Cân đối sản lượng, nâng cao chất lượng

03:02, 28/02/2023

Thời gian qua, giá cam sành giảm khiến không ít nhà vườn gặp khó trong thu hồi vốn, đầu tư vụ kế tiếp. Phóng viên Báo Vĩnh Long đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, để tìm hiểu nguyên nhân và cách giải quyết vấn đề này.

 

Thời gian qua, giá cam sành giảm khiến không ít nhà vườn gặp khó trong thu hồi vốn, đầu tư vụ kế tiếp. Phóng viên Báo Vĩnh Long đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, để tìm hiểu nguyên nhân và cách giải quyết vấn đề này.

Giá cam sành có biến động lớn thời gian qua, theo ông nguyên nhân chính do đâu?

Không chỉ riêng cam sành, mà thời gian qua nhiều loại nông sản của Việt Nam nói chung và của tỉnh Vĩnh Long nói riêng luôn chịu ảnh hưởng chung của quy luật cung cầu và quy luật giá trị. Không chỉ có giá cam sành của Vĩnh Long mà cam tại các tỉnh phía Bắc hoặc cam sành tại các tỉnh phía Nam như Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre,… cũng bị sụt giảm.

Nguyên nhân xuất phát từ thực tiễn sản xuất cam cho hiệu quả kinh tế cao; nhiều hộ dân tích cực chuyển đổi diện tích đất vườn tạp kém hiệu quả và nhất là chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cam một cách ồ ạt, bất chấp sự khuyến cáo của cơ quan chuyên môn về rủi ro tiềm ẩn do cung vượt cầu… Làm cho sản lượng cam hiện nay tăng cao hơn nhiều so với nhu cầu tiêu dùng. Thêm vào đó, sản xuất chưa mang tính hàng hóa cao theo yêu cầu của thị trường về chủng loại, chất lượng và số lượng. Chất lượng trái cam thời gian gần đây giảm thấp do nông dân áp dụng kỹ thuật trồng dày, để trái sớm và sử dụng nhiều phân bón và thuốc BVTV.

Trong khó khăn, nhiều nơi kết nối tiêu thụ cam bằng nhiều cách khác nhau, trong đó phổ biến là thông qua mạng xã hội. Ông có đánh giá gì về việc làm này và có lời khuyên gì cho các nhà vườn?

Việc bà con và doanh nghiệp hỗ trợ, đăng thông tin lên mạng xã hội vận động tiêu thụ cam và trực tiếp bán cam hỗ trợ nhà vườn là việc làm có ý nghĩa, nói lên sự tương trợ cho nhà nông lúc khó khăn. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, muốn có tính ổn định và bền vững thì người dân phải chủ động quyết định cân đối trong sản xuất các loại nông sản nói chung, trong đó có cây cam sành. Trước mắt, nông dân không nên mở rộng diện tích, không trồng mới thêm diện tích cam, đồng thời xem xét bố trí lịch thời vụ để trái phù hợp; tiếp tục chăm sóc cho vườn cây đã trồng, chờ khi có giá tăng trở lại sẽ xử lý bông trái đợt kế tiếp.

Thời gian qua, tốc độ chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang cam sành rất cao vượt xa quy hoạch của tỉnh, ông có thể cho biết thêm về vấn đề này?

Trong thời gian qua, cam sành được đánh giá là một trong những loại trái cây có tốc độ phát triển nhiều nhất, do liên tục trong nhiều năm qua giá cam trên thị trường luôn ổn định ở mức khá cao (trung bình trên 10.000 đ/kg), trong khi nông dân áp dụng kỹ thuật canh tác mới có thể nâng cao năng suất cam lên từ 70- 100 tấn/ha, người trồng cam thu lợi nhuận cao (bình quân 300- 500 triệu/ha/năm). Từ đó người dân đổ xô trồng cam và đi thuê đất thêm để trồng cam (giá thuê đất mỗi năm cũng tăng cao lên từ 7- 9 triệu đồng/công). Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có trên 17.000ha trồng cam sành (tăng gần 3.000ha so với năm 2020).

Tuy nhiên, so với quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt thì đã vượt hơn trên 30% diện tích (tỉnh quy hoạch diện tích trồng cam đến năm 2025 là 12.000ha). Ngoài ra, một số vùng không thích nghi như tại huyện Long Hồ, huyện Mang Thít, TX Bình Minh hiện cũng vẫn có nông dân thuê đất trồng cam, điều này dẫn đến tình trạng cung vượt cầu như đã xảy ra.

Để tránh tình trạng rớt giá có thể xảy ra đối với cây cam sành cũng như nhiều loại trái cây khác, thời gian qua ngành nông nghiệp đã có cảnh báo gì với nông dân trong việc chuyển đổi cây trồng, thưa ông?

Việc cảnh báo trong sản xuất nói chung và đối với việc trồng cây cam sành nói riêng luôn được ngành nông nghiệp quan tâm tư vấn hỗ trợ kỹ thuật và có khuyến cáo đầy đủ hàng năm cho nông dân thông qua các cuộc tập huấn, hội thảo, thông tin tuyên truyền, thông báo giá cả hàng hóa nông sản…

Nhưng do lợi nhuận trước mắt thu được từ việc trồng cam sành trong thời gian qua là khá cao nên nông dân đã trồng bất chấp khuyến cáo. Tuy cam sành là loại cây dễ trồng, thích nghi với nhiều loại đất nhưng về đầu ra thì đây là loại trái chỉ được bán nội địa và còn phải cạnh tranh với nhiều loại cam nhập khẩu chất lượng, mẫu mã đẹp và giá cả cũng rất cạnh tranh. Ngoài ra, cam sành hiện nay chỉ phù hợp để vắt nước uống tươi, khó đưa vào chế biến công nghiệp vì hạt nhiều nên gặp hạn chế về tiêu thụ. Với việc nông dân chuyển đổi tự phát một cách ồ ạt như thời gian qua, cũng sẽ đến lúc sản lượng cam sành dư thừa và bị rớt giá, nhà vườn thua lỗ.

Xin cảm ơn ông!

TẤN ANH - NGUYÊN KHANG (thực hiện)

 

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh