Việc Trung Quốc mở cửa thị trường vừa qua là tin mừng đối với doanh nghiệp (DN) hai nước, song cũng là thách thức với các DN xuất khẩu Việt Nam. Để nắm bắt cơ hội cũng như vượt qua thách thức, đòi hỏi các DN cần có sự chuẩn bị sẵn sàng.
Thị trường Trung Quốc mở cửa, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu. |
(VLO) Việc Trung Quốc mở cửa thị trường vừa qua là tin mừng đối với doanh nghiệp (DN) hai nước, song cũng là thách thức với các DN xuất khẩu Việt Nam. Để nắm bắt cơ hội cũng như vượt qua thách thức, đòi hỏi các DN cần có sự chuẩn bị sẵn sàng.
Trung Quốc: thị trường xuất khẩu quan trọng
Ngày 8/1 vừa qua, Trung Quốc ra thông báo mở các cửa khẩu biên giới để đẩy mạnh thương mại hàng hóa, trong đó có thương mại nông sản. Đây là tin mừng cho các DN Việt Nam và Trung Quốc nói chung nhằm xuất nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản.
Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - PTNT nhấn mạnh: “Trung Quốc và Việt Nam luôn xác định là đối tác thương mại lớn nhất của nhau. Thời gian qua, đã có nhiều hoạt động thúc đẩy và triển khai các quy định giữa hai nước, đẩy mạnh xuất nhập khẩu thương mại giữa hai nước”.
Cụ thể, Bộ Nông nghiệp - PTNT đã thực hiện triển khai truyền thông mạnh mẽ các Lệnh 248 và 249 về đăng ký DN xuất nhập khẩu sang Trung Quốc và quản lý an toàn thực phẩm. Đồng thời, đã triển khai rất mạnh xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo đạt chuẩn phục vụ xuất khẩu.
Theo ông Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), Trung Quốc là thị trường quan trọng hàng đầu, là đối tác thương mại số 1 của Việt Nam.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của mặt hàng rau quả với tỷ trọng 53,7%; sắn và các sản phẩm từ sắn với tỷ trọng 91,47%; cao su với tỷ trọng 71%. Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của thủy sản Việt Nam (sau Hoa Kỳ và Nhật Bản).
“Chúng ta thường nhắc đến tầm quan trọng của việc chiếm lĩnh, mở rộng những thị trường mới. Tuy nhiên trước khi muốn làm được điều đó, cần phải đảm bảo việc giữ được những thị trường truyền thống bấy lâu nay. Trong đó có thị trường Trung Quốc”- ông Tô Ngọc Sơn cho hay.
Tại Vĩnh Long, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT Nguyễn Văn Liêm cho hay: Tuy quy mô diện tích sản xuất nông nghiệp của tỉnh khá khiêm tốn, chỉ khoảng 120.000ha, nhưng do triển khai đa dạng hóa cây trồng nên có số lượng nông sản của tỉnh đạt mức khá.
Các sản phẩm trái cây và khoai lang của Vĩnh Long hiện có nhu cầu xuất khẩu đi nhiều thị trường, trong đó tập trung ở thị trường Trung Quốc.
Vừa qua, nhờ việc ký kết và thông thương giữa Việt Nam- Trung Quốc thuận lợi nên giá một số mặt hàng trái cây của tỉnh đã tăng cao như sầu riêng, nhãn, xoài… Đặc biệt là mặt hàng khoai lang đã có nhiều khởi sắc sau khi nghị định thư được ký.
Tuy nhiên, theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Việt Nam, năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 53 tỷ USD, trong đó thị trường Trung Quốc đóng góp hơn 14 tỷ USD. Đây là thị trường rộng lớn. Nhưng nếu xét đến tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc là trên 260 tỷ USD, thì mới chiếm tỷ trọng chưa đến 5%.
DN cần chuẩn bị sẵn sàng, chủ động
Theo các chuyên gia kinh tế, sự mở cửa của nền kinh tế Trung Quốc sẽ giúp các DN Việt Nam xuất, mua hàng dễ hơn, giúp cho hàng hóa thông quan nhanh hơn, giảm đáng kể chi phí vận chuyển. Song, các DN Việt Nam cũng phải đối mặt với thách thức, cạnh tranh mạnh mẽ trong thời gian tới.
Để tận dụng cơ hội này, các chuyên gia khuyến cáo, DN Việt Nam nên có sự chuẩn bị kỹ từ nhân sự, nguồn lực và đối tác.
Hiện nay, Việt Nam có 16 mặt hàng thực vật đang xuất khẩu sang Trung Quốc là chuối, sầu riêng, măng cụt, thạch đen, cám gạo, gạo, khoai lang, dưa hấu, thanh long, xoài, mít, nhãn, vải, chôm chôm, ớt, chanh dây. Trong đó, khoảng 7 sản phẩm đã có nghị định thư và Bộ Nông nghiệp- PTNT đang hoàn thiện chuẩn hóa các nghị định thư cho khoai lang, ớt. |
Theo ông Tô Ngọc Sơn, tuy có vị trí, vai trò quan trọng và nhiều tiềm năng nhưng hợp tác kinh tế, thương mại của Việt Nam với địa phương nước bạn còn nhiều điểm đáng tiếc, chưa được như kỳ vọng.
Do đó, để có thể tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, cần tận dụng hiệu quả cơ chế hợp tác giữa hai nước, cần xây dựng lộ trình, kế hoạch mở cửa thị trường cho mặt hàng xuất khẩu, đánh giá kỹ năng lực sản xuất trong nước và nhu cầu của thị trường.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng: Mỗi thị trường có yêu cầu khác nhau và đặt ra những hàng rào kỹ thuật riêng nên phía DN Việt Nam cần lưu ý đáp ứng các tiêu chuẩn về mã số vùng trồng, đóng gói, hoạt chất cấm... đối với rau quả xuất khẩu.
Cần thiết để cho thế giới thấy nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, vùng nguyên liệu lớn có khả năng đáp ứng nhu cầu khắt khe, khắc phục tồn tại về vùng nguyên liệu nhỏ lẻ, manh mún đã diễn ra nhiều năm qua.
Bên cạnh đó, các DN cần tập trung phát triển công nghệ bảo quản để thúc đẩy xuất khẩu sang nhiều thị trường hơn nữa. Bên cạnh đó, cũng cần có sự kịp thời từ các chính sách và sự sẵn sàng của các DN, địa phương.
Ông Nguyễn Văn Liêm cho rằng: “Thời gian tới, định hướng của tỉnh là tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tập trung vào cây ăn quả, rau màu, khoai lang.
Đồng thời, thực hiện tốt quy định trong việc xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để phục vụ cho xuất khẩu.
Để có thể thực hiện được những mục tiêu đó, tỉnh Vĩnh Long đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ thẩm định, rút ngắn thời gian cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói”.
Tại Diễn đàn trực tuyến “Thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá: Về mặt tiêu chuẩn, quy chuẩn ngày càng nâng cao, đặc biệt là yêu cầu từ Lệnh 248, 249, các DN thực hiện theo đúng các yêu cầu kỹ thuật; kết hợp với các đơn vị nông nghiệp địa phương để xây dựng vùng nguyên liệu; phối hợp với các đơn vị thực hiện cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để đáp ứng yêu cầu phía bạn. Về thực hiện liên kết, các DN cần chủ động liên hệ các đơn vị như ban quản lý cửa khẩu để nắm bắt thông tin về tiến độ thông quan, tránh ùn tắc, đảm bảo chất lượng hàng nông sản, thời gian thông quan và chi phí vận tải... |
Bài, ảnh: TRÀ MY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin