Ông Nguyễn Ngọc Nhân - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ) cho biết, hiện giá chôm chôm đang ở mức cao so các năm trước, nhà vườn có lời nên phấn khởi.
Chôm chôm đóng thùng bán trái tươi tại vườn. |
(VLO) Ông Nguyễn Ngọc Nhân - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ) cho biết, hiện giá chôm chôm đang ở mức cao so các năm trước, nhà vườn có lời nên phấn khởi.
Chú Phạm Cao Sơn ở ấp Bình Hòa 2 trồng 6 công chôm chôm Thái và Java, với giá hiện nay thì nhà vườn ai cũng phấn khởi. “Hiện chôm chôm Java “hàng thùng” (chôm chôm tươi đóng thùng bán tại vườn - PV) khoảng 20.000 đ/kg tùy theo đường gần hay xa.
Chôm chôm Thái giá cao nhất hồi đó giờ với hơn 50.000 đ/kg, chôm chôm đường hơn 30.000 đ/kg cũng là “đặc biệt” luôn. Trong khi đang vào vụ nghịch nên giá đây tới tháng 3 âl chắc còn cao hơn”, chú Phạm Cao Sơn cho biết.
Với 20 năm gắn bó với cây chôm chôm, anh Phạm Văn Thòn, cũng ở ấp Bình Hòa 2 cho biết, anh có 5 công trồng chuyên các loại chôm chôm và 4 công trồng xen chôm chôm với nhãn, mít. Anh cho biết, “cách làm này giúp linh động đầu ra, trái này mất giá thì còn trái kia có giá”.
Mỗi năm, tùy tình hình mà anh chọn mùa thuận hay mùa nghịch để cho trái. Năm 2023, anh dự kiến phủ bạt nilon xử lý cho trái mùa nghịch, khoảng tháng 8 âl sẽ thu hoạch. Anh bày tỏ “mong muốn được Nhà nước hỗ trợ vốn để đầu tư phát triển sản xuất”.
Ông Nguyễn Ngọc Nhân cho biết, HTX hiện có 66 thành viên với khoảng 42ha, trồng 3 loại chôm chôm, trong đó, chôm chôm Java chiếm 80%, chôm chôm Thái 15%, còn lại là chôm chôm đường. Các thành viên của HTX vừa sản xuất nghịch vụ vừa rải vụ.
Cụ thể, từ tháng 4 - 7 âl tập trung xử lý cây, từ tháng 10 âl đến tháng 3 âl năm sau cho thu hoạch, mỗi tháng đều có sản phẩm lai rai để cung ứng ra thị trường.
Theo ông Nhân, mấy năm trước có nhiều công ty thu mua chôm chôm xuất khẩu nhưng số lượng đi châu Âu rất nhỏ lẻ, đa số xuất đi Trung Quốc.
Các năm 2020, 2021 thì sản xuất và tiêu thụ chôm chôm của thành viên HTX gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của hạn mặn và dịch COVID-19. Từ nửa năm 2022 trở lại đây thì thị trường Trung Quốc mua nhiều trở lại nên giá cả chôm chôm khởi sắc hơn những năm trước.
Cũng theo ông Nhân, từ 2019 trở về trước thì sản lượng chôm chôm của HTX là hàng ngàn tấn/năm. Tới lúc ảnh hưởng hạn mặn nên năng suất bị giảm.
Tuy nhiên, nhiều vườn cây bị suy kiệt đã được nhà vườn chăm sóc, chuyên gia, cán bộ kỹ thuật hỗ trợ… nên đến nay thì nhiều vườn đã phục hồi, khởi sắc lại. “Năm nay sản lượng chắc ăn khoảng 800 tấn”, ông Nhân nói.
Thời gian qua, sản lượng chôm chôm đi châu Âu chủ yếu kiểu thu mua theo đơn đặt hàng “thuận mua vừa bán”.
Vừa qua, HTX ký hợp đồng với một công ty ở Chợ Lách (Bến Tre), hiện nhân viên của công ty đến tận các vườn chôm chôm thu mua và đóng hàng tại vườn để xuất khẩu đi Trung Quốc.
Ông Nhân cho biết thêm, công ty này mua hàng ngày, số lượng lớn. Số còn lại, nhà vườn bán ra thị trường nội địa qua thương lái - cũng tới mua và đóng tại vườn. HTX có nhà kho để sơ chế, chế biến nhưng thương lái với công ty chủ yếu đóng hàng tươi tại vườn “vừa bẻ xuống vừa vô thùng”.
Về việc phòng chống hạn mặn cho vườn chôm chôm, ông Nhân cho biết, hiện đã được đầu tư hệ thống đê bao, cống bộng khá hoàn chỉnh, Nhà nước còn đầu tư trạm quan trắc.
Trong khi đó, nhà vườn kiểm tra tại vườn hàng ngày và thăm dò từ xa. Do đó, nếu hay mặn tới từ xa thì đã chủ động hơn trước.
Xã Bình Hòa Phước hiện có khoảng 600ha chôm chôm. |
Thời gian tới, HTX mong được ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ để giúp HTX làm mã số vùng trồng để chôm chôm xuất đi Trung Quốc thuận lợi.
Đồng thời mong muốn tới đây các ngành chức năng, doanh nghiệp quan tâm hỗ trợ HTX về kỹ thuật, chăm sóc, quản lý dịch bệnh trên cây chôm chôm để nhà vườn chăm sóc vườn cây tốt hơn, nâng cao chất lượng trái, để sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Theo ông Trần Minh Cảnh- Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Phước, xã được tỉnh, huyện công nhận 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP là chôm chôm và sầu riêng sấy thăng hoa.
Theo đó, chôm chôm đang nâng lên chuẩn 4 sao và sầu riêng sấy nâng lên 5 sao. Thời gian qua, sau khi được công nhận OCOP, các sản phẩm này ngày càng được nhiều doanh nghiệp, tiểu thương trong và ngoài tỉnh biết đến và quan tâm hơn, góp phần nâng cao giá trị, nâng thu nhập người dân, giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi từ khâu thu mua, chế biến…
Địa phương rất tạo điều kiện cho HTX, các cơ sở này hoạt động như hỗ trợ hồ sơ vay vốn, phối hợp tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật…
Trong đó, diện tích chôm chôm hiện khoảng 600ha, chiếm 70% diện tích cây ăn trái toàn xã. Với giá từ 12.000 đ/kg trở lên thì nông dân có lời.
Như vụ này chôm chôm Java 22.000 - 25.000 đ/kg, chôm đường 30.000- 32.000 đ/kg, chôm chôm Thái 45.000 - 50.000 đ/kg... thì nông dân có lời nhiều.
Thời gian tới, sẽ tiếp tục vận động người dân áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, nâng cao chất lượng trái, xử lý nghịch vụ giá cao.
Bài, ảnh: NAM ANH - NGUYỄN XUÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin