Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 tháng 1/2023.
Quy hoạch định hướng phát triển hạ tầng cấp quốc gia. Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ dự án thành phần đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu thuộc dự án xây dựng đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc- Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 tháng 1/2023.
 
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: QH TTQG lần đầu tiên được xây dựng ở nước ta, là QH vừa mang tính tổng thể, vừa mang tính chiến lược, bao trùm mọi lĩnh vực kinh tế- xã hội và được lập cho 10 năm (trước đây chỉ có chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của cả nước). Việc QH TTQG được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81 ngày 9/1/2023 là một bước quan trọng và có thể được đúc kết lại trong 12 chữ “Tư duy mới- Tầm nhìn mới- Cơ hội mới- Giá trị mới”. 
 
Xác định rõ mô hình phát triển
 
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn nhằm tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục các mặt còn hạn chế trong phát triển và tổ chức không gian phát triển của đất nước giai đoạn vừa qua, QH TTQG thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm xác định rõ mô hình phát triển theo không gian lãnh thổ của quốc gia, khai thác tối ưu tiềm năng, thế mạnh của các vùng, các ngành, các địa phương để tạo ra các động lực tăng trưởng và giá trị mới cho phát triển nhanh, bền vững đất nước.
 
Tóm tắt những nội dung chủ yếu của QH, bộ trưởng cho biết, phấn đấu đến năm 2030 nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Tầm nhìn đến năm 2050, là nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. 
 
Về phát triển không gian kinh tế- xã hội, vùng ĐBSCL được QH định hướng phát triển thành 1 trong 6 vùng kinh tế- xã hội. Theo đó, ĐBSCL phát triển thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của cả nước, khu vực và thế giới. Phát triển công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo. Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
 
Bên cạnh, phát triển 4 vùng động lực quốc gia gồm: vùng động lực phía Bắc, phía Nam, miền Trung và ĐBSCL với các cực tăng trưởng tương ứng của mỗi vùng là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ…
 
Về phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia, phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mạng lưới, theo hướng đô thị xanh, thông minh. Hình thành các vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ dọc theo các đường vành đai 4, vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội và các đường vành đai 3, vành đai 4 TP Hồ Chí Minh.
 
Cùng với đó, xây dựng NTM phát triển toàn diện, hiện đại, xanh, sạch, đẹp gắn với quá trình đô thị hóa; xây dựng kết cấu hạ tầng, dịch vụ nông thôn đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị. QH cũng định hướng phát triển không gian biển; định hướng phát triển và phân bố không gian các ngành quan trọng; định hướng phát triển hạ tầng cấp quốc gia…
 
Cùng với ĐBSCL, các vùng kinh tế- xã hội được QH định hướng phát triển gồm:
Vùng trung du và miền núi phía Bắc phát triển theo hướng xanh, bền vững và toàn diện. Tập trung bảo vệ, khôi phục rừng; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản. Xây dựng vành đai công nghiệp Bắc Giang- Thái Nguyên- Phú Thọ trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng cả vùng. 
Vùng Đồng bằng sông Hồng tập trung phát triển các ngành sản xuất công nghiệp và dịch vụ hiện đại. Xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, đi đầu trong phát triển khoa học, công nghệ. Tiếp tục xây dựng khu vực Hải Phòng- Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á. 
Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nâng cao hiệu quả hệ thống cảng biển, các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp. Phát triển du lịch biển đảo, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa- lịch sử. Xây dựng khu vực ven biển Thanh Hóa- Nghệ An- Hà Tĩnh trở thành trung tâm phát triển công nghiệp của vùng và cả nước. 
Vùng Tây Nguyên bảo vệ rừng gắn với bảo đảm an ninh nguồn nước. Nâng cao hiệu quả phát triển cây công nghiệp. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, năng lượng tái tạo; phát triển bền vững công nghiệp khai thác bô xít, chế biến alumin, sản xuất nhôm. Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên. 
Vùng Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; là trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực.

Ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện

 
Sau khi được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ KH-ĐT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 81 của Quốc hội và Kế hoạch thực hiện QH TTQG thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Chính phủ ban hành, triển khai.
 
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, bộ đã xây dựng, xin ý kiến và hoàn thiện dự thảo nghị quyết trình Chính phủ. Nội dung dự thảo nghị quyết đã cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp và giao trách nhiệm cho các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai thực hiện QH.
 
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, sau khi các QH được phê duyệt, phải có các dự án, đề án cụ thể, bố trí nguồn lực để thực hiện, mang lại hiệu quả. Thủ tướng cũng yêu cầu các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp.
 
Theo đó, quán triệt nội dung của QH TTQG để thực hiện trong từng cơ quan, đơn vị; rà soát, cập nhật và cụ thể hóa các nội dung của QH TTQG vào các QH quốc gia, QH vùng và QH cấp tỉnh đã phê duyệt hoặc đang thẩm định, đang lập, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của các cấp QH.
 
Bên cạnh, ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện có hiệu quả QH TTQG, nhất là tập trung nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án quan trọng quốc gia; xây dựng nhiều cơ chế, chính sách theo hướng tăng cường phân cấp huy động, sử dụng nguồn lực đầu tư ở Trung ương và địa phương.
Định hướng phát triển hệ thống đô thị thông minh, hiện đại, xanh và bản sắc.
Định hướng phát triển hệ thống đô thị thông minh, hiện đại, xanh và bản sắc.
 
Đối với thu hút đầu tư phát triển, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh. Cùng với đó, là vấn đề phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời, chăm lo công tác an sinh xã hội; đẩy mạnh khoa học, công nghệ và môi trường; tập trung cho nguồn lực tài chính thực hiện QH; đẩy mạnh hợp tác quốc tế; bảo đảm an ninh quốc phòng.
 
Thủ tướng nhấn mạnh: Việc làm QH đã khó, tổ chức thực hiện còn khó hơn. Việc triển khai và thực hiện thắng lợi các mục tiêu, yêu cầu của QH TTQG là nhiệm vụ rất nặng nề, khó khăn, cần quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả của các cấp chính quyền. 
Theo QH, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước bình quân đạt khoảng 7,0 %/năm giai đoạn 2021-2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý (theo tiêu chuẩn, quy chuẩn) đạt 95%, trong đó xử lý thông qua các mô hình kinh tế tuần hoàn đạt khoảng 50%. Tỷ lệ xử lý và tái sử dụng nước thải ra môi trường lưu vực các sông đạt trên 70%. Thực hiện giảm phát thải khí nhà kính trong các ngành, lĩnh vực để phấn đấu nhanh nhất mục tiêu giảm phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Đến năm 2050, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 27.000-32.000 USD, tỷ lệ đô thị hóa đạt 70-75%, chỉ số phát triển con người (HDI) đạt từ 0,8 trở lên.
Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- TẤN ANH
 
>> Kỳ cuối: Huy động mọi nguồn lực, nâng tiến độ, chất lượng quy hoạch
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh