Rơm không còn là thứ bỏ đi

05:03, 13/03/2023

Không chỉ bán lúa với giá cao, nông dân bán rơm vụ lúa Đông Xuân 2022-2023 cũng với giá tốt. Trong khi đó, do nhu cầu cao nên sản lượng rơm khan hiếm, khiến thị trường thêm sôi động, nông dân tăng thêm thu nhập.

Rơm có giá, nông dân thêm thu nhập.
Rơm có giá, nông dân thêm thu nhập.

(VLO) Không chỉ bán lúa với giá cao, nông dân bán rơm vụ lúa Đông Xuân 2022-2023 cũng với giá tốt. Trong khi đó, do nhu cầu cao nên sản lượng rơm khan hiếm, khiến thị trường thêm sôi động, nông dân tăng thêm thu nhập.

Từng bị xem như phế phẩm, rơm cuộn ngày nay trở thành nguồn thu nhập cho nông dân. Những năm gần đây, thay vì đốt rơm tại đồng khiến môi trường bị ô nhiễm, tăng nguy cơ dịch bệnh cho lúa, nông dân đã tận dụng rơm vừa để bán, vừa phục vụ sản xuất.

Cụ thể, ngoài việc giúp nông dân có thêm thu nhập, rơm rạ còn có thể trở thành nguyên liệu làm nấm, nuôi trồng thủy sản, tạo độ ẩm cho cây ăn trái, rau màu mới xuống giống, chèn- lót trái cây…

Chú Lê Văn Bé (TT Cái Nhum, huyện Mang Thít) chia sẻ: “Rơm dễ phơi khô, dễ vận chuyển và dễ tồn trữ nên hiện nay nhiều nông dân tận dụng để bán.

Người dân tận dụng rơm để bán, phục vụ sản xuất, chăn nuôi, giảm dần tình trạng đốt đồng.
Người dân tận dụng rơm để bán, phục vụ sản xuất, chăn nuôi, giảm dần tình trạng đốt đồng.

Ở đây không còn hiện tượng đốt rơm nữa. Người có nuôi bò thì cuốn về cho bò ăn còn không thì nông dân bán hết. Năm nay nhờ giá rơm cao nên bù qua được chi phí cày xới đất, giảm nhẹ chi phí sản xuất cho vụ tới”.

Nhiều nông dân phấn khởi bày tỏ, vụ lúa Đông Xuân này không chỉ lúa được giá mà rơm cũng tăng giá hơn. Nếu như năm trước rơm có giá từ 150.000-200.000 đ/công, thì vụ này đã tăng thêm khoảng 40.000-50.000 đ/công.

Được thương lái thu mua rơm đặt cọc từ ngay sau tết, chị Nguyễn Thị Hạnh (xã Hòa Thạnh, huyện Tam Bình) cho hay: “Vụ này chưa bán lúa là thương lái mua rơm đặt cọc trước, cuộn ngay sau khi cắt lúa xong. Với giá bán 250.000 đ/công rơm, 4 công ruộng của tôi có thêm 1 triệu đồng. Giờ rơm rạ không còn là thứ bỏ đi nữa”.

Không chỉ mang lại thu nhập cho nông dân từ bán rơm khô, những chủ máy cuộn rơm thuê, người làm công bốc vác hay các thương lái kinh doanh rơm cũng có công ăn việc làm, thêm thu nhập.

Nhiều thương lái cho hay, năm 2022 nhiều nơi trong tỉnh bỏ vụ lúa Thu Đông nên lượng rơm khan hiếm. Nay có rơm lúa Đông Xuân người dân mua dự trữ, chủ yếu phục vụ chăn nuôi bò vì thời gian tới thời tiết khô hạn, lượng cỏ ngoài tự nhiên giảm dần, khiến lượng rơm ít hơn.

Thị trường sôi động còn do thương lái mua rơm trong tỉnh chuyển đi địa phương khác. Theo đó, ngay từ thời điểm Tết Nguyên đán nhiều người chuyên mua bán rơm trong và ngoài tỉnh đã tìm nông dân đặt tiền cọc thu mua với giá từ 130.000-250.000 đ/công tùy vị trí đồng ruộng và quảng đường vận chuyển.

Thời điểm cuối vụ lúa như hiện nay khi sản lượng rơm trên đồng gần hết, có nơi nông dân còn bán được với giá 300.000 đ/công rơm.

Anh Thạch Huy- thương lái thu mua rơm cho hay: “Thời điểm này, thị trường mua bán rơm sôi động, có lúc rơm hiếm, giá tăng cao. Mấy năm trước, rơm chỉ có giá 15.000-20.000 đ/cuộn, tuy nhiên gần một năm nay giá rơm có lúc tăng lên 30.000-40.000 đ/cuộn, chưa giao đến nhà”.

Nhiều nông dân chia sẻ, tuy chi phí đầu tư vụ lúa Đông Xuân năm nay còn ở mức cao, song nhờ phần lớn diện tích nông dân trúng mùa, trúng giá đồng thời bán rơm được giá cũng góp phần giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận.

Theo ngành chức năng, việc đốt rơm trên đồng không giúp mang lại nhiều dinh dưỡng cho cây trồng mà gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Nông dân cần thu gom rơm sau các vụ thu hoạch lúa để sản xuất tăng thêm thu nhập hoặc bán rơm. Ngoài ra, cũng cần chú ý thực hiện giải pháp kỹ thuật chôn vùi rơm rạ, kết hợp sử dụng nấm Trichoderma để thúc đẩy nhanh quá trình phân hủy rơm rạ, tạo thành nguồn phân hữu cơ dồi dào dinh dưỡng so với đốt rơm rạ.

Bài, ảnh: TRÀ MY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh