Vĩnh Long đã ban hành chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đến năm 2025, với nhiều lợi thế, Vĩnh Long hứa hẹn sẽ là điểm đến thu hút đầu tư của các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực CNHT.
|
Vĩnh Long có nhiều điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư. Trong ảnh: KCN Bình Minh. |
Vĩnh Long đã ban hành chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đến năm 2025, với nhiều lợi thế, Vĩnh Long hứa hẹn sẽ là điểm đến thu hút đầu tư của các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực CNHT.
Phát triển ngành CNHT
Hiện nay, ở các khu công nghiệp (KCN), các DN thuộc lĩnh vực CNHT nhìn chung tương đối đa dạng. Ngoài các nhà đầu tư trong nước còn có các nhà đầu tư đến từ một số nước như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ,… Qua đó, đã thu hút nhiều lĩnh vực CNHT như: sản xuất bao bì giấy và xây dựng nhà xưởng, lắp ráp thùng xe tải, chế biến nông sản, thực phẩm, in hoa văn trên vải, sản xuất balo, túi xách vải phục vụ ngành y tế, sản xuất máy công cụ, các linh kiện máy may và các linh kiện máy móc chính xác cỡ nhỏ…
Theo ông Nguyễn Thanh Sang- Phó Trưởng Ban Quản lý Các KCN tỉnh, hiện có 22 DN trong lĩnh vực CNHT đang hoạt động trong các KCN của tỉnh. Các KCN đã và đang có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư, trong đó có các DN trong lĩnh vực CNHT.
Tỉnh Vĩnh Long cũng đã ban hành chương trình phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đến năm 2025. Theo đó, tỉnh căn cứ vào mục tiêu chương trình phát triển CNHT của Thủ tướng Chính phủ và trên cơ sở khai thác, phát huy những tiềm năng thế mạnh và định hướng phát triển ngành công nghiệp của địa phương, trong giai đoạn đến năm 2025, tỉnh sẽ phát triển CNHT thuộc 4 lĩnh vực gồm: linh kiện phụ tùng, dệt may- da giày, CNHT cho công nghiệp công nghệ cao, CNHT ngành chế biến thực phẩm, nông sản, thủy sản.
Theo UBND tỉnh, mục tiêu của chương trình phát triển sản xuất các sản phẩm CNHT phục vụ nhu cầu sản xuất trong và ngoài tỉnh, hướng tới xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị của sản phẩm công nghiệp. Đồng thời, từng bước nâng cao trình độ khoa học công nghệ của sản phẩm và mở rộng quy mô sản xuất trên cơ sở phát huy, khai thác năng lực sản xuất của các DN hiện có, đồng thời gắn với thu hút, mời gọi các nhà đầu tư mới về sản xuất CNHT.
Tận dụng lợi thế thu hút đầu tư CNHT
Theo ông Nguyễn Thanh Sang, Vĩnh Long có lợi thế rất lớn để thu hút đầu tư, cụ thể có vị trí nằm ở khu vực trung tâm ĐBSCL, vùng trọng điểm nông nghiệp và an ninh lương thực của cả nước, nằm giữa hai trung tâm kinh tế lớn là TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ.
Ngoài ra, Vĩnh Long còn nằm trên điểm giao của 2 trục hành lang kinh tế đô thị quan trọng gồm: sông Tiền và sông Hậu (trục hành lang kinh tế Đông- Tây) và QL91 (tuyến Nam sông Hậu) với cực Tây là khu vực cửa khẩu An Giang và Đồng Tháp, cực Đông là vùng đô thị- cảng ven biển (cảng vùng) và hệ thống cảng Sóc Trăng (cảng Trần Đề). Đây là trục kết nối với các nước ASEAN và quốc tế; trục hành lang kinh tế đô thị QL1- đường Hồ Chí Minh (hướng Bắc- Nam) với TP Cần Thơ là trung tâm vùng, cực Bắc là TP Mỹ Tho giao thoa với TP Hồ Chí Minh và vùng ĐBSCL.
Đặc biệt, hai KCN (Hòa Phú và Bình Minh) của tỉnh nằm ngay trục chính của tuyến QL1 đi qua nên thuận tiện trong việc lưu thông hàng hóa bằng đường bộ và KCN Bình Minh cặp sông Hậu sẽ thuận tiện cho lưu thông hàng hóa bằng đường thủy.
“Kết cấu hạ tầng của các KCN ngày càng hoàn thiện, hệ thống giao thông trong và ngoài KCN đều đồng bộ giữa kết cấu hạ tầng của tỉnh và của khu vực; đặc biệt nhà máy xử lý nước thải của các KCN đã đi vào hoạt động,… tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu đầu tư vào các KCN”- ông Sang chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, hiện nay KCN Hòa Phú và KCN Bình Minh không còn nhiều quỹ đất công nghiệp để tiếp tục mời gọi đầu tư. Do đó, cần đẩy nhanh tiến độ để đưa vào hoạt động KCN Đông Bình và Gilimex… trong thời gian tới nhằm thu hút đầu tư.
“Trước mắt, tranh thủ việc KCN Đông Bình diện tích 350ha và KCN Gilimex Vĩnh Long diện tích 400ha đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư để tập trung phối hợp cùng với chủ đầu tư, UBND TX Bình Minh, huyện Bình Tân và các sở, ngành có liên quan đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Qua đó, nhằm tạo quỹ đất sạch để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng và thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, trong đó có những nhà đầu tư trên lĩnh vực CNHT”- ông Sang cho biết.
|
Tỉnh Vĩnh Long cũng đã ban hành chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ với 4 lĩnh vực. |
Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong công tác thu hút và mời gọi đầu tư, Ban Quản lý Các KCN tỉnh cũng kiến nghị các bộ, ban, ngành Trung ương sớm có kế hoạch nâng cấp tuyến QL54 đoạn qua tỉnh Vĩnh Long, tạo thuận lợi cho KCN Đông Bình và KCN Gilimex Vĩnh Long vì nằm cạnh tuyến giao thông quan trọng này.
Ngoài các điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, chính sách thu hút đầu tư, cùng với TP Cần Thơ, Vĩnh Long còn là một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn nhất ĐBSCL với 4 trường ĐH, 3 trường CĐ và 1 trường trung cấp nghề. PGS.TS Lê Hồng Kỳ- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long cho biết, nhà trường hiện đào tạo nhiều ngành thuộc khối công nghệ kỹ thuật như: công nghệ kỹ thuật ô tô, cơ khí, chế tạo máy, cơ điện tử, điện tử, kỹ thuật nhiệt,… Tạo nguồn lao động tham gia vào thị trường lao động phục vụ cho các ngành CNHT. Hiện trường có khoảng 8.000 sinh viên, hơn 3/5 số đó là sinh viên thuộc khối ngành công nghệ kỹ thuật. Mỗi năm nhà trường đào tạo hơn 2.000 sinh viên ra trường đủ đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao phục vụ các ngành sản xuất công nghiệp trong tỉnh và cả khu vực ĐBSCL, Đông Nam Bộ,…
|
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin