Trong những tháng đầu năm 2023, tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công (ĐTC) có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Đầu tư công những tháng đầu năm còn tương đối chậm, vốn FDI triển khai giảm mạnh. |
(VLO) Trong những tháng đầu năm 2023, tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công (ĐTC) có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Tăng cường giải ngân vốn ĐTC
Theo UBND tỉnh, tổng số vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện trong quý I của tỉnh đạt trên 3.839 tỷ đồng, tăng 2,07% so cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt trên 2.516 tỷ đồng, tăng hơn 5%; khu vực nhà nước đạt gần 973 tỷ đồng, tăng 3,22%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 350 tỷ đồng, giảm 17,16%.
Theo kế hoạch vốn ĐTC năm 2023, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp sớm triển khai thực hiện. Trong đó, tập trung triển khai các dự án trọng điểm thuộc chương trình phục hồi kinh tế- xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đồng thời tổ chức làm việc với các ngành, UBND cấp huyện để đôn đốc thực hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; phân công, chỉ đạo trong công tác giải phóng mặt bằng, thiết kế thi công góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Tổng số vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên 4.762 tỷ đồng, thực hiện và giải ngân đến 15/3 trên 231,2 tỷ đồng, đạt 4,86% kế hoạch.
Môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh tiếp tục được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Trong khi đó, tỉnh đã tiếp xúc 4 nhà đầu tư, trong đó có 2 lượt nhà đầu tư nước ngoài đến tìm kiếm cơ hội đầu tư; làm việc, trao đổi hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và một số lĩnh vực khác với các đối tác Nhật Bản, Đài Loan.
Đến 20/3, đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 1 dự án trong nước với tổng số vốn đăng ký tương đương 395 tỷ đồng và 2 dự án đầu tư mở rộng với số vốn 133,9 tỷ đồng, trong đó có 1 dự án FDI điều chỉnh mở rộng với số vốn 4,6 triệu USD.
Theo UBND tỉnh, một trong những khó khăn trong quý I chính là tốc độ tăng trưởng tổng vốn đầu tư toàn xã hội thấp hơn cùng kỳ. UBND tỉnh cũng dự báo tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh thời gian tới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, nguồn lực tái đầu tư tăng chậm, sản xuất công nghiệp phục hồi và tăng chậm.
Ông Võ Quốc Thanh- Giám đốc Sở KH-ĐT, cho biết trong quý II, tỉnh thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ĐTC năm 2023.
Trong đó, thực hiện nhanh công tác giải phóng mặt bằng, thiết kế thi công, lựa chọn nhà thầu và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, nhất là các dự án ODA, các dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia.
Đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát các dự án đầu tư sử dụng vốn ĐTC, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn…
Tạo động lực phát triển mới
Theo nhiều doanh nghiệp, sau giai đoạn phục hồi ngắn thì tình hình kinh tế của tỉnh đang đối mặt với những thử thách lớn.
Thị trường thế giới ngoài ảnh hưởng đến đơn hàng của các doanh nghiệp FDI, kinh tế tư nhân trong tỉnh hiện tại tuy không suy giảm nghiêm trọng nhưng có xu hướng giảm thêm với những khó khăn về chi phí tăng cao, dư địa tăng trưởng không nhiều, nguồn lực dự phòng không còn lớn… sẽ dần bào mòn sức khỏe của doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long, trong những tháng đầu năm, ngoài những nguyên nhân do biến động tình hình thế giới, địa chính trị còn có yếu tố thị trường, chuỗi sản xuất trong nước biến động, sức mua giảm, thay đổi hành vi tiêu dùng… đã ảnh hưởng và làm sụt giảm sản xuất công nghiệp trong tỉnh.
Để vượt qua khó khăn ngoài chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế, giảm chi phí cho doanh nghiệp cần có chính sách kích cầu tiêu dùng. Đặc biệt là đẩy mạnh ĐTC góp thêm động lực phát triển kinh tế- xã hội.
“Có thể ĐTC như phúc lợi tài chính và tiêu dùng nhằm kích thích vận hành các doanh nghiệp, tạo ra công ăn việc làm, tái tạo các nguồn lực bị suy giảm. Mặt khác, ĐTC còn tạo hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất, giải pháp ứng dụng, phúc lợi xã hội”, ông Nam nhấn mạnh.
Trong khi đó, lãnh đạo một doanh nghiệp ở huyện Long Hồ chia sẻ, trong bối cảnh kinh tế cần động lực phục hồi và phát triển, ngoài những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, ĐTC sẽ gián tiếp thu hút nguồn lực bên ngoài tỉnh, nguồn lực FDI, cải thiện năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Bài, ảnh: KHÁNH DUY- TUYẾT HIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin