Giữ chân và thu hút lao động ngành dệt may

05:02, 16/02/2023

Trải qua năm 2022 với nhiều biến động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, năm 2023, các doanh nghiệp (DN) ngành dệt may tiếp tục tăng cường chính sách giữ chân người lao động (LĐ).

Nhu cầu lao động ngành dệt may tiếp tục được dự báo tăng cao trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Nhu cầu lao động ngành dệt may tiếp tục được dự báo tăng cao trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

(VLO) Trải qua năm 2022 với nhiều biến động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, năm 2023, các doanh nghiệp (DN) ngành dệt may tiếp tục tăng cường chính sách giữ chân người lao động (LĐ).

Chính sách giữ chân người LĐ

Theo Công đoàn Các khu công nghiệp (KCN) tỉnh, các DN đang hoạt động ở các KCN tỉnh thời gian qua luôn quan tâm và có nhiều chính sách nhằm đảm bảo quyền lợi của người LĐ, đặc biệt là ở một số DN ngành dệt may luôn có những chính sách riêng để thu hút và giữ chân người LĐ.

Tại Công ty TNHH BoHsing, các chính sách đảm bảo về quyền lợi của người LĐ luôn được đảm bảo, công tác chăm lo đời sống, tinh thần cho người LĐ ngày càng được quan tâm.

Theo bà Bùi Thị Cẩm Tú - Giám đốc Quản lý Hành chính nhân sự, thời gian qua, nhờ vào các chính sách mà người LĐ luôn tin tưởng và an tâm làm việc tại đơn vị.

Cụ thể là sau Tết Nguyên đán, 100% người LĐ trở lại làm việc. Cũng trong ngày khai trương đầu năm, công ty lì xì cho tất cả người LĐ 200.000 đ/người.

“Cuối năm 2022, căn cứ tình hình sản xuất trong năm nên đã xét thưởng tháng 13 với hệ số bình quân khoảng 2 tháng lương/người. Bình quân tiền thưởng khoảng 9,4 triệu đồng/người.

Công ty cũng tổ chức tất niên cho toàn thể người LĐ và rút thăm trúng thưởng máy giặt, tủ lạnh, nồi cơm điện...

Do đó đã tạo được không khí vui tươi, phấn khởi cho người LĐ khi Tết đến, Xuân về” - bà Cẩm Tú chia sẻ.

Trong khi đó, môi trường làm việc luôn được chú trọng nhằm thu hút được lực lượng LĐ. Hiện tại, công ty có tổ chức lớp đào tạo tay nghề miễn phí cho người LĐ ứng tuyển không có tay nghề.

Thời gian này, công ty hỗ trợ tiền cơm và tiền xe khoảng 3 - 6 ngày, khi người LĐ biết ráp, dằn li là sẽ chuyển qua chính thức nhận lương đầy đủ.

“Người LĐ có tay nghề ứng tuyển sẽ được kiểm tra bậc tay nghề để sắp mức lương theo năng lực. Ngoài các khoản thu nhập là tiền lương và các loại phụ cấp khoảng 1,3 triệu đồng/người như tiền cơm, tiền xe, thưởng chuyên cần... thì hàng tuần và hàng tháng còn tham gia phong trào thi đua vượt năng suất.

Các dịp lễ, Tết được thưởng theo quy chế công ty, hỗ trợ khi ốm, đau, hiếu hỉ...” - bà Cẩm Tú cho biết thêm.

Còn tại Công ty TNHH May mặc Leader Việt Nam, các chế độ đãi ngộ, chính sách luôn được quan tâm để người LĐ luôn tin tưởng, an tâm và gắn bó lâu dài với DN. Theo đó, tình hình người LĐ trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán đạt hơn 95%.

“Công ty hiện vẫn đang giữ mức lương tối thiểu vùng từ vùng II trở lên kể cả lương cơ bản vùng KCN Hòa Phú là vùng III.

Đặc biệt, chúng tôi luôn quan niệm nhân viên là cốt lõi của công ty nên cần phải quan tâm, giúp đỡ nhân viên mọi lúc, mọi nơi” - ông Deng Mei Ying - Tổng Xưởng trưởng Công ty TNHH May mặc Leader Việt Nam, cho biết.

Nhu cầu LĐ tăng

Các doanh nghiệp hoạt động ở trong các khu công nghiệp tỉnh luôn quan tâm đến các chính sách thu hút và giữ chân người lao động.
Các doanh nghiệp hoạt động ở trong các khu công nghiệp tỉnh luôn quan tâm đến các chính sách thu hút và giữ chân người lao động.

Theo bà Cẩm Tú, căn cứ vào tình hình thực tế tại đơn vị, năm 2023, nhu cầu về nhân lực của công ty là 500 LĐ, tăng lên 2.300 LĐ. Trong khi đó, đến năm 2024, nhu cầu tại Công ty TNHH BoHsing là 3.000 LĐ do công ty mở rộng quy mô sản xuất.

Trong khi đó, tại Công ty TNHH May mặc Leader Việt Nam, năm 2023, dự báo tình hình sản xuất kinh doanh vẫn tiếp tục ổn định. Công ty vẫn sẽ tuyển LĐ liên tục.

Hiện công ty cũng đang cần tuyển gấp 1.500 LĐ để tổ chức sản xuất lắp đầy 2 xưởng hiện tại và xưởng 3 sắp mở.

Tuy nhiên hiện tại, theo ông Deng Mei Ying, lực lượng LĐ ở Vĩnh Long ít, sự cạnh tranh LĐ giữa các công ty cao.

“Do đó, thời gian tới, Leader Việt Nam mong muốn các đơn vị liên quan hỗ trợ DN kết nối với người LĐ. Đồng thời tổ chức đào tạo nghề phù hợp hơn với nhu cầu của DN” - ông Ying cho biết.

Theo Ban Quản lý Các KCN tỉnh, đối với các DN ngành dệt may, năm 2023 vẫn có nhu cầu lớn về nguồn LĐ, một số DN cũng đưa ra dự báo luôn tình hình LĐ đến năm 2024.

Ông Nguyễn Thanh Sang - Phó Trưởng Ban Quản lý Các KCN tỉnh, trong năm 2023, sẽ thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình LĐ, việc làm, nhu cầu và thực hiện cấp giấy phép LĐ cho người nước ngoài, lực lượng chuyên gia. Đồng thời vận động DN thực hiện tốt chính sách pháp luật, LĐ, tiền lương, các chế độ bảo hiểm, hỗ trợ DN tuyển dụng LĐ khi có nhu cầu.

Ông Nguyễn Thành Tài - Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn các KCN tỉnh

Trong năm 2022, công tác bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, công nhân viên LĐ, chăm lo đời sống cho người LĐ được các công đoàn cơ sở thực hiện tốt. Công đoàn các KCN tỉnh luôn chủ động xây dựng kế hoạch và giải pháp cụ thể để chỉ đạo các công đoàn cơ sở tổ chức thực hiện đạt kết quả tốt công tác bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người LĐ. Đặc biệt là phối hợp tốt với các ban, ngành giám sát bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng cho công nhân LĐ, nhất là các chế độ chính sách như tiền lương, tiền thưởng, quà Tết, chế độ phụ cấp…

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh