Tháo gỡ "nút thắt", đẩy mạnh giải ngân đầu tư công

04:03, 08/03/2023

Chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội hồi cuối tháng 2/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đầu tư công vừa là động lực, vừa là nguồn lực phát triển, phải phấn đấu giải ngân ít nhất 95% trong tổng số hơn 711.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023.

Đẩy mạnh giải ngân để tạo động lực, không gian phát triển mới.
Đẩy mạnh giải ngân để tạo động lực, không gian phát triển mới.

(VLO) Chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội hồi cuối tháng 2/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đầu tư công vừa là động lực, vừa là nguồn lực phát triển, phải phấn đấu giải ngân ít nhất 95% trong tổng số hơn 711.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023.

Đẩy nhanh giải ngân

Tại Vĩnh Long, tình hình thực hiện và thanh toán vốn đầu tư công năm 2022 tính hết 31/1/2023 đạt 85,67% so kế hoạch giao. Trong đó, thanh toán vốn kế hoạch năm trước được phép kéo dài đạt 56,58%, thanh toán vốn kế hoạch năm 2022 đạt 86,77%.

Nhìn chung, việc triển khai thực hiện và giải ngân chung kế hoạch vốn đạt tỷ lệ thấp so với tiến độ. Công tác giải phóng mặt bằng nhiều dự án còn chậm, nhiều dự án còn vướng giải phóng mặt bằng…

Trong năm, giá cả nguyên nhiên liệu và vật liệu xây dựng tăng cao. Mặt khác, nguồn cát san lấp tại một số khu vực/địa phương khan hiếm.

Một số địa phương thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa cấp ủy, chính quyền trong thực hiện; chỉ đạo xử lý chưa quyết liệt theo thẩm quyền, giải quyết kéo dài, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng…

Để đẩy nhanh thanh toán vốn đầu tư công, tỉnh sẽ tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đề ra tại các nghị quyết của Chính phủ, công điện của Thủ tướng Chính phủ, công văn của Văn phòng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Bên cạnh, khẩn trương thực hiện công tác phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng kịp thời cho nhà thầu thi công.

Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư để có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án/công trình; chủ động phối hợp với cơ quan liên quan để giải quyết, tháo gỡ kịp thời, có hiệu quả những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thi công các công trình; nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế thi công, thanh toán vốn đầu tư; ưu tiên giải ngân vốn ngân sách trung ương.

Mặt khác, kiểm tra, làm việc với nhà thầu từng dự án/gói thầu, xác định nguyên nhân chậm trễ để đôn đốc, cam kết thực hiện; giải quyết kịp thời và theo thẩm quyền đối với những khó khăn vướng mắc cho nhà thầu trong thi công.

Theo đó, xử phạt nhà thầu năng lực yếu, thực hiện chậm trễ, thay thế nhà thầu có đủ năng lực; làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân gây chậm trễ trong triển khai các dự án, việc thanh toán vốn… để xử lý vi phạm.

Đồng thời, thực hiện phê bình, kiểm điểm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư thực hiện không đạt kế hoạch vốn được giao; lấy kết quả giải ngân làm cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh, UBND cấp huyện và các chủ đầu tư…

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các ngành, các địa phương

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình/dự án.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình/dự án.

Năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, công điện, văn bản; tổ chức các hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương; thành lập các tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân.

Nhờ vậy, công tác giải ngân vốn đầu tư công đã được triển khai đồng bộ và đạt được một số kết quả tích cực.

Theo đó, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước đến 31/1/2023 là trên 541.000 tỷ đồng, đạt gần 93,5% kế hoạch, tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (đạt 95,11%)  nhưng là năm có số tuyệt đối giải ngân cao nhất so các năm trước đây, tăng khoảng 23,5% so năm 2021.

Về 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đã ban hành 69/72 văn bản quy định cơ chế quản lý, hướng dẫn thực hiện các chương trình.

Đến hết 12/2022, đã giải ngân khoảng 92,9% kế hoạch vốn đối ứng từ ngân sách địa phương. Có 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân 100% là Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Tây Ninh, Hà Nam.

Năm 2023, Chính phủ xác định đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, các địa phương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, giải ngân đầu tư công có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, góp phần tháo gỡ các “nút thắt” về hạ tầng giao thông, giáo dục, văn hóa, y tế, xã hội…; bảo đảm an ninh quốc phòng; giải quyết việc làm, tăng cường an sinh xã hội.

Đồng thời, tạo động lực mới, không gian phát triển mới; tăng cường kết nối địa phương, kết nối vùng; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững…

Thủ tướng yêu cầu, phải vừa bảo đảm tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao, vừa bảo đảm đúng chất lượng, hiệu quả các công trình, dự án.

Bài, ảnh: SÔNG HẬU

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh